Trước đây, cô bé vốn hay nói hay cười, lại thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ ở trường.
Chị Hoàng Lan Anh (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) làm kế toán cho một công ty nước ngoài. Chị rất bận nên thường xuyên về muộn. Hai vợ chồng đều có thu nhập cao nên gia đình chị có mức sống nhiều bạn trẻ mơ ước. Có một người giúp việc - mà chị vẫn đùa với đồng nghiệp là ISO 2010, chị rất yên tâm về hai cô con gái và tập trung cho công việc.
Gần đây, chị Lan Anh bất ngờ khi thấy cô con gái đầu của mình có những biểu hiện lạ: ngày càng ít nói và rất hay cáu kỉnh, thậm chí tỏ ra hung hăng, bất chấp, rất hay gây sự trêu cho em khóc... Cô giáo chủ nhiệm của cháu mỗi lần gặp chị cũng phàn nàn bé rất cục tính, dễ nổi xung với bạn bè. Tâm sự với chuyên gia tâm lý giáo dục, chị Lan Anh lo lắng: "Trước kia cháu rất vui vẻ, hay hát, còn thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ ở trường. Không hiểu sao bây giờ lại như vậy".
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy - Giám đốc trung tâm Kỹ năng sống Smile's house (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, bà từng phải tư vấn cho rất nhiều vị phụ huynh có tâm sự như chị Lan Anh. Điều đáng nói là, phần lớn các cháu có tâm lý bất ổn khiến bố mẹ lo lắng này đều là các bé con đầu lòng mới có em hoặc hay bị bố mẹ so sánh với em.
Trường hợp của vợ chồng anh Minh (Tây Hồ, Hà Nội) cũng là một điển hình.
Anh Minh là một quân nhân. Vợ anh là bác sĩ. Hai vợ chồng lấy nhau muộn và sinh được hai con. Ở tuổi 50 mà cậu con trai đầu của anh chị mới học lớp 4 và cô con thứ hai mới được 2 tuổi. Tìm đến nhà tâm lý, anh Minh bày tỏ sự lo lắng về việc cậu con trai đầu lòng ngày càng hay cáu kỉnh, hung hăng và lì lợm. "Chỉ cần bạn học ngồi cạnh lỡ chạm vào tay khi cháu đang viết là lập tức cháu quay ngay sang, gạt tất cả sách vở, hộp bút của bạn xuống đất với nét mặt dữ tợn...", anh kể.
Theo nhà giáo dục, thật ra, việc các cháu có sự thay đổi về tâm tính (kể cả tốt lên hay xấu đi) đều có biểu hiện từ từ. Các bậc cha mẹ nếu thường xuyên quan tâm đến con sẽ sớm nhận ra điều đó. Tuy nhiên, nhiều người lại chỉ để ý tới những biểu hiện cụ thể, dễ thấy mà ít chú ý tới tâm tư, cảm xúc của trẻ.
Thực tế, khi cha mẹ sinh thêm em bé, đứa trẻ nhận thấy nó đã bị mất vị trí trung tâm, không còn quan trọng với bố mẹ nữa, khi mà hầu như các bậc phụ huynh và tất cả mọi người đều mải bận bịu, lo lắng cho một em bé mới. Trẻ có thể không biết diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời mà chỉ thể hiện bằng một số đòi hỏi nho nhỏ như "bố chơi với con", "mẹ xúc cơm cho con", "mẹ bế con"... , hay cố tình thực hiện những hành vi bất hợp lý để gây chú ý. Và rất tự nhiên, trong những hoàn cảnh này, đứa trẻ thường sẽ bị mắng và có thể phải chịu một hình phạt nho nhỏ vì "không ngoan trong khi bố mẹ bận bao nhiêu là việc".
"Những đứa con đầu lòng thường trải qua một giai đoạn với trạng thái tâm lý chung, đó là sự ghen tị, bướng bỉnh. Chúng thường thích cố tình làm ngược lại những điều bố mẹ mong muốn. Lâu dần, nếu bố mẹ không nhận ra, giúp con hiểu và thay đổi, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu. Với những ông bố, bà mẹ quá bận rộn, thiếu thời gian chơi với con sẽ không nhận ra sự thay đổi tâm lý của con. Họ thường có những phản ứng rất bị động từ hoàn cảnh và không kiểm soát được cảm xúc của mình", bà Thủy lý giải.
Theo bà, thực tế, về tình cảm, các ông bố, bà mẹ chưa chắc đã thiên vị em nhỏ, nhưng bởi họ luôn nghĩ các em bé cần được chăm sóc, ưu tiên hơn nên vô tình làm anh, chị chúng nghĩ mình bị "ra rìa". "Nhiều người rất công bằng với con cái trong cách nuôi, dạy hằng ngày, vẫn chăm sóc con tốt, cho ăn uống, mua đầy đủ đồ chơi, quần áo, sách vở... và họ coi như vậy là đủ. Thế nhưng, điều trẻ cần nhất là được dành thời gian chơi cùng, được trò chuyện, vỗ về thì lại không có", bà nói.
Nhà giáo dục cho rằng, thật ra, giao tiếp với con cũng cần có nghệ thuật, có sự thấu hiểu, không áp đặt tâm lý của người lớn vào đứa con non nớt của mình. Cha mẹ hãy giúp con có tâm lý chuẩn bị, sẵn sàng đón nhận những sự việc có tính "bước ngoặt". Ví dụ: "Mẹ con mình đi mua quần áo cho em nhé... Con chọn khăn tắm cho em đi". "Theo con, em bé nên ngủ với ai nhỉ...". Khi có thêm em bé, dù bận rộn hơn, bạn cũng đừng quên thường xuyên, hỏi han con, chẳng hạn "hôm nay đến trường có chuyện gì con thích nhất?", "Con cùng các bạn chơi trò gì mà vui thế"...
Ngoài ra, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau. Cha mẹ tuyệt nhiên không nên có những câu nhận xét tưởng như vô hại như "em ngoan thế chứ, còn con hư lắm", "con bé khôn lắm, rất tình cảm, không như thằng anh đâu"... Các bậc phụ huynh cũng rất cần tỉnh táo để thật công bằng trong cách ửng xử với con. Tuyệt đối không bắt đứa lớn "nhường" em trong mọi trường hợp.
"Có rất nhiều các quy tắc làm cha mẹ để dạy dỗ con cái - nhưng quy tắc đầu tiên là phải biết mình đang làm gì? Hãy kiểm soát lời nói và hành động trước khi ứng xử với con" - bà Thủy chia sẻ.