Không chỉ khiến cả thế giới ngưỡng mộ bởi cách mà họ - những người dân và đất nước Nhật Bản đứng dậy sau những thiên tai phải gánh chịu mà nước Nhật còn khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục trước một nền giáo dục tuyệt vời với phương pháp giáo dục mang đậm tính nhân văn nhưng không kém phần thông minh.
 
Họ đã làm thế nào để tạo ra những đứa trẻ như vậy? Phương pháp của họ là gì? 
 
Bài học đầu tiên: “Cảm ơn – Xin lỗi”
 
Trong mấy ngày gần đây, có một video về hành động cúi đầu chào các bác tài thay cho lời cảm ơn vì đã nhường đường cho các em, mặc dù việc dừng xe khi đèn đỏ là chuyện đương nhiên phải làm của các tài xế khi qua đường của trẻ em Nhật Bản đã khiến mọi người đều phải xuýt xoa và thốt lên đầy ngưỡng mộ. Nhưng ở nước Nhật, đó lại không phải là hành động khó gặp mà đó là hành động mà bạn có thể bắt gặp thường xuyên, ở bất kỳ nơi đâu, tại trường học, khi đi chơi…
 
Hành động vô cùng đáng khen và đáng học hỏi của trẻ em Nhật Bản khi băng qua đường.
 
Tại Nhật Bản, ngay từ khi trẻ bắt đầu bước chân vào mẫu giáo đã được dạy bài học về quy tắc ứng xử căn bản. Nếu bạn đã từng xem qua các bộ phim, các chương trình của Nhật hoặc tiếp xúc trực tiếp với người Nhật thì điều đầu tiên bạn có thể nhận thấy rằng họ đặc biệt chú trọng các câu chào hỏi, xin lỗi, và cám ơn. Chính vì thế mà điều này đã được đưa vào giảng dạy cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ.
 
 Các bé luôn được dạy cách nói "cảm ơn" khi người khác giúp mình một việc gì đó và "xin lỗi" khi mình làm sai (Ảnh minh họa).
 
Khi trẻ đến trường, việc đầu tiên trẻ phải làm đó là xếp hàng vào lớp và sau đó là trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu việc học. Trong quá trình học và chơi, trẻ cũng được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong các tình huống phù hợp. Còn khi đến giờ ăn, trẻ sẽ cùng nói “Itadakimasu” (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn) trước khi bắt đầu bữa ăn và nói ”Gochisosamadeshita” (Cám ơn vì bữa ăn) khi đã ăn xong. Với người Nhật, hành động này sẽ dạy cho trẻ biết được cách trân trọng đồ ăn của mình, cách cảm ơn những người đã tạo ra bữa ăn cho chúng và cảm ơn vì mình đã được ngồi đây, ăn bữa ăn ngon miệng này.
 
 Trẻ em Nhật nói “Itadakimasu” trước khi bắt đầu bữa ăn. (Ảnh minh họa)
 
Bài học tự lập ngay từ khi còn nhỏ
 
Một trong những điều mà hầu như mọi người đều ngạc nhiên khi tới nước Nhật là tại đây, ở trên những chuyến tàu điện ngầm, trên xe bus hay trên đường, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những đứa trẻ đi 1 mình. Đừng nghĩ rằng những đứa trẻ này không được bố mẹ quan tâm hoặc bỏ nhà ra đi, chỉ đơn giản là chúng đang học cách tự lập mà thôi.
 
 Bạn sẽ không hề xa lạ khi bắt gặp những đứa trẻ đi đầu điện ngầm 1 mình (Ảnh minh họa).
 
 Hay tự đi đến trường mà không có người lớn đi kèm (Ảnh minh họa).
 
Ở Nhật, bắt đầu từ khoảng 3 tuổi, trẻ em đã được hướng dẫn tự làm các công việc cá nhân mà không cần đến người lớn. Như tự ăn, tự đem khay sau khi ăn đến nơi dọn dẹp, tự mặc quần áo, tự trải ga trải giường, tự gấp gối và nệm sau giấc ngủ trưa. Còn bắt đầu từ 5 tuổi trở đi, trẻ sẽ được bố mẹ cho đến trường một mình bằng tàu, bằng xe bus sớm nhất hoặc phù hợp với giờ học nhất. Điều bố mẹ cần làm ở đây chỉ là dạy cho các em cách nhìn bảng giờ tàu, cách hỏi đường, hỏi chuyến tàu để đến được trường học đúng giờ. Còn nếu không tìm được đúng chuyến tàu, các em sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc các nhân viên nhà ga, bến xe bus.

Trẻ em tại Nhật ngay từ bậc tiểu học đã được dạy cách tự mình làm các công việc cá nhân của mình, tự đi học… một cách rất bài bản.
 
Lý giải cho điều này, các bậc phụ huynh Nhật Bản đã nói rằng ở Nhật có một câu ngạn ngữ rằng “Kawaii ko ni wa tabi o saseyo” - “Hãy để con yêu tự đi một chặng đường dài”, đó là bởi vì dù có cố gắng đến đâu thì cha mẹ sẽ không thể đi cùng con suốt cuộc đời, chính vì thế các bé cần phải học cách tự tìm cách giải quyết các vấn đề mà mình gặp phải, tự biết cách chăm sóc mình, đó là điều rất hữu ích cho cuộc sống tự lập sau này của các bé.
 
Bài học nhân cách không bao giờ quên
 
Môn học bắt buộc và được chú trọng nhất ở Nhật Bản không phải là Toán, Văn hay Tiếng Anh mà đó chính là môn Đạo đức. Nhưng có một điều kỳ lạ là môn học này thì không có một giáo trình chung nào cả và thầy cô hoàn toàn có thể thiên biến vạn hóa nó để làm sao cho bài giảng phù hợp nhất với các em học sinh. Chính vì vậy mà vào các giờ học Đạo đức, các em có thể được tham gia thảo luận, tham gia các tình huống hoặc học đạo đức ngay bên ngoài xã hội. Chính điều này đã giúp cho các học sinh Nhật học cách ứng xử trong nhiều tình huống khác nhau và mỗi tình huống đều vận dụng đạo đức để xác định mình nên hành xử thế nào cho đúng.
 
Những em bé Nhật Bản trả lại ví cho người đánh rơi.
 
Theo phương châm của nền giáo dục Nhật Bản thì “Giáo dục là cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng công dân có thể mài giũa nhân cách bản thân và mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.
 
 Giúp đỡ người khác ngay từ khi còn nhỏ là bài học mà các bé sẽ không bao giờ quên (Ảnh minh họa).
 
Tại các trường học của Nhật, không phân biệt trường công lập hay dân lập, trường nghèo hay trường giàu, trường ở thành phố hay ở thôn quê thì mỗi em học sinh đều phải tham gia lau dọn trường lớp, lần lượt thay phiên trực nhật, quét dọn lớp học, và các khu vực công cộng như sân bóng rổ, cầu thang, hành lang lớp học... Các hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu về trách nhiệm với bản thân, chăm sóc người thân, và việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
 
Tất cả các bạn nhỏ trong lớp đều tham gia vào việc lau dọn lớp học, phục vụ ở nhà ăn rất vui vẻ...
 
... hay tham gia phục vụ bữa ăn trưa cho các bạn cùng trường.
 
Không những vậy, các bé còn được tham gia rất nhiều các hoạt động chăm sóc động vật, chăm sóc người già… để học được cách trân trọng cuộc sống mà mình đang có và biết sẻ chia hơn với những người khác.
 
Từ rất sớm, các em nhỏ được dạy về cách chia sẻ, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ để vượt qua khó khăn.