Có thể chúng ta sẽ bật cười khi nghe được mẩu chuyện vui kể về ông bố trẻ do quá yêu con mà lúc nào cũng tung hứng con lên mỗi khi đi làm về, và trong lúc tung con lên thì bố có điện thoại. Theo phản xạ, bố rút điện thoại nghe mà quên mất việc đỡ con đang rơi xuống làm đứa con rơi bộp xuống đất. Hay có ông bố được vợ nhờ trông con nhưng vì mải mê xem tivi quá mà con bò vào gầm giường chơi và ngủ quên trong đó lúc nào không biết, làm cả nhà tá hỏa đi tìm đâu cũng không thấy.

Cứ tưởng nói quá lên nhưng sự thực thì có không ít ông bố trẻ còn vụng về lắm trong khoản trông con. Và không ít các mẹ phải phàn nàn rằng “nhờ có mỗi việc trông con mà bố cũng không làm nổi”.


Anh Toàn (Định Công, Hà Nội), do trót “ăn cơm trước kẻng” để lại hậu quả mà phải “lên xe hoa” từ năm 22 tuổi khi vừa chân ướt chân ráo tốt nghiệp đại học. Hai vợ chồng trẻ, lại bằng tuổi nhau nên không tránh khỏi những tị nạnh, kể cả việc chăm con. Cả ngày đi làm, anh nhận phần trông con buổi đêm nếu con có thức giấc để vợ được ngủ. Thế nhưng, không ít lần vì quá buồn ngủ mà anh Toàn nhét nhầm ngón tay mình vào miệng con thay vì nhét cái ti giả cho con ngậm. Chỉ đến khi vợ anh tỉnh dậy đập vào tay thì anh mới biết là con đang mút ngón tay mình “ngon lành” từ lúc nào.

Hay như anh Tâm, một kỹ sư máy tính cũng vô tư không kém. Do đặc thù công việc mà thành thói quen, dù ở nhà anh cũng “ôm” rịt lấy cái máy tính, mặc cho vợ kêu ca “anh yêu máy tính hơn vợ con”. Những ngày cuối tuần bao giờ anh cũng xung phong trông con để vợ đi chợ, nấu cơm. Biết tính chồng thường mất tập trung, vợ anh không dám “nhờ vả” gì chồng nhiều trừ mỗi việc cho con uống sữa. “Công việc” cũng không có gì nặng nhọc, chỉ là cầm hộp sữa tươi để giục con uống vì thằng bé cũng có tính mải chơi giống bố. Vậy mà có lần, vừa đi chợ về, nghe tiếng hút sữa “soạt” một cái, mẹ cu Tí vội vàng chạy vào kiểm tra vì không nghĩ con lại uống nhanh và khỏe đến vậy. Hóa ra, người uống là bố cu Tí chứ không phải ai khác, hộp sữa vẫn cầm trên tay. Hỏi tại sao uống sữa của con thì anh ngớ ra rồi cười như biết lỗi, nói “anh quên mất” nhẹ tênh.

Cùng “khéo” như anh Tâm, anh Hải là bố bé Tũn cũng được mẹ Tũn phong cho danh hiệu: “vua chăm con vụng”. Có lần mẹ Tũn có việc phải đi, liền giao cho bố Tũn “nhiệm vụ” cho Tũn ăn hết bát cơm, ăn hết thì lát về mẹ “thưởng” cho hai bố con. Cả hai bố con “tuân lệnh” rất nhanh. Mẹ chưa ra khỏi nhà, bố đã bật tivi lên rồi bảo: “Bố con mình vừa ăn cơm vừa xem tivi nhé?”, Tũn nhanh nhảu “vâng ạ” nên mẹ cũng yên tâm. Thế mà khi về đến nhà, mẹ Tũn không thể không bực mình khi nhìn cảnh bố thì giơ tay đút cơm cho con mà mắt thì “dán” vào tivi xem cảnh đấm đá, con thì mắt cũng nhìn tivi dù miệng thì đang há rất to. Đưa mãi miếng cơm không vào miệng con, bố đút luôn vào miệng bố rồi lại xúc cho con miếng khác… bát cơm vẫn còn hơn nửa mà chắc phần còn lại đa số là bố ăn.


Đó chỉ là một vài ông bố vụng về trong khoản chăm con, nhưng vụng về không có nghĩa là không yêu con. Tất nhiên, vẫn có những ông bố chăm con rất khéo. Việc các ông bố không khéo trong chuyện chăm con cũng có nhiều nguyên nhân. Không loại trừ khả năng từ khi có con, các mẹ là người đảm nhiệm toàn bộ công việc này và không “nhờ vả” gì bố giúp đỡ nên các ông bố không có cơ hội để “rèn luyện” kỹ năng chăm con.

Vì vậy, hãy giúp bố tham gia vào công việc nuôi dạy con là việc mà các mẹ cần lưu ý hơn. Nên hướng dẫn bố làm những việc mà có thể bố chưa quen chứ đừng phê bình, chê bai mỗi khi bố không biết làm gì hoặc làm điều gì có vẻ ngớ ngẩn và buồn cười. Đặc biệt, các mẹ đừng quá ôm đồm mọi việc mà nên san sẻ và chia bớt công việc cho bố để sợi dây tình cảm gia đình thêm gắn bó hơn.