Mới đây, dư luận xôn xao trước việc người thân của bà T. (trú tại tỉnh Kon Tum) bị chủ nợ lấy hình ảnh để làm cáo phó “khai tử” nhằm gây áp lực để bà này trả nợ. Cáo phó có nội dung cho rằng do vợ chồng bà T. ham chơi, lười làm nên con trai bà này tình nguyện uống thuốc độc tự tử để cho bố mẹ lấy tiền phúng điếu mang đi ăn chơi, trả nợ…
Cùng với cáo phó này, chủ nợ cũng đăng tải nhiều thông tin lên mạng xã hội cho rằng, bà T. vay tiền của hàng loạt app tín dụng để ăn chơi. Chủ nợ đã nhiều lần liên lạc với bà T. để yêu cầu bà này trả nợ nhưng bà này thường đưa ra nhiều lý do để thoái thác trách nhiệm, không chịu trả nợ sau đó là tắt máy không liên lạc được nữa. Ngoài ra, chủ nợ đã liên hệ với người thân của bà T. nhưng những người này cũng từ chối trách nhiệm liên quan tới khoản nợ của bà T.
Trong khi đó, bà T. cho biết, khoảng tháng 1/2021, bà đánh rơi mất 1 triệu đồng, sợ chồng mắng nên bà T. tìm cách vay mượn để bù vào rồi âm thầm kiếm tiền để trả nợ. Sợ vay người thân cũng sẽ bị chồng phát hiện và truy vấn nên bà lên mạng xã hội để tìm cách vay tiền nhanh gọn hơn.
Sau khi tìm hiểu, bà thấy trên mạng xã hội có quảng cáo một ứng dụng (app) vay tiền online. Ứng dụng này cho vay không lãi suất, thủ tục đơn giản lại giải ngân nhanh nên bà đã quyết định vay 1,5 triệu đồng qua app này. Sau khi làm các thủ tục, bà được chuyển 900 ngàn đồng vào tài khoản ngân hàng, số tiền 600 ngàn đồng còn lại bị trừ vào “phí dịch vụ”.
Bà T. được vay số tiền này trong vòng một tuần. Đúng một tuần sau, bà T. liên tục nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu trả nợ. Do không có tiền nên bà T. đã vay thêm từ nhiều app khác để trả nợ cho app trước đó.
Theo bà T., bà thấy những app mà bà đã vay đều có các thủ tục cho vay và giải ngân giống nhau, vay 1,5 triệu đồng thì chỉ nhận được 900 ngàn đồng được chuyển vào tài khoản, số còn lại bị trừ vào “phí dịch vụ”. Chỉ trong vòng 2 tháng, bà T. đã vay tổng cộng 16 app tín dụng với tổng số tiền lên tới 60 triệu đồng. Một số tiền quá lớn so với khả năng trả nợ của bà.
Bà T. nhiều lần năn nỉ xin được hoãn nợ nhưng không được nên đành tắt điện thoại không nghe khi có số lạ gọi tới. Không gọi được cho bà T., các chủ nợ đã chuyển sang gọi cho người thân, quen của bà để gây sức ép buộc bà T. trả nợ hoặc trả nợ thay cho bà T.
Theo bà T., suốt một thời gian dài gia đình bà luôn sống trong lo sợ vì bị nhiều số điện thoại lạ gọi “khủng bố” đòi tiền. Thêm vào đó, các chủ nợ này còn tiến hành phá rối, bịa đặt các thông tin không có thật về gia đình bà trên mạng xã hội facebook. Chủ nợ đã dùng hình ảnh con trai bà T. để làm cáo phó gửi lại cho gia đình bà để gây sức ép.
“Hiện gia đình tôi đang cố gắng vay mượn người thân để trả nợ cho các app tín dụng. Phải hết nợ mới yên thân được. Sau lần này, tôi không bao giờ dám vay nợ qua các app này nữa, thực sự là một bài học cay đắng”, bà T. nói.