Người nghĩ tôi bị lừa tình, người đoán tôi làm bồ nhí, nhưng tôi thông cảm với mọi lời xì xào
Khi H.T thổ lộ ý định sẽ tự sinh con mà không cần lấy chồng, bạn bè mắng “dở hơi à”, còn mẹ ruột chị khuyên can: “Hay cứ lấy chồng đi, sinh con rồi thấy không hợp nhau thì bỏ nhau cũng được”.
Sinh con mà không lấy chồng là một quyết định ích kỷ, nhưng đó là lựa chọn tốt hơn cả với tôi
5 năm trước, ở tuổi 33, H.T quyết định sẽ làm mẹ. Đó không phải một quyết định chớp nhoáng. 3 năm liền làm công tác tư tưởng cho gia đình, bạn bè, chị vẫn khiến họ sốc. Không ai ủng hộ sự lựa chọn của chị, cũng không ai tin chị dám làm. Vậy mà chị đã làm thật.
Xinh đẹp, cá tính, thích xê dịch, H.T từng có một tuổi trẻ sôi nổi, ngoại trừ chuyện yêu đương. Một vài mối tình nhẹ nhàng, một vài mối quan hệ không ràng buộc, một vài anh theo đuổi tìm hiểu rồi rút lui vì cô nàng cá tính quá.
Có thời điểm, chị cũng nghĩ tới chuyện kết hôn với bạn trai như mọi cô gái khác, nhưng lại sợ ràng buộc, sợ mình không làm tốt vai trò người vợ, và sợ nếu mình không làm tốt thì mọi thứ sẽ không tốt đẹp. Chị nói với người yêu: “Nếu đến ngày cả hai đều sợ ràng buộc với nhau thì giải tán”. Cuối cùng là giải tán thật.
27 tuổi, thấy con gái vẫn dửng dưng với yêu đương, mẹ chị hỏi: “Có lấy chồng không?”, chị bảo: “Mẹ 27 tuổi mới lấy chồng thì chắc con 28 tuổi”. 28 tuổi, mẹ chị hỏi: “Có lấy chồng không?”, chị bảo: “Con tính 30”. 30 tuổi, mẹ chị hỏi: “Có lấy chồng không?”, lúc này thì chị ngại rồi.
“Tôi bắt đầu không muốn mở rộng mối quan hệ. Ai giới thiệu cho tôi người này người kia, tôi cũng nể mà đi gặp gỡ, nhưng về tới nhà họ nhắn tin thì chẳng muốn trả lời. Tôi bảo mẹ: Phụ nữ sinh đẻ nó có tuổi, việc gì cần ưu tiên làm trước thì phải làm trước chứ đâu cần theo quy luật “lấy chồng rồi mới sinh con” mẹ nhỉ, giờ con sinh con trước đi không muộn, 70 tuổi lấy chồng cũng được, đâu có vội”.
Mẹ chị xem đó là câu nói đùa. Còn chị xem đó là bước đệm để xác định tâm lý cho gia đình mình.
Mẹ thì xui lấy chồng, bạn bè thì bảo sinh con làm gì cho mất tự do
32 tuổi, chị bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho việc sinh con. Từ tích lũy tài chính, tìm hiểu các phương pháp y khoa, cơ sở thụ tinh nhân tạo có uy tín, xét nghiệm sức khỏe tổng thể… Một số bạn bè thân thiết biết chuyện ra sức can ngăn. Họ bảo chị: “Dở hơi à, con cái làm gì cho bận rộn, mất tự do. Mày không phải con người của gia đình”.
Mẹ chị thì ra vào tỉ tê: “Hay cứ lấy chồng đi, ai cũng được. Sinh con rồi thấy không hợp nhau bỏ nhau cũng được”. H.T bảo, không phải chị không nghĩ về lời khuyên của mẹ, nhưng tính đi tính lại, cưới một ai đó chỉ để sinh con dẫn đến nhiều hệ lụy sau này.
“May mắn lấy được người hiểu biết thì còn đỡ, chứ không rất phiền. Biết đâu mình không có quyền nuôi con. Hoặc được nuôi thì cái gì mình cũng phải hỏi ý kiến người ta. Lúc ức chế, cay cú nhau, hai bên sẽ lôi đứa trẻ ra làm công cụ. Giả sử mình cho con học trường này nhưng người ta bảo không được, phải là trường kia cơ. Rồi đi đâu, làm gì với con cũng phải chia ngày chia tháng. Rồi con mình càng lớn sẽ càng cực khó để nuôi dạy. Đứa trẻ nó buộc phải khôn trước tuổi, không còn hồn nhiên nữa, biết tính toán, đi với bố thì nịnh bố, đi với mẹ thì nịnh mẹ, rất thương.”
Thỉnh thoảng lại có ông bạn bảo với chị: “Có xin không anh cho”. Chị cười: “Của anh cũng được đấy. Nhưng anh xin phép vợ anh chưa?”
“Chả lẽ lại bảo với vợ bạn rằng mày cho chồng mày cho tao đứa con nhé. Các cụ có câu: Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy. Anh ta nhìn đứa trẻ sẽ không thể không nghĩ đó là con mình. Mình nuôi con không tốt thì anh ta sẽ xót. Mà mình nuôi con tốt thì biết đâu vợ anh ta lòng hẹp hòi lại khó chịu. Biết đâu lại nghĩ là do anh ta mang tiền của sang nuôi. Thế nên, tôi vẫn quyết định theo cách của mình.”
H.T bảo, mọi người nói chị ích kỷ khi lựa chọn như vậy, chị không phản đối. “Đúng là tôi ích kỷ. Ích kỷ với đứa trẻ và ích kỷ với mình. Nhưng giữa nhiều lựa chọn không hoàn hảo, đó là lựa chọn tốt hơn cả với cá nhân tôi.”
9 tháng mang nặng đẻ đau 1 mình, tự nhủ phải thật khỏe mạnh vì không có ai để dựa
33 tuổi, sau khi đã chuẩn bị kĩ càng, H.T một mình bay vào TP.HCM thực hiện kỹ thuật IUI (thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Chị xin tinh trùng từ ngân hàng dự trữ quốc gia theo hình thức 1 đổi 1, tức phải có 1 mẫu tinh trùng khác đủ điều kiện để thay thế. Một người bạn trai đã giúp chị mẫu đổi.
H.T cho hay chị không lựa chọn gì. Chị không mưu cầu con mình sinh ra phải xinh đẹp, cao lớn, thông minh. Hơn nữa, việc xin tinh trùng qua ngân hàng đảm bảo chất lượng và an toàn hơn nhiều so với việc mua bán tinh trùng ngoài thị trường. H.T bảo mình may mắn, vì làm một lần là thành công.
Khi cái thai được 2 tháng, chắc chắn về việc có em bé, chị mới nói với mẹ. Dù đã được con gái rào đón tận 3 năm trời nhưng cả nhà chị vẫn sốc. Ngay cả anh trai chị vốn là người hiện đại cũng giận, bảo “Có ăn học đàng hoàng, ra đời cũng có chút thành công, cũng biết đối nhân xử thế, tính tình năng động mà sao đường thẳng không đi lại chọn con đường cụt thế này”.
9 tháng mang thai, chị chỉ có một mình. Tự đi khám thai, tự gặp bác sĩ, tự chăm sóc bản thân, tự tẩm bổ, đêm hôm có đói thì tự mò đi ăn. Trộm vía chị khỏe mạnh, không gặp bất kì vấn đề nào trong suốt 9 tháng. Gần hết thai kỳ, chị xin mổ bắt con chủ động trước dự sinh 20 ngày để tránh dịp Tết nhất. Em bé ra đời được đặt tên là T.T.
Hiện tại T.T đã 5 tuổi, con cao trên 1m20, nặng chừng 30kg. 3 tuổi, con tự biết đọc chữ. 3 tuổi rưỡi, con học tiếng Anh cùng trình độ với các anh chị 6,7 tuổi. Hằng ngày việc đưa đón con đi học mẫu giáo chị đều đảm nhiệm. Cuối tuần, chị đưa con đi học các môn năng khiếu mà con thích, từ tiếng Anh tới bơi lội, nhảy và cả gym.
Ở nhà tôi đóng vai thiên về người cha, mẹ tôi bảo: “Nhiều lúc mày nói với con khô cứng như con quỷ”
Trước khi sinh T.T, bạn bè không tin chị có thể làm người mẹ tốt. Chị vốn ham tự do, thích xê dịch đến nỗi sợ kết hôn. Chị chưa bao giờ ở yên trong nhà vào những ngày cuối tuần. Một tháng không đi đâu đó thì chị không chịu được.
Nhưng 5 tháng liền sinh T.T chị không ra khỏi Hà Nội. Cũng đã 5 năm, chị không còn xê dịch. Chỉ vì không thể đi xa nhiều ngày mà không có con. Cũng không thể tha lôi con đi vì T.T bị mẫn cảm với thời tiết, dễ ốm bệnh khi thay đổi môi trường.
Ai cũng bảo, chị như biến thành con người khác. Còn chị bảo mình vẫn vậy, chỉ là tự nhiên nhiều sở thích và đam mê tạm gác lại thôi.
Nhiều chị em gái thấy chị “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, sống tự do, tích cực, yêu đời thì “thèm” được như chị. Nhưng chị khuyên họ nghĩ cho thấu đáo. “Để làm mẹ đơn thân theo cách này thì thứ nhất phải thật mạnh mẽ và có sự rộng lượng của cha mẹ, thứ 2 phải có kinh tế vững, thứ 3 phải có thời gian, thứ 4 phải xác định nỗ lực 200% vì mình không chỉ làm mẹ mà còn làm cha nữa”.
Ở nhà chị, chị giống một người cha hơn, còn mẹ chị thì như mẹ của T.T. Nhưng không mạnh mẽ thì không được. Nếu có bà, T.T sẽ ỉ ôi con không ăn cái này đâu, con ăn cái kia cơ. Thế là bà sẽ xuống siêu thị để mua cái T.T muốn. Hoặc T.T sẽ thỏ thẻ: Bà ơi, tự nhiên con mỏi tay quá cơ. Thế là bà sẽ xúc cho T.T ăn. Còn ở với mẹ, mẹ sẽ bảo: Hôm nay mẹ chỉ có từng này món, con chọn một trong những món này hoặc có thể không ăn gì.
Khi con hỏi, tôi sẽ giải thích với con mọi chuyện
Chị chưa nói gì với T.T về việc con được sinh ra như thế nào mà muốn chờ con lớn hơn. “Có thể một vài năm nữa con sẽ hỏi tôi, khi đó tôi sẽ nói với con. Chắc là tôi sẽ giải thích được chuyện đó, và chắc là con sẽ tự vượt qua được. Tôi biết nếu tôi không đủ tốt, không đủ tinh tế thì sự chông chênh của con càng lớn. Và ngược lại thì mọi sự sẽ giảm đi”.
Còn giờ, T.T luôn bị anh họ của mình tị nạnh: “Em sướng hơn anh”. Vì T.T không bị so sánh với ai cả. T.T không bị mẹ ép học. Bù lại, T.T muốn gì chỉ cần trình bày hợp lý là mẹ đáp ứng. T.T cũng không bị đưa ra để đối nội đối ngoại lẫn ngoại giao trên mạng xã hội. Thời gian mẹ dành cho T.T cũng rất nhiều.
H.T cũng bảo chị sướng hơn các ông bố bà mẹ khác vì không phải chịu áp lực “con nhà người ta”.
“Nhiều gia đình bố mẹ mải kiếm tiền, mải hoạch định những gì xa xôi, mải lên kế hoạch cho tương lai của con… Họ bị áp lực đủ phía, từ họ hàng nội ngoại, con anh con chị em họ, con đồng nghiệp, con của những người xa lạ, và không cho phép con của họ bị thua kém. Còn tôi sống nay biết nay. Mình đã bị xì xào nhiều, con mình cũng bị xì xào nhiều rồi, nên chẳng còn gì kinh khủng hơn được nữa. Đã sinh ra nó rồi, giờ cứ vui vẻ là được, khỏe mạnh là được, không đòi hỏi nhiều ở con”.
5 năm trôi qua, chưa bao giờ H.T ân hận vì quyết định của mình. Chị và con gái đang có những năm tháng hạnh phúc, tự do, không đòi hỏi gì ở nhau. Và bởi vì: “Mình và con đã không đầy đủ thì phải giải phóng để cả hai được thoải mái nhất, bù lại những thiệt thòi”.
the end
Bài viết: HH
Ảnh: Tùng Đinh
Minh họa: Sễu
Clip: Kingpro
Thiết kế: Bi, Tiến Đạt