Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, trong tình trạng người bê bết máu. Bệnh nhi được xác định tổn thương ngoài da ở phần mặt, vai và lưng. Đầu bị rách da và nứt sọ. May mắn, não của bé không bị ảnh hưởng.
Chiều 16/8, ngồi ôm con trên giường bệnh chờ xuất viện, mẹ bé ân hận nói rằng "chỉ vì cả hai vợ chồng đã quên để ý đến con". "Vừa quay đi mua vé, chúng tôi đã nghe tiếng người la ó, còn thằng bé thì bị cuốn vào đoàn tàu của khu trò chơi cách quầy vé hơn chục mét. Suýt tí nữa là vợ chồng tôi sẽ phải ân hận suốt đời vì vô tình làm hại con", người mẹ nói.
Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, trường hợp trên chỉ là một trong rất nhiều lần bệnh viện tiếp nhận trẻ gặp nạn xuất phát từ sự lơ là trông trẻ của người lớn.
Chỉ vài tháng trước, chị Hoa ở Thủ Đức đang tắm cho con thì điện thoại reo. Chị lên phòng khách nghe máy, quay lại phòng tắm đã thấy cậu con trai 2 tuổi cắm đầu vào xô nước. Dù được các bác sĩ cấp cứu tích cực nhưng bé vẫn tử vong do ngạt quá lâu.
Một bé trai 15 tháng tuổi ở quận 7 cũng qua đời khi ngã vào xô nước lau nhà. Người nhà đau đớn cho hay, mẹ đặt xô nước giặt giẻ ở nhà trên rồi xuống bếp lau sàn bếp, vài phút sau quay lại đã thấy con trai bất động với tư thế đầu cắm vào xô.
Vào tháng 6, bé trai 16 tháng tuổi nhà ở Dĩ An, Bình Dương, chấn thương não do rơi từ trên gác xuống nhà. Người mẹ đang bé ăn ở trên gác, quên lấy nước nên để cháu ở lại lầu để xuống tầng trệt rót nước. "Tôi không ngờ tai nạn lại xảy ra nhanh như vậy. Tôi đã cẩn thận đặt con cách xa cầu thang, nghĩ chỉ xuống lấy nước rồi lên ngay...", mẹ bé nghẹn ngào.
Cũng khoảng giữa tháng 6, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, người nuôi bệnh nhiều ngày liền chứng kiến cảnh người đàn ông liên miệng chửi mắng vợ. Anh ta rằng nguyên nhân khiến bé ngã chấn thương não là do mẹ bỏ con chơi một mình để đi giặt khăn mà không trông nom cẩn thận.
Tại khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện này, chị Hoa nhà ở quận 10 cũng suốt ngày vò đầu bứt tóc tự trách mình vì đang trông con mà lại để bé chạy vù ra ngõ lúc xe máy đang trờ đến...
"Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp trẻ bị nạn mà nguyên nhân ít nhiều liên quan đến sự bất cẩn của người lớn", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, người nhiều năm làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các khoa bác sĩ khoa Cấp cứu cho hay, rất nhiều trường hợp thương tâm cho trẻ mà bố mẹ hối hận cũng đã muộn. "Không ít người gần như phát điên. Nhiều trường hợp vợ chồng thậm chí chửi mắng nhau thậm tệ đổ lỗi đã hại con", một điều dưỡng cho biết.
Sơ cứu khi trẻ gặp nạn
Thống kê các trường hợp trẻ gặp nạn do người lớn lơ đễnh, các bác sĩ nhận thấy, tai nạn thường gặp nhất là ngạt nước (nhiều nhất là cắm đầu vào xô chậu chứa nước), bỏng (do ngã vào nồi canh, cháy bếp cồn); ngã cầu thang, ngã lầu và cuối cùng hóc dị vật.
Các bác sĩ cho biết, tai nạn thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi do các bé vừa chưa có ý thức vừa hiếu động. Phụ huynh tuyệt đối không được cho trẻ ở một mình, nhất là khi bé đang ở trên lầu, trên gác. Vật chứa nước phải được đậy kín; đồ vật bé có thể nuốt, đồ vật sắc nhọn có thể gây tổn thương. Khi đưa trẻ qua đường, trên thang cuốn thì cách an toàn nhất là bế bé.
Trường hợp bé bị ngạt nước, nếu tím tái không thở, người lớn nên áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó thổi theo nhịp cứ 4 giây một lần cho đến khi trẻ thở lại đều. Nếu tim trẻ ngừng đập, thực hiện ấn tim ngay sau thổi ngạt. Ấn vùng 1/2 dưới của xương ức đều đặn theo nhịp 5/1 - có nghĩa là ấn tim 5 nhịp xen kẽ với 1 nhịp thổi ngạt, cho đến khi tim đập lại.
Với tai nạn bỏng, nên rửa vết thương bằng nước sạch thay vì thoa kem đánh răng hoặc thoa mỡ, đắp lá cây theo kinh nghiệm dân gian. Trong những trường hợp trẻ nguy kịch, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa.