Hãy cho trẻ thấy tình yêu của bạn càng nhiều càng tốt
Thể hiện sự quan tâm là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc giáo dục trẻ ở độ tuổi tập đi. Ôm, hôn và trêu đùa sẽ giúp bé cảm nhận được tình yêu từ bố mẹ. Thường xuyên khen ngợi sẽ động viên con tuân thủ kỷ luật.
Chấp nhận cá tính riêng của con
Khi con lớn, chúng sẽ thích thể hiện tính cách bản thân. Hãy tôn trọng sự phát triển cá nhân của trẻ và đừng hi vọng chúng giống bạn. Bạn không nên gán bất kỳ tính cách nào cho con, thay vào đó, hãy nuôi dưỡng nhân cách và giúp bé cảm thấy tự tin hơn.
Bạn có thể xây dựng sự mạnh mẽ của con khi động viên bé chơi với những đồ chơi mang tính thử thách. Khi con đã mạnh dạn hơn thì bé thường kiên trì hơn.
Giảm thiểu các quy định
Thay vì áp đặt quá nhiều quy tắc ngay từ khi con còn nhỏ, điều sẽ đem lại hệ quả không tốt, hãy ưu tiên những quy định bảo vệ an toàn của bé trước sau đó đưa thêm những yêu cầu về tuân thủ thời gian.
Bố mẹ cần thực sự lắng nghe và thấu hiểu con để giúp con vượt qua được nhưng cơn khủng hoảng của mình. (Ảnh minh họa)
Ngăn chặn cơn giận dữ của trẻ
Thái độ giận dữ của con là rất bình thường nhưng bạn cũng phải chú ý để chúng không vượt quá giới hạn. Bạn có thể giảm tần suất cũng như mức độ sự bực bội của con bằng một vài cách sau đây:
1. Biết được “điểm giới hạn” của con: Bé có thể làm việc chưa được tốt vì không hiểu hoặc không thể thực hiện được việc mà bạn yêu cầu. Do đó, bạn không nên giao các việc quá sức của con.
2. Giải thích cách thực hiện: Thay vì nói “Đừng đánh nhau nữa” bạn hãy đưa ra những gợi ý để giúp mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn chẳng hạn như: “Tại sao hai con không thay phiên nhau cùng chơi?”
3. Kiên nhẫn: Đừng phản ứng thái quá với trẻ khi chúng nói “Không”. Hãy bình tĩnh và nhắc lại yêu cầu của bạn.
4. Chỉ nói “Không” khi thực sự cần thiết.
5. Đưa ra những lựa chọn cho trẻ: Bằng cách này, bạn có thể khuyến khích khả năng độc lập của con bằng cách để bé tự chọn quần áo hoặc chọn truyện để đọc.
6. Tránh những tình huống có thể khiến trẻ bị thất vọng hoặc cáu giận. Ví dụ như không nên cho con chơi các trò chơi quá khó. Bạn cũng nên tránh những chuyến đi quá dài mà con phải ngồi im một chỗ hoặc không có gì để chơi vì trẻ có xu hướng cáu giận khi mệt, nhàm chán, đói, ốm hoặc đến một nơi không quen thuộc.
7. Gây trò: Khi con có dấu hiệu cáu giận, bạn hãy đánh lạc hướng của bé thông qua những trò chơi dạy trẻ cách cư xử. Các bé có xu hướng làm những gì bạn muốn nếu bạn biết cách tạo cảm hứng cho chúng.
8. Lên lịch trình rõ ràng: Hãy tạo những thời gian biểu hàng ngày cho trẻ. Điều này giúp con biết trước những việc phải làm.
9. Động viên những hành vi tốt: Bạn hãy nhắc nhở trẻ về việc dùng ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc. Nếu trẻ vẫn chưa nói được, hãy dạy con những cách khác nếu không bé sẽ rất dễ bị thất vọng khi người lớn không hiểu chúng.
Nếu trẻ vẫn tức giận, hãy cố gắng giữ bình tĩnh để tìm biện pháp giải quyết. Mọi việc vẫn chưa nghiêm trọng khi con tỏ vẻ mè nheo, ăn vạ bằng việc khóc nhưng nếu trẻ đấm đá hoặc la hét thì bạn cần can thiệp ngay. Hãy ôm chặt con để chúng có một khoảng thời gian để “hạ nhiệt”.
Sử dụng những hình phạt
Bất chấp những nỗ lực của bạn, bọn trẻ vẫn phá vỡ những quy tắc thì bạn cần sử dụng đến những hình phạt như sau:
1. Hình phạt xuất phát từ hành vi xấu: Hãy để con bạn thấy những hậu quả từ những hành động của mình. Ví dụ như khi con ném và đập vỡ một món đồ chơi, bé sẽ không có đồ chơi để chơi nữa hoặc nếu con không nhặt lại đồ chơi thì bé sẽ không được chơi trong vòng một ngày.
2. Từ chối đặc quyền: Nếu con bạn không cư xử tốt, bạn có thể phản đối bằng cách lấy một món đồ có giá trị với bé ví dụ như món đồ chơi yêu thích hoặc cái gì đó liên quan đến hành vi không đúng của trẻ. Đừng lấy những thứ cần thiết hàng ngày của bé ví dụ như cấm trẻ ăn.
3. Cho trẻ có khoảng thời gian suy nghĩ: Khi con bạn cáu giận vô cớ, hãy đưa ra những lời cảnh báo. Nếu bé vẫn tiếp diễn, hãy tỏ thái độ nghiêm khắc và yêu cầu con ngồi im một phút để suy nghĩ về hành động của mình. Nếu vẫn thất bại, hãy tăng thời gian suy nghĩ lên nhiều phút và nhấn mạnh con phải ở một mình trong phòng. Hãy giải thích rõ những hành vi nào là xấu và hành vi nào là tốt để bé làm theo.
Dù bạn chọn hình phạt nào thì hãy đảm bảo chúng phù hợp với con. Ngoài ra, bạn cũng phải chắc chắn rằng rất cả những người lớn khác cũng giúp trẻ tuân theo những nguyên tắc đó nếu không trẻ sẽ có ý định “kiểm tra” độ nghiêm túc của bạn. Hơn nữa, bạn cũng phải phân biệt giữa việc phê phán hành vi của con với chê trách bản thân con.
Thay vì nói “Con là một đứa trẻ hư” hãy nói “Việc con vừa làm là không tốt đâu nhé”. Bạn không nên dùng những hình phạt làm tổn thương hay xúc phạm con. Việc đánh đòn hay la mắng con sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Làm một tấm gương tốt
Con trẻ thường bắt chước những hành động của người lớn. Cách tốt nhất để giúp các bé cư xử tốt chính là bạn hãy trở thành một tấm gương để các con học theo.