Ngày bà ngoại còn sống, bà vẫn thường nói với con thật chẳng ai khổ bằng mẹ mày. Nhiều người còn bảo đàn bà tên Lan ít người được hưởng mấy hồi sung sướng.

Mẹ sinh ra trong một gia đình khá giả vùng đồng bằng Bắc bộ, các cụ kị đời trước vốn là các bậc vai vế chức sắc trong làng, ông ngoại lại là bộ đội, bà ngoại tần tảo buôn bán hàng xén, nên từ tấm bé tới giờ, mẹ chưa phải chịu đói bữa nào. Tiếng là nhà có của ăn của để, nhưng là con gái lớn, các anh trai sớm theo bố thoát ly lên Hà Nội rồi sang Nga sang Tiệp học, mẹ ngay từ thời niên thiếu đã hay lam hay làm, thay bà ngoại lo tươm tất việc đồng áng, lại cáng thêm cả hai dì. Về sau này, vào những năm 86, dì út mất trên đường từ Hà Nội về quê khi cố băng qua đường ray tàu lửa, mẹ là người đau đớn hơn thảy anh chị em khác. Mẹ vừa là chị vừa là mẹ, ngày nào cũng cõng em vẹo sườn, lo cho em từng miếng cháo, miếng nước, đi học cũng mang em vào lớp ngồi cùng. Dì mất, để lại trong lòng mẹ khoảng trống hốc hác.

Bao nhiêu người theo đuổi cô con gái nhà giàu môi đỏ gót son, mẹ chẳng ưng ai ngoài người bạn trai cùng lớp, nhà nghèo không có lấy một bữa cơm no. Ông bà ngoại phản đối, ông là thủ trưởng, quyết đưa cô con gái rượu thoát ly khỏi cảnh nông thôn và cũng là để ngăn tình đôi trẻ. Mẹ theo ông vào Nam, ra Bắc, rồi run rủi gặp bố- người lái xe cùng đơn vị kém mẹ hai tuổi. Chẳng ai phản đối được, bố mẹ lấy nhau như thế, chẳng có xoa rê, hoa cưới, mẹ lặng lẽ về làm dâu nhà bố. Bể khổ đời mẹ bắt đầu từ đây, nhưng mãi cả về sau này, mẹ luôn nói với con, lấy bố, mẹ mới sinh được cô con gái này, cô con gái lắm tài nhiều tật của mẹ, học giỏi đứng đầu lớp nhưng lại hay ốm vặt. Con mắt cay xè, dụi đầu vào lòng mẹ thổn thức: Cô con gái của mẹ chưa làm được gì để mẹ vui mà đã bao lần làm mẹ đau lòng.

Không chỉ với con, mà với rất nhiều họ hàng, bạn bè và hàng xóm, mẹ là một người phụ nữ can trường. Sóng gió cuộc đời chưa bao giờ khuất phục được mẹ, những trận đòn như cơm bữa của bố chưa bao giờ khuất phục được mẹ, nỗi đau mất mát người thân cũng không làm mẹ gục ngã. Mẹ của con là như thế, cứ hiên ngang, cứ rắn rỏi như vậy thôi.

Mẹ vẫn một mình 1

Từ lúc con ra đời, rồi lớn thêm một chút, hiểu thêm chuyện, ngày con thấy mẹ cười khi ở bên bố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó là bạt tai, là đấm đạp, là bệnh viện, là nước mắt, là bồ bịch, là nợ nần, chẳng có lấy mấy ngày ấm êm trọn vẹn. Bố mẹ ở bên nhau chưa tròn 5 năm thì bố đi xuất khẩu lao động. Mẹ ở nhà chăm sóc con, lo cho bên nội, bên ngoại chu toàn đợi ngày bố về đoàn tụ. Những tưởng khi ngày ấy đến, mọi chuyện sẽ khác, cuộc sống sẽ đủ đầy, ấm êm hơn, ấy thế mà chẳng phải. Đón bố từ sân bay, vẫn là khuôn mặt bố, mà sao bố xa lạ quá chừng. Chẳng lâu sau đó, bố kiếm cớ gây sự với mẹ luôn rồi bố thấy bức ảnh mẹ chụp với đồng nghiệp trong đơn vị,  bên cạnh là một người đàn ông và vợ chú ấy kế bên, bố vu cho mẹ lăng loàn, bỏ con theo trai, đánh mẹ thừa sống thiếu chết rồi bỏ mẹ. Mẹ tủi nhục không nói lên lời. Ôm con ra đi với bàn tay trắng. Tiền bố mang bên Tây về, bố đem đi hết, cả cái tivi màu mới sắm. Căn nhà cấp bốn ông bà ngoại cho trống trơn, sót lại cái giường, cái tủ lạnh Liên Xô cũ mèm cứ một chặp lại rung lên bần bật, cái bếp điện, ba thứ nồi niêu nhôm móp méo sau những trận lôi đình của bố, sau rồi cũng bị trộm vào khoắng sạch.

Để lo cho con bằng bạn bằng bè, mẹ làm ngày làm đêm gấp đôi gấp ba đồng nghiệp, chẳng dám ăn chẳng dám mặc chắt chiu từng món tiền nhỏ. Nếu không vì thương con những ngày còn bú mớm, mẹ đã không phải trốn cơ quan về sớm rồi bị người ta chiếm mất vị trí của mình. Cay đắng là thế, bị chèn ép là thế mẹ giấu cả vào trong tim, cần cù nhẫn nại làm tốt công việc của mình. Họa vô đơn chí, ngay giữa lúc gia cảnh bần hàn nhất thì con bị viêm ruột thừa cấp tính. Con ở nhà một mình, đau bụng cả ngày trời nhưng thương mẹ, con cắn môi chịu đau, nghĩ bụng chỉ lên giường đắp chăn ngủ một giấc là khỏi. Ấy thế mà đến tối mẹ về, con nôn lại sốt cao, mẹ vội vã cõng con vào bệnh viện. Bác sĩ nói  muộn chút nữa là không cứu được, ngày ấy phương tiện y tế còn sơ sài, bác sĩ sợ ca khó, không phải chuyên môn của bệnh viện nên đề nghị chuyển con vào viện Nhi, mẹ lại một mình đưa con đi. Mình mẹ những đêm dài thức canh con truyền hết chai nước này đến chai đạm khác. Mẹ thay giặt lau rửa những khi con nôn ọe, đái dầm. Mẹ dìu con tập đi những đêm vắng dọc hành lang bệnh viện. Mẹ vay mượn để mua sữa tẩm bổ cho con, lại lo đi chợ, xay rau xay thịt nấu cháo – những âu cháo mà đến cả trăm năm sau này, hương vị ngọt bùi vẫn còn tê tê đầu lưỡi con. Lần này, mẹ không trốn về sớm, mẹ xin nghỉ phép, chẳng ai có cớ tranh giành việc với mẹ, ai cũng thương, cũng phục mẹ của con. Về sau này, khi kinh tế nhà mình khá hơn một chút, mẹ  lại bị người ta lừa, mất tiền, mất đất lại ôm cả món nợ thay cho thiên hạ, mẹ cãi nhau với người ta rồi bị đánh đến gãy tay. Nửa đêm con đưa mẹ từ bệnh viện về với cánh tay bó bột trắng toát, hai mẹ con ôm nhau khóc ở đồn công an. Con thương mẹ, hận người gian xảo lại càng thêm xót xa cho cảnh mẹ góa con côi, xa họ hàng, người thân, những lúc khó khăn hoạn nạn không biết bấu víu vào đâu. Biết bao đêm con khóc vì thương mẹ quá đỗi.

Ấy thế mà cũng qua mẹ nhỉ. Từ ngày bố xách cái tivi ấy ra khỏi nhà cũng đã hai mươi năm có lẻ rồi, và mẹ thì vẫn ở vậy nuôi con. Mẹ nghiêm khắc, đôi khi là cực đoan khiến con bao lần nước mắt ngắn dài. Mẹ dạy con nấu nướng, chu toàn việc nhà cửa, chợ búa. Mẹ dắt con về quê, xua các bà các, cô ra để con phải xắn tay lên rửa hàng chục mâm bát ngày có đám xá. Mẹ nói, không có việc gì mình không làm được, miễn là mình muốn và quyết tâm, con gái thành phố hay nông thôn, việc nhà là phải xắn tay vào làm, có chui trong bếp rơm khói mù mịt cũng không được ngại. Mẹ dạy con phải ngay ngắn từ đôi dép đi trong nhà tắm, đến túyp thuốc đánh răng. Ngày ấy con đã thấy ngột ngạt vô cùng, nhưng đến giờ, khi đã là một người phụ nữ có gia đình, và sắp làm mẹ, con thầm cảm ơn sự rèn rũa từng li từng tí của mẹ với con. Con nhớ mình đã lén quệt ngang giọt nước mắt khi lần đầu tiên đến nhà bạn trai – và chồng con bây giờ ăn cơm, mẹ anh ấy đã ôm con và nói chắc hẳn mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời khi đã sinh ra và giáo dưỡng cô gái con khéo léo như ngày hôm nay.

Giờ đây, khi mẹ con ta cách nhau cả nửa vòng trái đất, nhiều khi nghĩ về mẹ và ký ức tuổi thơ đong đầy nước mắt, con thấy tim mình quặn đau nhưng ngập tràn hạnh phúc. Buồn đau vì mẹ con ta xa nhau, con không được ở bên mẹ hàng ngày, lo cho mẹ những lúc trái gió trở trời, nhưng hạnh phúc vì con biết mẹ luôn có gia  đình mình, những người bạn, người hàng xóm, những người thực lòng yêu thương, trân trọng con người thực của mẹ ở bên cạnh gần gũi, giúp đỡ mẹ thay con. Con hạnh phúc vì đã được sinh ra là con của mẹ, người phụ nữ tảo tần, gan góc, có sai lầm, có thất bại nhưng không bao giờ chịu luồn cúi, bỏ cuộc. Mẹ đã yêu thương, nâng đỡ con bằng tất cả tình yêu vô bờ, và giờ lại nhẫn nại chờ đợi ngày mẹ con ta đoàn tụ. Con sẽ về mẹ ạ, rồi bọn con sẽ đưa mẹ sang sống cùng chúng con, có mẹ có con, có bà có cháu. Con xin bù đắp những đắng cay mẹ đã từng nếm trải và sẽ gắng lấp đầy khoảng trống trong lòng mẹ bằng tình yêu thương, hạnh phúc con đang có – hạnh phúc mẹ chắt chiu để dành cho con hôm nay. Mẹ, lúc nào, mẹ cũng là người phụ nữ vĩ đại, chuẩn mười nhất của lòng con.