Con gái ơi, hôm rồi mẹ có đọc một bài viết “Mẹ sẽ dạy con dâu thế này cục cưng ạ!” nói về cách dạy con dâu của một bà mẹ chồng tương lai, bỗng dưng nghĩ ở địa vị một bà mẹ vợ, mẹ sẽ làm gì, nói như thế nào nhỉ?

Giờ con 19 tháng tuổi, như vậy những lời nói này mẹ dự kiến khoảng 25 năm nữa sẽ nói với con rể.

Ngày đầu tiên gặp con rể, mẹ chắc hẳn thấy được hình ảnh của bố con hồi xưa khi đến nhà ông bà ngoại thưa chuyện. Lúc này, mẹ sẽ hắng giọng nói: “Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa mà đã tính đến chuyện lập gia đình? Cháu thử nói một vài kế hoạch cháu sẽ giúp đỡ vợ con trong cuộc sống gia đình xem nào!”. Tưởng tượng đến khuôn mặt thằng bé đỏ gay, gãi đầu gãi tai… tự nhiên mẹ thấy sướng thế chứ!

Rồi đến ngày “thằng bé” xin phép chuyển đổi cách xưng hô, từ “cô - chú” sang “bố - mẹ”, mẹ sẽ nghiêm mặt nói: “Thay đổi cách xưng hô thì dễ thôi, nhưng làm sao hành động đúng với cách xưng hô đó thì mới khó, con có hiểu điều đó không?”. Hihi, đây là điều bác con đã nói với bố con đấy. Điều này mẹ ngẫm cũng thấy đúng, vì gọi bố mẹ thì chỉ là cách xưng hô, điều này không quá khó, còn cách đối xử thế nào cho đúng thì mới thật là khó. Tuy nhiên, con thấy đấy, mẹ đã gọi “nó” là “con” rồi, đó có phải là quá dễ tính không nhỉ?

Ngày con kết hôn, trước khi trao cho con rể của hồi môn, mẹ sẽ đặt tay con vào tay con rể rồi nói: “Của hồi môn lớn nhất, của để dành của nhà bố mẹ, mẹ xin trao cho con, con hãy thay bố mẹ chăm sóc em nó nhé!”. Mới nghĩ đến điều này mà mắt mẹ đã cay cay rồi, chẹp chẹp, mẹ vợ mít ướt thế này không biết có bị con rể bắt nạt không?

Ngày có tin con có bầu, mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì được lên chức bà ngoại, các con được lên chức bố mẹ. Lo vì những bỡ ngỡ lần đầu làm bà ngoại. Mẹ cũng chưa hình dung hết những việc mẹ sẽ làm. Đây cũng là điều mẹ lo lắng khi sinh con gái đấy. Thôi vậy, mẹ sẽ nói với con rể thế này: “Như vậy con chuẩn bị làm bố rồi nhé, con hãy cố gắng chăm vợ chăm con nhé! Người phụ nữ lúc mang bầu sẽ thay đổi tính nết nhiều lắm, có khi vô cớ cáu loạn lên, thân nhiệt người mang bầu cũng nóng mà, nên có gì con cố gắng nhường nhịn em nó nhé!”. Ối giời, mẹ tưởng tượng thấy khuôn mặt hồ hởi, non nớt của con rể kìa, lại còn gật đầu lia lịa nói: “Vâng, con biết rồi mẹ ạ!” nữa chứ, đúng là bố trẻ con!

Chờ đợi cháu ngoại chào đời bên ngoài phòng đợi bệnh viện, mẹ mới phần nào cảm nhận được cảm giác của bà ngoại con mỗi lần chờ con dâu, con gái sinh nở: lo âu, hồi hộp, mong chờ… cảm giác nào cũng dần dần xuất hiện trong đầu. Thế nào mẹ cũng buột miệng nói với con rể: “Con xin vào thăm vợ xem con bé có cần gì không? Những lúc thế này chắc con bé sẽ cần nói chuyện, tâm sự với chồng đấy”. Nói thế này thế nào con rể cũng được lúc lên mặt vì vợ sinh đẻ đau đớn là thế nhưng tầm quan trọng của người chồng cũng không kém cạnh dù chỉ mang tính chất tinh thần là chính.

Nhưng mà đúng thật đấy con ạ, tìm được người chồng biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ, luôn bên cạnh mình trong những lúc khó khăn không phải là dễ đâu con ạ. Vì vậy, ngoài việc đồng tình với lựa chọn của con, mẹ sẽ cố gắng “nịnh nọt” con rể một chút nhỉ? Nịnh nọt ở đây chắc phải vừa cương vừa nhu mới có hiệu quả, phần này chắc là mẹ phải “ngâm cứu” tiếp thôi, làm mẹ vợ thật là khó!