Đó là điều bình thường vì trẻ đang trong quá trình tìm hiểu và thể hiện mình trước thế giới xung quanh, trong đó có việc khám phá những giới hạn của chính mình. Tuy nhiên, ở lứa tuổi ấy, trẻ chưa nhận ra được đâu là giới hạn trong ứng xử, hành động và cha mẹ chính là người vạch ra giới hạn đó cho trẻ.

Vì sao trẻ bướng bỉnh?

Khi trẻ cứ khăng khăng đòi làm theo ý của mình, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ đang thách thức nên giận dữ quát mắng trẻ. Nếu bình tĩnh, các bậc phụ huynh sẽ thấy sự nóng nảy, cáu gắt chỉ khiến tình hình thêm xấu đi, trẻ sẽ càng cứng đầu hơn.

Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, trẻ có biểu hiện bướng bỉnh, cứng đầu là cách trẻ muốn chứng tỏ mình biết suy nghĩ. Trẻ khăng khăng bảo vệ ý kiến và hành vi của mình là để bảo vệ suy nghĩ, niềm tin mà không nhận ra sự không phù hợp trong thái độ và hành vi của mình. Vì thế, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu động cơ, lý do dẫn đến sự bướng bỉnh của trẻ và có cách đối xử hợp lý.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ cố chấp. Hoặc là do trẻ đang lo lắng, sợ hãi mong muốn cha mẹ quan tâm mình nhiều hơn hoặc có thể chỉ vì trẻ muốn khẳng định mình, muốn chống đối những yêu cầu của cha mẹ mà theo trẻ là không hợp lý v.v...

Cha mẹ phải làm gì?

Cha mẹ cần tận tình giải thích cho con hiểu vì sao bạn yêu cầu trẻ làm một điều nào đó. Đồng thời, trẻ cũng phải biết rằng, không vâng lời trẻ sẽ bị phạt hoặc không được thưởng món quà...

Cha mẹ cũng cần lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của trẻ, đặt mình vào vị trí của con và trong một vài trường hợp, hãy mạnh dạn cho phép trẻ làm theo ý muốn của chúng trong sự kiểm soát của người lớn. Sau đó, hãy phân tích kết quả trẻ đạt được và chỉ cho trẻ thấy nếu vâng lời cha mẹ thì hành động đó sẽ có kết quả tốt hơn.

Nếu bạn muốn trẻ vâng lời, hãy chọn thời điểm thích hợp để truyền đạt đến trẻ những yêu cầu và mong muốn của mình. Đừng bắt trẻ phải dừng lại một việc mà chúng đang yêu thích để làm theo yêu cầu của mình. Đó là điều không tốt, vì nếu trẻ không đồng ý, bạn sẽ nảy sinh xung đột không đáng có với con. Ngược lại, nếu bắt buộc trẻ làm thì chúng chỉ thực hiện một cách miễn cưỡng và không có tác dụng giáo dục.

Lê Phạm Phương Lan
Chuyên viên tư vấn tâm lý
Phụ nữ