Vẹo cột sống – không phải chuyện đùa

Bố mẹ rất hài lòng khi thấy các con ngồi chăm chỉ bên bàn học. Nhưng mẹ hãy để ý mà xem. Nếu mẹ không nhắc nhở, ít có bé nào ngồi học không cong, vẹo người, vai nọ cao hơn vai kia, chân đung đưa, đầu nghiêng một bên khi học bài. Ngồi học bài như thế, chỉ cần một lúc, cả cơ thể bé đã mỏi nhừ và sẽ tạo nên cho bé một tư thế quen thuộc. Vài tuần sau, bé sẽ bị vẹo (cong) cột sống.

Xương, gân, cơ bắp của bé vẫn đang ở tuổi phát triển và sự quá tải của cột sống có thể dẫn tới sự biến dạng của các đốt sống. Dần dần, bé sẽ quen ngồi học với tư thế đó và rất khó sửa.
 
Nếu không kịp thời điều chỉnh thì cột sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt. Những điều này gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe, bởi vì tim, phổi khó hoạt động, thở không sâu làm giảm tính cơ động của lồng ngực, giảm dung tích sống của phổi, trẻ sẽ dần dần yếu ớt, sức khỏe giảm sút rõ rệt.
 
Các bố mẹ thường xuyên nhắc nhở con phải ngồi thẳng nhưng dường như vô ích. Chỉ cần bố mẹ lơ là chút, thế nào bé cũng quên ngay việc giữ gìn lưng, vai hạ xuống và cột sống cong vòng.
 
Tránh tư thế ngồi học "cúi gằm mặt xuống bàn"

Cách cầm bút cũng sai

Ngồi học đã đúng tư thế, bố mẹ cần để ý đến cách con cầm bút. Cầm bút đúng các ngón, viết không ra lệch ra đường kẻ. Điều đó cũng không dễ dàng gì với các bé. Những ngón tay của bé ban đầu còn yếu và chưa khéo léo, thành thạo.

Cầm bút sai, bé có thể bị co thắt ngón tay khi phải viết nhiều và nhanh. Bé viết được chữ nào thì chắc chắn cũng rất xấu, tẩy xóa và bẩn.
Mẹ hãy dạy còn cách cầm bút đúng ngay từ khi con bắt đầu tập viết
 
Giúp bé giữ dáng đẹp và học hiệu quả
 
Rèn cho con tư thế ngồi viết đúng:

Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó. Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm.

Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi. Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi.

Hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định. Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.

Cách cầm bút đúng 
 
Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm. Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết . Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay.

Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út va áp út (ngón deo nhẫn). Ngược lại không úp quá nghiêng bàn tay về bên trái (nhìn từ trên xuống thấy cả 4 ngón tay: trỏ, giữa, áp út và út).

Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ. Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấy.

Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm. Nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá “tù”, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.

Tập thể dục để giữ dáng nhé!

Giữ thẳng cột sống
 
Mẹ để xung quanh bé một số đồ vật bị rơi (bút chì, quyển sách, cục tẩy...). Yêu cầu bé đứng yên một chỗ, cúi xuống nhặt bút chì nhưng không được cong đầu gối.
 
 Cho bé nằm sấp xuống nền nhà, tay để về phía trước tựa vào cằm. Kiểm tra tư thế đúng của bé. Giữ chắc bé ở mắt cá, để bé tự vươn tới trước, giơ tay này sau đó đến tay khác. Đó là bài tập đàn hồi cho cột sống.
 
Quỳ xuống, đặt hai tay và cằm lên thành ghế thấp (ghế ngồi tiếp khách), uốn cong thắt lưng vài lần. Cho bé nằm ngửa, tay để dọc theo thần mình, thư giãn.

Ngón tay xinh không mỏi

Để bé không mỏi và mệt với việc cầm bút viết, mẹ hãy cho bé viết khoảng 15 phút, nghỉ một lần và tập thể dục cho các ngón tay.

Bắt đầu thả lỏng người, tay nghỉ viết, lưng thẳng, dựa vào thành ghế, hai vai thả lỏng.

Từ từ và đều đều giơ tay lên đỉnh đầu, sau đó thả cho tay rơi tự do xuống. Sau đó, hai tay gập lại, ngón để trên vai. Xoay cả hai tay để trên vai, mỗi lần xoay 10 – 12 lần.

Nắm chặt bàn tay và mở ra, luyện độ dẻo dai của các ngón tay. Vai nâng cao, tay để lên bàn. Làm từ 10  - 12 lần. Chú ý khi thả các ngón tay, bé phải thả thẳng các ngón tay thẳng đều, dứt khoát.

Tập cho các đầu ngón tay trong một bàn tay chạm vào ngón cái theo thứ tự. Hết tay phải rồi tới tay trái.

Với cái lưng đã thẳng, những ngón tay không mỏi và các cơ khỏe khoắn, bé sẽ không mệt, giữ được dáng đẹp và học có hiệu quả hơn.
 
Bảo Châu
(Tổng hợp)