Lâu nay, các ông bố, bà mẹ ở Việt Nam thường bị choáng ngợp trước sự xuất hiện của quá nhiều loại sữa bột công thức trên thị trường, đắt có, rẻ có, nội có, ngoại có. Điều khiến các bậc phụ huynh băn khoăn nhất có lẽ là tìm được loại sữa nào tốt nhất, thích hợp nhất để con có được sự phát triển toàn diện, khỏe mạnh, thậm chí "thông minh, cao lớn vượt trội" như quảng cáo.
Nhiều gia đình đã không ngại móc hầu bao, chi rất nhiều tiền mua sữa công thức của các hãng nước ngoài (được nhập khẩu hoặc "xách tay"), dù đắt đỏ hơn nhiều so với giá của các loại sữa công thức được sản xuất trong nước và đôi khi chi phí vượt quá khả năng tài chính của họ, với niềm tin rằng "sữa ngoại dù đắt nhưng vẫn tốt hơn sữa nội giá rẻ".
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây hoàn toàn là "tâm lý sính ngoại", vì dù mang nhiều nhãn hiệu khác nhau thì sữa công thức nhìn chung vẫn có thành phần giống hệt nhau. Nhiều bậc cha mẹ có lẽ sẽ thở phào khi biết rằng, tất cả các loại sữa bột công thức được phép lưu hành trên thị trường đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về sữa bột do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) cũng như các cơ quan quản lý và kiểm định chất lượng thực phẩm của mỗi nước đề ra.
Những quy định này đòi hỏi các nhà sản xuất sữa bột phải đảm bảo cung cấp một lượng các chất dinh dưỡng quan trọng nhất bằng nhau, dù tung ra sản phẩm có nhãn hiệu, tên gọi, bao bì và giá cả khác nhau như thế nào. Để hiểu hơn, chúng ta cần biết rõ thành phần và quy trình sản xuất chung nhất của các loại sữa bột công thức.
Các loại sữa bột công thức, dù đắt hay rẻ, nội hay ngoại, chỉ được phép lưu hành trên thị trường nếu đáp ứng các quy định chung và có thành phần giống hệt nhau.
Trong sữa công thức có gì?
Hầu hết sữa công thức cho trẻ sơ sinh đều làm từ sữa bò. Trong quá trình làm sữa tươi bay hơi để thành sữa bột, các nhà sản xuất đã bớt đi một số thành phần không phù hợp với trẻ em, một số thành phần dinh dưỡng mất đi hoặc do chất lượng sữa không tốt, đồng thời bổ sung thêm các thành phần khác.
Chẳng hạn như, sữa bò có hàm lượng chất béo bão hoà rất cao (saturated fat) và rất khó tiêu hóa cho trẻ, trong khi hàm lượng chất béo không bão hoà (monosaturated fat) - thành phần chất béo chính trong sữa mẹ, dễ tiêu hóa lại rất thấp. Vì vậy, bước đầu tiên, các nhà sản xuất sẽ loại bỏ hết chất béo. Sữa tách béo sau đó được đun nóng và sấy khô để tạo thành bột. Tiếp theo, loại chất béo mới, dưới dạng dầu thực vật, được pha trộn vào cùng với các protein, đường (lactose) và một danh sách dài các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất theo quy định để ngang bằng với sữa mẹ.
Sữa bò có hàm lượng protein cao gấp 3 lần sữa mẹ. Các con bê cần lượng protein này để lớn nhanh, nhưng đối với trẻ em thì lượng protein đó là quá tải cho gan và thận. Sữa bò cũng có tỉ lệ đạm casein trên đạm whey – hai loại đạm có trong sữa của động vật có vú – cao hơn trong sữa mẹ. Do đó, các hãng sữa phải giảm lượng protein xuống và tăng thêm hàm lượng đạm whey để đạt sự cân bằng như sữa mẹ.
Các thành phần còn lại trong sữa bột công thức nhằm tạo sự kết dính cho hỗn hợp và ngăn sữa không bị hỏng. Một số sữa công thức được đặc chế cho những trường hợp cụ thể. Ví dụ như, sữa công thức cho trẻ sinh non và trẻ suy dinh dưỡng chứa nhiều calo hơn các loại sữa tiêu chuẩn. Sữa công thức dành cho trẻ hay bị nôn trớ có thêm gạo hoặc được thêm các một số chất làm đặc khác. Ngoài ra còn có các loại sữa công thức từ đậu nành hoặc đạm thủy phân cho trẻ có khả năng bị dị ứng hoặc không hấp thu được đạm sữa.
Tuy nhiên, bất kì loại sữa bột mới nào cũng phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn an toàn và dinh dưỡng, kể cả các bằng chứng lâm sàng cho thấy nó đủ dinh dưỡng để giúp trẻ phát triển bình thường.
Sự ưu việt của sữa mẹ so với sữa bột công thức
Giới khoa học và nghiên cứu đều đi đến thống nhất rằng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. So với sữa mẹ, sữa bột công thức còn thiếu rất nhiều loại men tiêu hoá, hoóc môn, các chất tăng trưởng và kháng thể tự nhiên giúp trẻ chống lại viêm nhiễm và phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Nói như James Friel - giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Manitoba: "Sữa mẹ là một chất phức tạp và cho tới nay vẫn chưa được hiểu hết. Một số thành phần trong sữa mẹ có hoạt tính sinh học. Chúng không chỉ đóng vai trò là chất dinh dưỡng mà còn lớn hơn thế. Ví dụ, nếu bạn cho một chất gây mất cân bằng oxy hoá, chẳng hạn như khói thuốc lá, vào sữa mẹ, thì sữa mẹ sẽ chống lại chất đó. Sữa mẹ làm được điều này tốt hơn sữa công thức, mặc dù sữa công thức có nhiều chất chống oxy hóa hơn". Giáo sư Friel nhận định, trong tương lai xa, người ta có thể bổ sung các chất có hoạt tính sinh học vào sữa bột.
Một thành phần có hoạt tính sinh học khá quan trọng trong sữa mẹ là protein secretory immunoglobulinA (sIgA), có khả năng gom các chất lạ (bao gồm cả vi khuẩn gây hại) và đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Nó bao phủ thành ruột, một trong những cửa ngõ đầu tiên ngăn chặn vi khuẩn. Sữa non, loại sữa đặc sánh mà cơ thể mẹ tiết ra trong một vài ngày đầu sau sinh nở, chứa hàm lượng sIgA rất cao.
Sữa công thức cũng có các "chiến binh tí hon" này, nhưng chúng không nhiều và lại là kháng thể của bò, vốn được lập trình để tìm ra các vi khuẩn gây bệnh ở bò chứ không phải ở người, và hoạt động trong máu chứ không phải trong ruột. Trẻ bú sữa bột dĩ nhiên vẫn phát triển hệ miễn dịch, nhưng chúng bị thiếu một phần sức đề kháng sớm và lâu dài do sIgA mang lại. Mối nguy hiểm lớn nhất khi thiếu sIgA là trong những tuần đầu tiên sau sinh, khi hệ tiêu hoá của trẻ rất dễ bị vi khuẩn tấn công.
Một hoạt tính sinh học nữa chỉ tồn tại trong sữa mẹ là khả năng tự thay đổi. Sữa mẹ thay đổi khi đứa trẻ lớn dần và thay đổi qua từng cữ bú. Sữa đầu, nguồn sữa tiết ra khi bé bắt đầu bú, thì có lượng chất béo thấp. Khi bé tiếp tục bú, lượng chất béo tăng dần, khiến cho em dần dần rơi vào trạng thái thỏa mãn. Lượng chất béo trong sữa mẹ cũng thay đổi khi em bé qua 6 tháng đầu tiên, khi tốc độ tăng trưởng chậm dần. Trong một vài năm gần đây thì một loại sữa công thức dành cho 6 tháng phát triển thứ hai đã được pha trộn để các thành phần phù hợp hơn với những đứa trẻ lớn hơn.
Tóm lại, sữa mẹ và sữa công thức giống nhau ở điểm đều giúp duy trì sự sống và nuôi dưỡng sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, các thành phần dinh dưỡng trong chất được con người chế tạo ra (sữa bột) không có tính năng giống như chất sinh ra trong tự nhiên. Nhà dinh dưỡng Cristine Bradley, quản lý cấp cao của hãng sữa Mead Johnson giải thích: “Xét về thành phần, tôi có thể nói chúng giống nhau như hai quả táo, nhưng về cách hoạt động thì giống như so sánh quả táo với quả cam”.
Một ví dụ cụ thể là: Sắt đã được bổ sung vào sữa công thức ở thập niên 80. Tuy nhiên, chất sắt trong sữa công thức không dễ hấp thu như trong sữa mẹ, do vậy mà người ta phải cho thêm rất nhiều sắt vào sữa công thức để trẻ có thể hấp thụ đủ lượng cần thiết.
* Độc giả có thể đọc kỳ 2 Tại đây