Không khí Tết tràn ngập bởi sự hiện diện của bánh tét, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, và cả những xấp bao lì xì xinh xắn, bắt mắt nữa!
 
Không biết từ bao giờ lì xì đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Ngay còn nhỏ, đã bao giờ ba mẹ tự hỏi lì xì là gì? lì xì có từ đâu? Và không biết hiện tại, cục cưng của ba mẹ có những thắc mắc giống như vậy không?

Có lẽ là do quá háo hức với những chiếc phong bao đỏ, đa số các bé đều hài lòng với lời giải thích (kiêm dặn dò) của ba mẹ "Nếu chúc Tết giỏi thì con sẽ được người lớn mừng tuổi". Nhưng nếu vào một buổi tối rảnh rỗi, bé con bỗng thắc mắc và chờ đợi một câu trả lời chi tiết hơn thì mẹ sẽ trả lời thế nào?

Ngày xửa ngày xưa

Có rất nhiều mẩu chuyện xung quanh nguồn gốc của tiền lì xì, do đó sẽ không có gì là khó để ba mẹ chọn cho mình một câu trả lời hợp lý nhất (và dễ thương nhất) và kể cho bé con.

Gợi ý cho mẹ một chút về truyền thuyết của tiền lì xì nhé!
 

Chuyện kể rằng...

Ngày xưa có một loại yêu quái rất độc ác, thường xuất hiện vào đêm Giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên và sẽ bị bệnh sốt cao hoặc ngớ ngẩn. Vì thế mẹ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái hại con mình.

Cả hai vợ chồng kia rất hiền lành, tốt bụng nhưng ngoài 50 tuổi mới sinh được một cậu con trai. Vào một đêm Giao thừa, có tám vị tiên đi qua biết cậu bé con của hai vợ chồng nọ sắp gặp nạn liền hóa thành tám đồng tiền vàng bên cạnh cậu nhé. Trước lúc đi ngủ, hai vợ chồng thấy mấy đồng tiền bên cạnh con mình, bén lấy giấy đỏ gói lại và đặt dưới gối của con. Nửa đêm yêu quái xuất hiện. Nó vừa giơ tay định xoa đầu cậu bé thì từ tám đồng tiền lóe lên những tia sáng vàng rực khiến yêu quái hoảng sợ bỏ chạy.

Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Từ đó nhà nào cũng làm theo.

Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì.

Theo tác giả Hạo - Nhiên Nghiêm Toản, lì xì là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Nếu không chọn hướng giải thích "truyền thuyết", mẹ có thể cho bé biết là tiền lì xì có xuất xứ từ Trung Quốc, vốn là một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi và có một tên gọi khác là tiền mừng tuổi. Tên gọi này được các bác, các cô ở miền Bắc hay dùng để mừng các cháu thêm một tuổi mới với lời chúc "mau ăn, chóng lớn". Còn các cô chú ở miền Nam thì quen gọi là tiền lì xì hơn.

Dù gọi tên khác nhau nhưng vào những dịp Tết, người lớn thường bỏ vào phong bao đỏ những tờ tiền mới màu đỏ hồng như 500đ, 10.000đ (tờ 500đ và 10.000đ bằng giấy ngày trước có màu đỏ)... với ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn và an lành cho con cháu.

Phong tục lì xì

Nhắc đến tục lì xì, thông thường, vào sáng một Một Tết, con cháu trong nhà sẽ tề tựu đông đủ để chúc phúc, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, sau đó được mừng tuổi lại với những phong bao lì xì. Con cháu nhận bao lì xì như nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho mình với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong cả năm. Tương tự như vậy, khi khách đến thăm viếng vào những ngày Tết cũng không quên lì xì cho con cháu của gia chủ kèm theo lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt từ bé con.
 
Khi nét đẹp truyền thống không còn đẹp
 
Ngày nay, ngoài những phong bao lì xì dành cho con cháu, họ hàng và bạn bè thân quen vẫn giữ được ý nghĩa vẹn nguyên (từ người tặng), đa phần những trường hợp còn lại, người lớn sẽ lì xì cho trẻ em số tiền nhiều hay ít phụ thuộc vào quan hệ với ba mẹ của bé - Phải chăng lì xì nhiều tiền sẽ giúp củng cố vị trí của người lớn trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên? Phải chăng người lớn ngại rằng tiền lì xì mà con mình nhận được nhiều hơn tiền mình đã lì xì khiến phải mang nợ đầu năm?
 
Thỉnh thoảng còn có cô chú lì xì cho bé con nhưng lại quên mất lời chúc phúc. Hay có khi lì xì với số tiền quá lớn hoặc quên không đựng trong bao đỏ làm vô tình đập vào mắt các bé giá trị của những tờ tiền. Một hai lần đầu có thể còn "vô tư" nhưng sự việc lặp đi lặp lại rất dễ khiến bé hiểu sai ý nghĩa, hoặc vô tình mang tâm lý so sánh, cảm xúc buồn vui dễ phụ thuộc vào giá trị bên trong phong bao. Cô chú ơi, con đâu có biết được "ẩn ý" đằng sau số tiền ấy đâu - cho nên nếu không phải là ý nghĩa mừng tuổi, thì bao lì xì kia với con đã trở nên vô nghĩa mất rồi! Và không những thế, con còn mất đi cơ hội được học những điều hay trong ngày Tết cổ truyền nữa.
 
Lì xì lấy may đối với bé con trong năm mới quả thật rất ý nghĩa, nhưng rõ ràng là ngày nay phong tục này ít nhiều bị bóp méo khi người lớn quá đặt nặng giá trị vật chất của các phong bao lì xì, hoặc xem đó là một cơ hội để "biếu xén" cha mẹ hơn là mừng tuổi cho bé. Và khi giá trị của đồng tiền bên trong bao đỏ kia được coi trọng thì ý nghĩa của tiền lì xì cũng trở nên mờ nhạt - Có lẽ những lời chúc phúc đôi lúc cũng cảm thấy buồn bã vì ít được nhắc đến, mà thay cho lời cảm ơn và câu chúc là tiêng reo mừng sau khi mở bao và thấy tờ tiền lớn. Dù rằng nụ cười trẻ thơ vốn là một món quà tuyệt vời, dường như vẫn cảm thấy nhớ (và thích) hình ảnh bé con khoanh tay chúc phúc - vụng về, nhưng đáng yêu!

Theo M&B