“Niềm đam mê xuất phát từ sự tùy hứng của con người đối với một hoạt động nào đó. Bạn không thể tạo ra đam mê cho người khác. Mỗi người phải tự tìm ra niềm đam mê cho bản thân”, Geneviève Mageau, giáo sư tâm lý của Đại học Montreal, Canada, phát biểu với Livescience.
Livescience cho biết, Mageau và các đồng nghiệp theo dõi 196 học sinh trung học cơ sở học chơi nhạc cụ lần đầu tiên. Sau 5 tháng, họ nhận thấy niềm đam mê âm nhạc chỉ xuất hiện ở học sinh khi cha mẹ để các em tự lập ra thời gian biểu cho việc tập luyện. Những học sinh thích tập luyện nói rằng chúng có quyền tự chủ cao và cha mẹ luôn để chúng tự quyết định.
Quyền tự chủ là một nhu cầu cơ bản của con người, theo đó chúng ta được làm những việc mà bản thân chúng ta thích, chứ không phải theo ý muốn của người khác.
Sau đó nhóm Mageau tìm hiểu hàng trăm vận động viên bơi, nhảy dù và nhạc sĩ ở tầm quốc gia. Nhóm chuyên gia đặt nhiều câu hỏi cho các đối tượng nghiên cứu nhằm tìm hiểu mức độ đam mê của họ - chẳng hạn như họ tập đàn bao nhiều lần mỗi ngày hay họ yêu bóng đá tới mức nào.
Sự áp đặt của cha mẹ chẳng những khiến trẻ không phát hiện được sở thích thực sự, mà còn có thể bào mòn sự tự tin của chúng. Theo các chuyên gia, trẻ có quyền tự chủ thấp thường khó giữ được sự cân bằng trong cảm xúc. Chẳng hạn, nếu các em đánh đàn mà không sai một nốt nhạc nào, chúng sẽ cảm thấy cực kỳ vui sướng. Nhưng trong trường hợp các em đánh sai hoặc bỏ sót một nốt nhạc, chúng rất dễ rơi vào trạng thái chán nản.
Nhiều trẻ có quyền tự chủ thấp nhưng vẫn có đam mê đối với một hoạt động nào đó. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng thành công những trẻ thuộc diện này thấp hơn nhiều so với trẻ có quyền tự chủ cao.
Nhưng Mageau cho rằng cha mẹ không nên bỏ mặc con hoàn toàn.