Tuy nhiên, các vị phụ huynh của nhiều gia đình lại hoàn toàn không thể hoặc không chịu cập nhật các thông tin khoa học này. Chính vì vậy, có rất nhiều sản phụ cũng như nhiều bà mẹ trẻ luôn phải đau đầu tìm cách đối phó với những bài thuốc, mẹo vặt, và kinh nghiệm của cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ.
Các kinh nghiệm và bài thuốc dân gian cũng có cái đúng, cái sai, điều quan trọng là cần áp dụng chúng một cách hợp lý.
Gần đây, khi ngày dự sinh đã gần kề, suốt ngày bà dặn dò phải chuẩn bị nào roi dâu với con dao bằng bạc để tránh tà cho cháu khi hai mẹ con ra viện. Không chỉ có thế, bà còn nhét thêm thỏi son vào để bôi trên trán cho cháu, lại còn cho vào túi đồ chuẩn bị sẵn của chị cả gạo lẫn muối để rắc dọc đường về.
Vốn không mê tín và chỉ tin vào các cơ sở khoa học, chị cương quyết không làm theo. Thế nhưng, cũng chính vì vậy mà ngay cả chồng chị cũng cằn nhằn và cho là chị ương bướng, khó dạy. Vừa mệt mỏi vì bầu bí tháng cuối nặng nề, lại thêm không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng, nhiều khi chị chỉ muốn vào viện nằm chờ đẻ luôn cho yên thân.
Còn chị Hương (Từ Liêm, Hà Nội) thì mặc dù có được sự ủng hộ của chồng, nhưng vẫn đang vô cùng bối rối. Chị cho biết: “Mẹ ruột của mình không cho con tắm trong thời gian ở cữ. Từ hôm ra viện đến giờ, mình chỉ mới được tắm trộm 1 lần nhân lúc bà đi chợ. Mặc dù chồng có phân giải với mẹ rồi, nhưng bà vẫn không cho, bà bảo phải kiêng tắm đúng 3 tháng 10 ngày. Mà không chỉ có thể, bà còn mang cả một chậu than tổ ong để ngay dưới giường 2 mẹ con mình nằm”.
Sau nhiều lần phân tích về sự độc hại của việc hơ than mà không nhận được sự thông cảm của mẹ, hai vợ chồng chị đành giả vờ làm ngơ trước sự giận giữ của bà, mang chậu than đi đổ. Tuy nhiên, hai người chỉ có thể “kháng chiến” được đến mức đó, còn việc cho cháu tắm nắng vào các buổi sáng vẫn bị bà cấm tiệt, thậm chí bà còn canh cửa để chặn lại không cho chị bế cháu ra ngoài trời.
Đặc biệt, có trường hợp của chị Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) khá là hy hữu và lạ lùng. Chị là người miền Bắc, còn chồng chị là người miền Trung. Ở vùng quê hẻo lánh của chồng chị, người ta có truyền miệng một “bài thuốc” và cũng là phong tục để giúp người mẹ được khỏe mạnh và sớm về sữa, đó là uống nước tiểu của con mình trong mấy ngày đầu sau sinh.
Mang thai ở tuần thứ 32, chưa kịp vui mừng với kết quả khả quan sau khi đi khám về, chị đã ngã ngửa ra và không biết phải nói gì khi bố chồng lên tiếng: “Ở quê mình, các cụ xưa nay vẫn dạy là phải uống nước tiểu của cháu thì mẹ mới khỏe, con mới có sữa để bú đấy con ạ. Cái này là kinh nghiệm được lưu truyền bao đời nay rồi, không sai được đâu. Con phải nhớ mà áp dụng đấy nhé!”.
Không đến mức khổ sở như các trường hợp nói trên, chị Dung có thể được coi là người may mắn khi chị có thể thỏa hiệp được với các bậc phụ huynh. Chị chia sẻ: “Những phong tục tập quán có vẻ hơi mê tín như treo phân xu của con trước cửa, đốt vía khách để tránh cho con khỏi đau ốm và quấy khóc thì mình cứ để mặc cho mẹ chồng muốn làm gì thì làm, vì chúng không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian thì mình chịu khó tìm hiểu kỹ càng rồi phân tích cho mẹ hiểu để không phải áp dụng vô tội vạ.”
Mặc dù vậy, chị cũng không tránh khỏi những phiền phức nhất định với những kinh nghiệm truyền miệng của các bà, các mẹ. Sau nhiều ngày phải ăn đi ăn lại chỉ 2 món chân giò hầm đu đủ và chân chó hầm thuốc bắc mà sữa vẫn không về đủ cho con bú, chị năn nỉ và “được” mẹ chồng cho đổi sang món… nhung hươu ngâm rượu. Chưa biết bổ béo ở đâu, lợi sữa như thế nào, chỉ biết vừa cắn được một mẩu bé xíu, chị đã thấy toàn thân nóng bừng, huyết áp tụt xuống và lăn ra ngất xỉu. Cả ngày hôm đó, chị chỉ nằm bẹp dí trên giường và không ăn được bất cứ thứ gì, bé Bi nhà chị được một hôm ngằn ngặt khóc đòi bú mẹ vì phải bú bình hoàn toàn.
Những trường hợp kể trên chỉ là một số ít trong số rất nhiều các chị em rơi vào hoàn cảnh này. Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận có rất nhiều kinh nghiệm dân gian được cha ông đúc kết rất có hiệu quả trong việc chăm sóc mẹ và bé. Tuy nhiên, việc áp dụng chúng một cách hợp lý, điều độ, có khoa học lại không được đề cao. Chính vì vậy, chúng vẫn luôn là thứ khiến rất nhiều bà mẹ trẻ phải đau đầu tìm cách đối phó.
- Theo nhiều nghiên cứu khoa học, khí CO2 từ than đốt dễ khiến trẻ sơ sinh bị ngạt, nặng hơn sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não của trẻ. |