Hiểu nhầm thường gặp
“Dạy con tại nhà” có thể có một vài cách hiểu. Trong bài viết này, tôi xin phép nói đến “dạy con tại nhà” với nghĩa “giáo dục con tại nhà, không gửi con đến trường”.
Homeschool có lẽ là một khái niệm vô cùng mới mẻ ở Việt Nam. Khi mới thoạt nghe mà chưa tìm hiểu, một số phản ứng thông thường, có lẽ không chỉ gặp ở người Việt mà có khi còn ngay ở người dân các nước phát triển nơi homeschool cũng không còn lạ lẫm, là: "Thế thì trẻ con học được gì?", "Suốt ngày ở nhà thế, giao tiếp với ai?, "Bố mẹ có biết gì đâu mà dạy?" hay "Bố mẹ biết thì biết, nhưng lên lớp cao thì làm sao đủ trình độ?".
Những hiểu nhầm phổ biến nhất về homeschool chủ yếu liên quan đến vấn đề kiến thức được dạy và kĩ năng giao tiếp. Nhưng nếu homeschool chỉ có thể được hiểu mà.... không cần tìm hiểu, có lẽ chúng ta cũng nên băn khoăn tại sao con số các gia đình homeschool cho con ngày càng gia tăng ở các nước phát triển, trong đó tại Mỹ tỉ lệ học sinh được cha mẹ dạy tại nhà hiện xấp xỉ 3%.
Nếu dạy con tại nhà, bố mẹ sẽ phải tìm bạn cho con chơi cùng (Ảnh minh họa).
Những bất lợi của phương pháp homeschool
Phải thừa nhận rằng homeschool có rất nhiều điểm tích cực khiến tôi đã lựa chọn dạy con tại nhà thay vì đưa con tới trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, khi đã chọn phương pháp này, các bố mẹ sẽ phải đối mặt với một số khó khăn sau đây:
1. Cha mẹ phải chủ động tìm bạn cho con
Trẻ được homeschool không cần phải được gặp quá nhiều bạn hay được chơi cùng bạn suốt cả ngày. Cha mẹ có thể chơi -học cùng trẻ và trẻ cũng có thể chơi một mình. Tuy vậy, trẻ vẫn cần được chơi tự do với những trẻ khác.
2. Cha mẹ phải chấp nhận rủi ro cao
Ở các nước phát triển, các bé có thể dễ dàng thay đổi giữa homeschool và trường học, và cũng có nhiều trường đại học chấp nhận các học sinh homeschool. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, homeschool rất có thể là lựa chọn "một đi không trở lại".
Do vậy, các phụ huynh vẫn nên tìm hiểu kĩ và xác định trước một số phương án khả thi trong trường hợp chỉ muốn homeschool con trong một vài năm.
3. Cha mẹ có thể không thực sự phù hợp với homeschool
Không phải cha mẹ nào cũng hợp với homeschool, và không phải cha mẹ nào cũng muốn làm điều đó. Điều này có thể được so sánh với việc không phải ai cũng hợp với các nghề sửa chữa cơ khí, luật sư, giáo viên, bác sĩ, nhiếp ảnh gia, nhân viên marketing… Đôi khi cũng phải bắt tay vào làm thì ta mới biết mình hợp với cái gì!
Vì vậy, để biết bản thân có phù hợp với homeschool hay không, tôi cho rằng các cha mẹ muốn homeschool con nên tranh thủ 1-2 năm trong giai đoạn mẫu giáo của con để thử sức trước khi chạy marathon! Giáo dục con tại nhà hoàn toàn có thể “ngốn” rất nhiều thời gian của cha mẹ, khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng vì có ít thời gian cho bản thân.
4. Cha mẹ sẽ phải hi sinh công việc ở mức độ nhất định
Ai sẽ homeschool cho bé? Bạn hay vợ hoặc chồng của bạn hay cả hai thay phiên nhau? Có khả năng cao một trong hai người sẽ đi làm ít hơn và do đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh khác, khi hai vợ chồng đều đi làm và quyết định gửi con ở trường, đơn giản là bạn đang trả tiền cho người khác chăm lo giáo dục của con bạn, trong khi bạn có thể bớt làm đôi chút và tự chăm lo cho con lấy. Trong trường hợp sau, nếu bạn biết đích xác mình đang làm gì thì giáo dục cho con có thể đạt kết quả cao!
Không nhiều người ủng hộ homeschool (Ảnh minh họa).
5. Khó có sự ủng hộ của gia đình
Quyết định homeschool cho con của vợ chồng bạn có thể khiến cho một số thành viên trong gia đình phản đối ở nhiều mức độ khác nhau. Bạn có đủ quyết tâm, dũng cảm, và tự tin để theo đuổi nó hay không? Bạn có sợ mối quan hệ với một số thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng? Bạn có sợ khi theo một con đường mới mà không có sự ủng hộ của mọi người xung quanh?
6. Cha mẹ phải không ngừng tự học
Để có thể tự dạy con ở nhà, cha mẹ phải không ngừng tự học. Việc tìm hiểu về các cách thức dạy học, cách thức nói chuyện với trẻ sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất đòi hỏi cha mẹ phải nghiên cứu nhiều tài liệu. Cha mẹ cũng cần phải tự quyết định xem con cần học nội dung gì vào thời điểm nào. Việc này không đơn giản là một sớm, một chiều, mà là một quá trình dài.
Tôi không khẳng định rằng theo con đường homeschool do tôi dạy dỗ thì con tôi lớn lên sẽ trở nên thông minh, xuất chúng. Điều quan trọng nhất là tôi luôn cố gắng cho con mình có một tuổi thơ không "xì trét" để các con có thể sống hạnh phúc, biết yêu thương, duy trì niềm đam mê học hỏi và biết sống đúng với con người mình.
Đặng Nam Phương - 28 tuổi, mẹ của hai cô công chúa Bư, 4 tuổi và Siêu Tăm, 1 tuổi. Hiện tại, Nam Phương đang làm mẹ toàn thời gian và theo đuổi phương pháp homeschool cho con. Bé Bư được mẹ dạy tiếng Anh tại nhà từ khi 1 tuổi và đến giờ có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy với mẹ. |