Giờ thì phôi thai đã chính thức gọi là bào thai thực sự với những thay đổi bất ngờ. Chiếc đuôi nhỏ bé xíu còn tồn tại ở tuần thứ 8 giờ đã biến mất. Đây cũng là thời điểm quan trọng khi mà các cơ quan nội tạng đang hình thành. Em bé có kích thước bằng một quả dâu tây, cân nặng khoảng 31gram và dài khoảng 25mm.

Lúc này, bé di chuyển liên tục và thay đổi tư thế liên tục dù bạn hoàn toàn không hề cảm nhận được. Cánh tay đã phát triển, các ngón tay giờ đã có thể gập lại và đặt phía trên ngực. Chân đang dài ra và bàn chân đã chạm vào phía trước cơ thể. Mắt đã hoàn chỉnh nhưng vẫn nhắm nghiền, đôi tai đang bắt đầu hình thành ở hai bên đầu. Bộ phận sinh dục của bé cũng đã được hình thành nhưng bác sỹ chưa thể phân biệt được giới tính thông qua siêu âm. Nếu bạn muốn biết chính xác thông tin này thì nó chỉ có thể được xác thực ở tam cá nguyệt thứ 2.

Những thay đổi khác rất quan trọng: trái tim của bé kết thúc phân chia thành bốn buồng, và các van bắt đầu hình thành. Nhau thai được phát triển đủ để tiếp nhận hầu hết các công việc quan trọng của việc sản xuất hoóc môn. Bây giờ sinh lý học cơ bản của bé đã đầy đủ, bé đã sẵn sàng tăng cân nhanh chóng trong những tuần tới.
 

Những thay đổi của cơ thể mẹ

Bạn có thể không còn cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi như hai tháng vừa qua và cảm hứng tình dục của bạn có thể tăng lên. Đó là do sự tăng vọt estrogen và progesterone, lưu lượng máu nhiều hơn đến ngực, âm đạo, môi âm hộ và âm vật khiến cho bạn nhạy cảm hơn.

Mặc dù bạn chưa tăng cân nhiều nhưng một số bộ phận trên cơ thể đang tăng lên không ngừng, chẳng hạn như hai bầu ngực. Thể tích máu bắt đầu tăng lên để đáp ứng nhu cầu của tử cung lớn lên trong bụng bạn. Lượng tăng này không bao gồm lượng máu trong bào thai vì sự lưu thông của nó hoàn toàn độc lập. Càng nhiều máu trong hệ thống lưu thông sẽ bảo vệ cho bạn và em bé tránh khỏi những tác động có hại mỗi khi bạn nằm xuống hoặc đứng lên.

Lượng máu trong huyết mạch đang tăng lên nhưng cho đến thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, lượng máu toàn thân sẽ tăng 45 - 50% để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Hệ mạch tăng cường hoạt động có thể gây ra chứng giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ.

Nên và không nên làm gì trong giai đoạn này?

Một tin tốt là bạn có thể nạp thêm mỗi ngày 300 calo để nuôi dưỡng thai nhi. Tuy nhiên, thật khó để biết là mình đã ăn đủ hay chưa, nhất là trong tình trạng ốm nghén. Đừng lo lắng, tình trạng ốm mệt sẽ nhanh chóng qua mau. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được uống bổ sung vitamin B6.

Sự tăng tiết hormon relaxin cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi chế độ ăn để phòng ngừa chứng táo bón. Đây cũng là lúc bạn nên bổ sung thêm canxi. Nếu sữa làm bạn sợ thì hãy uống nước cam, ăn phô mai ít béo.

Việc sử dụng các loại tinh dầu cho việc tắm rửa cũng như mát xa nên có sự lựa chọn để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi. Nhất là việc xông hơi, ngâm nóng hay tắm muối khoáng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì bạn nên nhớ thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào bạn trong việc duy trì thân nhiệt ổn định. Nếu thân nhiệt của bạn tăng lên và giữ nguyên mức đó trong thời gian dài, nó có thể phá hỏng thai nhi nếu như nó rơi vào thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển.

Những công việc nội trợ và việc nhà hằng ngày có thể không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Ví như nâng các vật nặng, như xách 1 xô nước, các túi thực phẩm hay di chuyển đồ đạc... đều rất nguy hiểm. Cúi người nhặt đồ đạc, giặt quần áo và lau sàn nhà đều có thể ảnh hưởng tới lưng. 
 
Vào thời điểm này bạn có thể bắt đầu thấy mệt mỏi. Điều này có thể do những thay đổi của hormone, do khó ngủ ban đêm, hay do phải đối phó với chứng buồn nôn vào buổi sáng. Không ngủ ngon vào ban đêm có thể do tư thế nằm không thoải mái hay do phải đi vệ sinh thường xuyên. Nếu bạn gặp khó khăn khi nghỉ ngơi, có lẽ bạn nên thay đổi các vị trí nằm ngủ.

Nếu bạn cần phải đi lại bằng đường hàng không, bạn có thể không chắc chắn được là máy dò X-quang an ninh sân bay có thể gây nguy hiểm cho bé trong bụng hay không. Cũng không chắc chắn rằng bức xạ không i-on hóa ở mức thấp (an toàn hơn bức xạ i-on hóa sử dụng trong bệnh viện) có thể gây ra bất cứ nguy hại nào cho em bé. Nếu bạn phải di chuyển quá thường xuyên bằng máy bay, bạn có thể lựa chọn kiểm tra cá nhân tại bộ phận an ninh thay vì bước qua máy quét.

Thăm khám bác sỹ

Thời điểm này bạn có thể lựa chọn thực hiện những biện pháp sàng lọc hay chẩn đoán trước sinh trong giai đoạn đầu mang thai bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm. Nếu kết quả cho thấy khả năng rủi ro đủ cao, bạn có thể phải trải qua các xét nghiệm sâu hơn. Những xét nghiệm xâm lấn có thể gây ra một số rủi ro với em bé đang lớn, vì thế mẹ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành.
 
Nếu bạn hơn 35 tuổi hay có bệnh sử gia đình di truyền, như xơ nang, có thể bạn nên tham vấn bác sĩ di truyền. Trao đổi với bác sĩ về việc thực hiện các xét nghiệm trước khi sinh như thực hiện sinh thiết gai nhau (CVS). Xét nghiệm này có thể được thực hiện từ tuần 9 đến 12 để phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Down) và rối loạn di truyền (xơ nang) với độ chính xác cao (98-99%). Dù có khả năng nhận diện rối loạn cao nhưng xét nghiệm này không đo lường được mức độ nghiêm trọng của những rối loạn này.

Mua sắm

Giai đoạn này ngực của bạn tiếp tục phát triển đầy đủ hơn, cũng có nghĩa đây là thời điểm tốt để bạn sắm một chiếc áo ngực dành cho bà bầu. Đây là thời điểm bạn nói lời tạm biệt với những bộ quần áo ôm sát đi nhé!
 

Tập thể dục

Bạn cần chuẩn bị thêm thực phẩm, đồ ăn vặt như ngũ cốc nguyên hạt hay bánh mỳ… để ăn 1 hoặc 2 giờ trước khi đến phòng tập thể dục. Ngoài ra cần chú ý bổ sung nước trước, trong và sau khi tập thể dục thật kịp thời.

Hãy bỏ vài phút để tập bài tập sàn khung chậu (bài tập Kegel) mỗi ngày để tăng sức mạnh cho cơ sàn khung chậu và giúp mẹ tránh són tiểu. Siết cơ mẹ dùng để ngăn nước tiểu, giữ, và thả. Thêm vào đó, bài tập này còn giúp tăng lực đẩy cho mẹ khi rặn đẻ.

Mối quan hệ với chồng

Bây giờ bạn có thể đã cảm thấy tốt hơn về mặt thể chất, hãy tận dụng lợi thế của ham muốn tình dục trở lại. Đừng lo lắng: Bào thai được bảo vệ trong túi ối của mình, việc giao hợp sẽ không làm tổn thương em bé. Tuy nhiên, cần lưu ý là thao tác nhẹ nhàng và khi bạn có tiền sử sẩy thai thì nên hỏi ý kiến của bác sỹ nhé!

Nếu việc tự đi làm khiến bạn thêm mệt mỏi thì hãy nhờ chồng giúp đỡ. Chồng đưa đón sẽ giúp bạn đến cơ quan sớm hơn và kết thúc công việc đúng giờ. Bên cạnh đó, có thể dành nhiều thời gian rảnh cho buổi tối để đi bộ và nghỉ ngơi.

Nghe có thể khá lạ lùng nhưng bạn có thể không phải là người duy nhất nếm trải kinh nghiệm thai nghén. Hội chứng Couvade (đàn ông mang thai cùng vợ) gây ra các triệu chứng thai nghén điển hình tương tự trên các ông bố, khiến họ cũng tăng cân, buồn nôn và mệt mỏi, thậm chỉ cả đau thắt bụng khi vợ lâm bồn. Hội chứng Couvade đã được nghiên cứu khoa học và chứng thực, vì vậy tốt nhất là mẹ nên cùng chịu đựng với bố trong suốt khoảng thời gian kỳ cục này của hai người.