Khuyến khích con ăn theo nhu cầu
- Chào Hoàng Huyền, nhìn Suri rất cứng cáp, bạn nuôi con khéo quá!
Trộm vía Suri nhà mình khá dễ nuôi. Mình thường khuyến khích con ăn những gì bé thích, mình chú trọng đến bữa ăn của con phải đa dạng, đổi món thường xuyên. Thêm vào đó, mình không ép con ăn.
Ai cũng thích những đứa trẻ bụ bẫm, mũm mĩm, đó gần như đã trở thành một điều bất di bất dịch song mình không nghĩ trẻ thừa cân đồng nghĩa với một tình trạng sức khỏe tốt.
Trẻ thừa cân kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe khác như bệnh béo phì, bệnh tim mạch… Vì thế, thay bằng việc ép con ăn, mình luôn khuyến khích con thử món mới. Mình tin khi con nói đã no rồi bởi bản năng trẻ tự biết mình cần bao nhiêu thức ăn là đủ mà.
- Bạn có thể bật mí một chút về thực đơn hàng ngày của Suri không?
Mình luôn để ý tới dinh dưỡng của con tùy theo từng độ tuổi. Mình khuyến khích con uống thật nhiều sữa bởi thực phẩm này giúp con tăng trưởng chiều cao.
Ngoài ra, bữa ăn hợp lý phải bảo đảm đủ các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, béo, đường, vitamin và muối khoáng phải ở tỷ lệ cân đối. Dù tôn trọng sở thích của con nhưng mình không tạo điều kiện cho bé bằng việc để sẵn bánh kẹo, nước ngọt trong tủ lạnh. Những đồ ăn vặt này chứa lượng đường cao, con sẽ có cảm giác “no giả” nên không muốn ăn các thứ giàu dinh dưỡng khác. Đó là chưa kể đồ ngọt sẽ gây sâu răng.
Ví dụ, hôm nay Suri sáng uống sữa bột, trưa bé ăn cơm nát, trứng chim cút kho thịt cắt nhỏ, canh cua rau mùng tơi, tráng miệng một quả chuối.
Chiều ngủ dậy, bé ăn nhẹ một bát cháo trai. Tối bé ăn cơm nát, đậu phụ nhồi thịt, canh rau ngót thịt vụn, bát súp khoai tây, tráng miệng với một miếng xoài. Trước khi đi ngủ, con lại uống một bình sữa.
Hôm sau, mình có thể thay thịt bằng cá, canh cũng thay đổi thường xuyên. Mình thường cho con ăn thịt trắng nhiều hơn thịt đỏ, rau đậm màu nữa. Mình chú ý tới những loại hoa quả thanh mát, ngọt nhẹ, và có thể “tránh cúm” cho con vào thời tiết lạnh lẽo này: ví dụ cam quýt.
- Vậy là Suri đã biết ăn cơm rồi? Huyền có bí quyết gì chia sẻ với các mẹ về cách dạy bé nhai cơm không?
Khi Suri được 2 tuổi, mình bắt đầu luyện cho bé ăn cơm. Mình thấy thời điểm này là thích hợp bởi con đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn.
Nếu như trước đây mình xay nhuyễn toàn bộ thì giờ mình chỉ thái nhỏ, nấu mềm cho bé tập nhai. Nên cho con ăn từ ít đến nhiều, từ nhão đến bình thường, từ miếng nhỏ đến lớn. Trước đây, mình cho bé cơm một lần một ngày và chỉ ăn trong 30 phút, nếu bé không ăn thì mình dọn đi.
Mình không gây áp lực ép bé phải ăn nhiều, không ép con phải ăn hết khẩu phần cơm, điều này sẽ gây ra sự ức chế và chán ăn ở con. Quan trọng là mỗi ngày mình tạo ý thức để bé thích ăn, thèm ăn, ăn vì ngon miệng.
Mình thường cho bé tham gia ăn cùng với gia đình, mỗi ngày như vậy khiến bé tự ý thức “ăn cơm cùng gia đình vui như thế nào”. Thêm vào đó, khi có thời gian, mình thường tự tay làm bento cho con, đồ ăn có màu sắc, hình con vật, Suri thích ra mặt và nhai cơm "ngấu nghiến".
- Suri hào hứng với những bữa ăn này chứ?
Hào hứng! Nhìn chung con khá ngoan nhưng cũng không thể tránh khỏi những lúc bé nghịch ngợm không nghe lời. Ăn được một lát rồi vầy thật lực (cười). Mẹ không cho thì khóc nhè… chè thiu.
Có lẽ là con gái nên Suri hơi nhõng nhẽo nhưng nhìn chung, bé rất ngoan, biết giúp bố mẹ làm mấy việc nho nhỏ: như dọn bát, dọn đồ chơi của mình, bé cũng rất tình cảm nữa.
- Lúc đó, bạn làm gì?
Khi Suri khóc, nhõng nhẽo, mình “bơ” luôn, coi như không nghe thấy, không để ý. Mình “hồn nhiên” quay ra rủ chồng hát mấy bài bé thích. Thấy bố mẹ say sưa hát, con lại nín thinh và lân la ra hát cùng với bố mẹ.
Làm bạn để hiểu con
- "Tôn chỉ" dạy con của bạn như thế nào?
Mình luôn hướng tới mục đích “làm bạn cùng con". Điều này tưởng đơn giản nhưng vô cùng khó. Mình nghĩ, điều quan trọng là cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con. Dành thời gian không có nghĩa là bỏ hết mọi công việc và chỉ đưa đón, cơm bưng nước rót cho con. Dành thời gian ở đây là lắng nghe, để hiểu con đang nghĩ gì, đang sợ gì, muốn gì. Khi biết con mình đang nghĩ gì, ta mới có thể tâm sự được với con.
Để làm bạn được với con, mình buộc phải tự hạ cái “ tôi” của mình xuống. Dù con làm điều gì chưa ổn, mình sẽ không đánh con. Mình sẽ cố gắng bình tĩnh và tạo cơ hội cho hai mẹ con hiểu nhau hơn. Hơn nữa, giờ Suri đã đi học, mình cũng hay “kết nối” với trường lớp để hiểu con.
- Huyền chia sẻ cụ thể hơn về phương pháp “kết nối” đi!
Trước hết là từ bé, mỗi khi đi học về, mình thường hỏi con: hôm nay con học những gì, chơi gì, ăn gì, con chơi với bạn nào, con biết thêm điều gì để “dạy” mẹ với.
Với nơi gửi gắm con, trước hết, mình cũng như bao cha mẹ khác đó là sẽ phải tìm hiểu thật kỹ về môi trường con mình học như lịch sinh hoạt của con ở trường, thời khóa biểu, lịch ăn uống, biết hôm nay con học gì, chơi gì. Phụ huynh và nhà trường luôn trao đổi với nhau qua một “cuốn sổ liên lạc bé bé xinh xinh”.
Ví dụ, mình biết, hôm nay cô dạy con phải rửa tay sau đi ăn xong, sau khi đi vệ sinh, gấp quần áo gọn gàng,… Thì khi về nhà, mình cũng nhắc nhở con những việc làm đó. Mình nghĩ sự kết nối này chính là sự thống nhất trong cách giáo dục để con thấy “nhà như trường lớp, bố mẹ như cô giáo, bè bạn”.
- Điều cuối cùng, Hoàng Huyền muốn gửi gắm điều gì?
Thời gian bé ở bên mẹ nhiều hơn với bố nhưng Suri đặc biệt quấn quýt bố. Mình muốn cảm ơn anh xã đã cùng mình chăm sóc và nuôi dạy con. Nhiều khi dù rất bận rộn việc công ty nhưng anh vẫn cố gắng thu xếp về sớm chơi với con, lên mạng tìm hiểu các phương pháp dạy con phù hợp để trao đổi với mình.
- Cảm ơn sự chia sẻ rất thú vị này, chúc gia đình Huyền hạnh phúc, Suri hay ăn chóng lớn nhé!
Khi bé ngủ sâu và ngon chính là lúc hormone tốt cho sự phát triển của bé tiết ra nhiều nhất.