Vấn đề tập cho con một nếp ăn uống tốt, tự chủ, luôn hứng thú với đồ ăn luôn là điều mà các mẹ có con nhỏ đặc biệt quan tâm. Đó cũng là điều mà chị Ngân Boo (hiện sống ở Tp.HCM) luôn tâm niệm từ đầu ngay khi cùng con bước vào hành trình ăn dặm. Và nhờ kiên trì, bền bỉ áp dụng phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) từ đầu cùng con, đến nay có thể nói là hai mẹ con chị đã thành công. Bé Bobbi vừa tròn 16 tháng đã có thói quen ăn uống như người lớn. Điều đặc biệt là bé biết tự xúc thìa từ khi 12 tháng, luôn hoàn thành bữa ăn với sự hào hứng, vui vẻ, biết trân trọng thức ăn và không hề mè nheo.
Chính vì thế mà khi chị Ngân đăng tải clip con trai ngồi ngay ngắn trong bàn ăn, xúc thìa gọn gàng, hoàn thành hết khẩu phần của mình đã khiến không ít mẹ bất ngờ, thán phục. Nhiều mẹ đã đề nghị chị Ngân chia sẻ bí quyết cho con ăn dặm, tập cho con ngồi nghiêm túc và cách dạy con xúc thìa.
Nhiều mẹ rất bất ngờ với hình ảnh bé Bobbi tự xúc thìa gọn gàng.
Rất nhiều mẹ ngưỡng mộ khi Bobbi ngồi ngay ngắn tự xử lý bữa ăn của mình khi còn khá nhỏ.
Cho con ăn dặm BLW là chấp nhận những bãi chiến trường bày bừa
Chị Ngân cho biết, kết quả của ngày hôm nay không phải là từ ngày một, ngày hai mà có được. Ngay từ đầu, chị đã nghiên cứu rất nhiều, dành thời gian, tâm huyết ở bên con để tạo thói quen tốt khi ăn uống: “Khi Bobbi được 4 tháng, mình đã bắt đầu tìm hiểu rất kỹ về tất cả các phương pháp ăn dặm hiện có. Mình mua sách về đọc, tham khảo qua nguồn internet, tham vấn bác sỹ, tham gia các group về ăn dặm… để thu thập, chọn lọc kiến thức về ăn dặm để áp dụng cho con.”
Bé Bobbi được mẹ cho ăn dặm từ lúc con tròn 6 tháng tuổi. Tháng đầu tiên, mẹ bé kết hợp cả hai phương pháp là ăn dặm kiểu Nhật và BLW cho con. Nhưng nhận thấy con rất thích thú khi được ăn BLW nên sau một tháng, mẹ đã chuyển sang áp dụng BLW hoàn toàn cho con.
Bé Bobbi thích thú khi được ăn dặm BLW.
Quá trình cho con trai ăn dặm BLW của chị Ngân cũng gặp phải không ít khó khăn. Đó là chị không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ ông bà nội, ngoại. Duy chỉ có chồng chị là hoàn toàn ủng hộ vợ về cách chăm sóc và nuôi dạy con. “Anh luôn giúp đỡ vợ phụ dọn dẹp sau khi con ăn xong, vì ăn BLW luôn để lại một bãi chiến trường rất bày bừa”, chị Thu Ngân cho biết. Ngoài ra, thời gian đầu khi con bắt đầu ăn BLW, có biểu hiện ọe nhưng chị đã đọc qua và hiểu rõ vấn đề hóc, ọe của bé ăn dặm BLW nên không hề lo lắng mà rất tự tin để con tự học cách xử lý thức ăn.
Rồi cũng giống như các bạn nhỏ khác, Bobbi cũng có những giai đoạn biếng ăn sinh lý, mọc răng hay rơi vào những tuần khủng hoảng, bé chẳng chịu ăn gì… Đôi khi, chị Ngân cảm thấy rất mệt, buồn và nản vì mình mất công chuẩn bị món ăn cho con mà con không hề đụng tay đến. Thế nhưng, chị lại sốc lại được tinh thần để cố gắng, cùng con vượt qua vì có niềm tin răng cả hai mẹ con sẽ làm được, sẽ thành công nếu kiên trì đủ.
Chị Ngân luôn nhận được sự ủng hộ từ chồng trong vấn đề chăm sóc, nuôi dạy con.
Bobbi từ nhỏ cũng đã rất hay được bố mẹ đưa đi chơi, đưa đi du lịch để trải nghiệm, khám phá nhiều điều.
Chị Ngân cũng chia sẻ rằng: “Mình không bao giờ ép con ăn. Đến bữa, mình dọn thức ăn lên, cho con cơ hội 3 lần. Nếu quá 30 phút, con vẫn không ăn thì mình sẽ dọn đi với tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Đến bữa sau, mình lại tiếp tục dọn ra cho con.” Nhờ vậy mà Bobbi luôn hiểu được việc cần phải ăn đúng bữa, nếu không ăn thì sẽ bị đói.
Kiên trì và theo đến cùng, con sẽ sớm tự lập trong ăn uống
Chia sẻ về kinh nghiệm dạy con xúc thìa, chị Ngân cho biết: “Bobbi được 10 tháng thì mình bắt đầu giới thiệu cho con. Khi Bobbi được 12 tháng là có thể tự xúc thìa một mình. Ban đầu mình cho con làm quen, chơi với thìa để bé cảm thấy quen thuộc. Sau đó, mình hướng dẫn con cách xúc thức ăn cho vào miệng. Mình cũng cho bé tham gia vào bữa ăn của gia đình để con quan sát và bắt chước theo hành động của mọi người... Mình cũng chọn cho con loại thìa riêng, có cán to, không quá dài nhưng bàn tay của bé cầm vừa đủ. Phần tiếp xúc thức ăn của thìa cũng phải vừa đủ rộng để hỗ trợ bé có thể xúc dễ dàng hơn.”
Bé Bobbi được mẹ hướng dẫn xúc thìa từ khi mới 10 tháng tuổi.
Và đến 12 tháng tuổi, bé đã có thể tự xúc thìa được một mình.
Trong thời gian tập thìa có những lúc bé Bobbi trở nên bực bội, quăng thìa, hất cả chén xuống đất nhưng chị Ngân vẫn cố gắng giúp đỡ, động viên con, không thúc giục hay quát mắng con. Bởi theo chị, tập thìa thật sự rất khó vì thế cần phải có một thời gian nhất định thì bé mới có thể làm được.
Về nguyên tắc chế biến thức ăn theo phương pháp BLW, chị Ngân cũng luôn ghi nhớ: “Dưới 1 tuổi, khi nấu đồ ăn cho con, mình tuân theo nguyên tắc không nêm bất kỳ loại gia vị nào cả. Sau 1 tuổi, con có thể ăn chung thức ăn như ba mẹ nhưng mình vẫn cố gắng hạn chế nêm gia vị cho con. Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Mình luôn chọn lọc nguồn thực phẩm tươi, sạch, an toàn cho con và cho cả gia đình. Ngoài ra cũng phải nấu chín kỹ thức ăn cho bé. Trong một bữa ăn, mình cũng luôn cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cho con: Ngũ cốc, đạm, rau, trái cây.”
Chị Ngân cũng đưa ra lời khuyên, động viên các mẹ nếu muốn cho con ăn dặm: “Các mẹ có thể chọn bất cứ phương pháp ăn dặm nào nếu cảm thấy mình và con phù hợp chứ không nhất thiết là phải theo BLW. Tuy vậy, dù là phương pháp nào đi nữa, mẹ cũng luôn phải trang bị đầy đủ kiến thức về ăn dặm trước khi bắt đầu áp dụng cho con. Còn khi đã quyết định theo BLW, mẹ cần phải kiên trì và theo đến cùng. Rồi sẽ đến một ngày, 2 mẹ con sẽ hái quả ngọt”.
"Còn khi đã quyết định theo BLW, mẹ cần phải kiên trì và theo đến cùng. Rồi sẽ đến một ngày, 2 mẹ con sẽ hái quả ngọt”.
Cậu bé Bobbi nay đã tròn 16 tháng tuổi. Ngoài thói quen ăn uống tốt, bé còn ti mẹ hoàn toàn.
Theo chị Ngân, các mẹ tuyệt đối phải nhớ và tuân thủ các nguyên tắc khi muốn áp dụng BLW cho con:
- Thiết lập giờ ăn cố định trong ngày.
- Thời gian 1 bữa ăn không quá 30 phút.
- Không tivi, ipad, điện thoại, đồ chơi khi ăn.
- Hạn chế cho con ăn vặt trước các bữa ăn. Hãy để con đc ĐÓI.
- Lượng sữa không quá 500-600ml/ngày đối với các bé trên 1 tuổi.
- Tập con con ngồi trên ghế ăn ngay từ khi bắt đầu ăn dặm.
- Cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm không nhất thiết chỉ là cơm (có thể thay thế bằng bún, miến, bánh canh, phở, nui,...) giúp bé không ngán và luôn thích thú mỗi khi đến giờ ăn vì không biết hôm nay sẽ được ăn món nào.
- Khi con không muốn ăn nữa hãy dừng bữa ăn và cho con ăn vào bữa sau.