Nhiều nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ thơ đã chỉ ra rằng thực tế thì các mẹ không cần thiết phải quá lo lắng về vấn đề này bởi một lẽ tự nhiên là không một ai có thể thay thế vị trí quan trọng của mẹ trong lòng bé. Dường như có một sợi dây tình cảm vô hình kết nối bố mẹ và con trẻ, khiến bố mẹ luôn là những người đặc biệt trong tâm trí của một đứa trẻ.

Chỉ với những hành động và cử chỉ âu yếm thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm và sẻ chia với trẻ như những cái ôm, hôn hay đơn giản chỉ là lau nước mũi cho con, đắp chăn cho con mỗi đêm bé ngủ, bạn sẽ luôn là số một người mẹ thật hoàn hảo trong mắt trẻ.

Khi chia sẻ việc chăm sóc bé với một người khác, cảm giác sợ bị mất vị trí số một trong lòng đứa trẻ thường dẫn đến những phản ứng tiêu cực của các ông bố bà mẹ như tạo ra một khoảng cách nhất định giữa người giữ trẻ và bố mẹ hay vô tình đặt đứa trẻ vào những tình huống khó xử khi trẻ muốn được một người khác quan tâm nhưng lại sợ rằng hành động đó là “phản bội” bố mẹ!

Đã có nhiều bà mẹ khi đến đón con ở nơi trông giữ trẻ nhìn thấy trẻ vui vẻ nô đùa cùng người giữ trẻ liền ngay lập tức bế trẻ đi mà không cả cho con chút thời gian ngắn ngủi đủ để chào tạm biệt cô trông trẻ. Và cũng rất hiếm khi những bà mẹ đó dành thời gian trò chuyện niềm nở cùng người đang hàng ngày vẫn giúp mình chăm sóc con.

Hãy cảnh giác với những phản ứng thái quá như vậy bởi hành động thiếu văn minh giao tiếp đó sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không tốt, đó là: thứ nhất, mẹ và cô giữ trẻ không thể cùng nhau chia sẻ những thông tin quan trọng liên quan đến đứa trẻ và thứ hai là trẻ cũng sẽ rơi vào tình trạng lo lắng, bối rối, tại sao “đẩy con ngã rồi lại nâng con dậy?”.

Thử nghĩ xem, việc gửi trẻ ở một nơi nhận trông trẻ ban ngày như vậy sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho con bạn. Bé sẽ học hỏi được nhiều điều mới từ môi trường xung quanh và nhanh chóng phát triển những mối quan hệ thân thiện với mọi người. Điều đó là vô cùng cần thiết cho con bạn trong thời gian khi bé bắt đầu đến tuổi đi học. Thêm vào đó, một người chăm sóc trẻ ban ngày hiểu khá rõ tính cách, thói quen, sở thích… của trẻ. Vậy thì tại sao bạn không chia sẻ để cùng họ chăm sóc bé yêu được tốt hơn?

 
Thảo Linh
 (Theo PR)