Đây là một vài mẹo nhỏ và một số kinh nghiệm xin chia sẻ với các mẹ. Chúc các mẹ và gia đình có một kỳ nghỉ thật vui vẻ và hạnh phúc.

Những kinh nghiệm cho bé đi du lịch  1

Chọn điểm đến có khu vui chơi cho trẻ em

Trước hết, nên đặt phòng khách sạn ở nơi có dịch vụ trông trẻ và phòng sinh hoạt chung của trẻ. Ở nước ngoài, các resort, khách sạn thường tổ chức những hoạt động giải trí, ngoại khóa cho trẻ đủ lứa tuổi như lớp học nhảy cơ bản, múa tập thể, vẽ, chơi cờ, học ngôn ngữ địa phương... Tại Việt Nam, hiện nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đã có dịch vụ trông giữ trẻ đạt chuẩn để bố mẹ có thể thoải mái hưởng những giây phút riêng tư bên nhau.

Chọn du lịch hoặc nghỉ dưỡng ở nơi có khu vui chơi, công viên giải trí để cả nhà cùng chơi. Những điểm đến có khu trưng bày hải dương học quy mô lớn cũng rất hấp dẫn với trẻ. Đặc biệt, đừng quên đặt phòng ở khách sạn có hồ bơi, hố cát... bởi trẻ có thể chơi với nước, với cát hàng giờ không chán, trong khi bố mẹ ngồi đọc sách hoặc nhàn tản canh chừng bên cạnh.

Phương tiện di chuyển

Nếu đi máy bay, khi cất cánh và hạ cánh hãy cho bé uống nước hoặc sữa để bé không bị ù tai. Nhớ để một số áo quần trong túi xách tay để thay nếu bé nôn trớ. Nên mang theo địu hoặc xe đẩy du lịch. Với những bé lớn hơn hai tuổi, làm một cái card nhỏ có ghi số điện thoại liên lạc của ba mẹ đeo vào cổ tay hoặc cho vào túi bé để phòng khi bé đi lạc.

Ăn uống

Đừng quá căng thẳng chuyện ăn uống của bé vì nó sẽ làm cả nhà mệt và mất vui. Nếu bé còn nhỏ, uống sữa thì nên mua loại túi uống sữa dùng một lần. Bé lớn thì cho ăn cháo ăn liền, trái cây đóng hộp, nước trái cây, súp hoặc cháo ở các tiệc buffet. Mang theo cháo ăn liền với ruốc thịt, ruốc cá… đóng hộp, bánh quy, phô mai, sữa tuỳ theo sở thích của bé. Có thể mang theo máy xay cầm tay gọn nhẹ để xay thức ăn bỏ vào cháo trắng cho bé. Cho bé ăn bổ sung thêm chuối, táo nghiền, khoai tây nghiền. Bé trên một tuổi đã có thể uống sữa nước hộp thì cứ cho bé uống bù những bữa kém ăn. Nên cho bé ăn theo nhu cầu và tận dụng tối đa những thứ có sẵn thay vì cố nấu nướng lỉnh kỉnh.

Sức khỏe

Chuẩn bị một túi nhỏ đựng các thứ lặt vặt cần thiết: Kem chống hăm, khăn giấy ướt, dầu chống muỗi, kem chống nắng, kem thoa côn trùng đốt, thuốc hạ sốt, miếng dán hạ sốt, thuốc ho, tiêu chảy, oresol, kháng sinh bé thường dùng… và số điện thoại của bác sĩ quen.

Vui chơi

Nếu đi biển nhớ mang theo phao, đồ bơi, kính mát và đồ chơi xúc cát. Vài món đồ chơi gọn nhẹ như giấy bút vẽ, sách… để bé chơi khi ngồi trên tàu hoặc máy bay.

Ngủ

Khi đi chơi thì không cần bảo đảm giờ giấc nghiêm ngặt như ở nhà nhưng đừng cho bé ngủ quá khuya. Các bé nhỏ khi mệt hãy để bé ngủ ngay trong địu hoặc xe đẩy.

Hành lý nào tiện nhất?

Nên để trẻ chọn vài món đồ chơi hoặc đồ dùng yêu thích, ví dụ con gấu bông để gối đầu, vài cuốn sách... nhưng phải hạn chế số lượng và kích thước, tránh cồng kềnh, nặng nề.

Hành lý cả gia đình cần gọn gàng, nặng vừa phải để dễ di chuyển, mang vác. Chỉ mang đủ chứ không thừa, ưu tiên những đồ dùng cần thiết bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Địu vải hoặc nôi xách tay, bình sữa, một chiếc máy xay để chế biến thức ăn tại chỗ là những thứ không thể quên nếu có trẻ sơ sinh. Xe đẩy nhỏ gập cho trẻ 2-5 tuổi để đỡ phải cõng, bế trẻ...

 Cuối cùng bạn nên chia nhỏ đồ đạc để phân công từng người mang vác hợp lý. Để tập cho trẻ thói quen tự lập, nên để trẻ tự mang hành lý của chính mình.