Đằng sau mỗi người mẹ đều là một câu chuyện đặc biệt về hành trình mang nặng, đẻ đau và có rất nhiều điều để kể. Câu chuyện của chị Nguyễn Tường Oanh (31 tuổi, hiện đang sống tại Mỹ) là một trong số đó. Lần thứ 2 mang thai, lại là thai đôi, chị đã phải vượt qua rất nhiều những nguy cơ và gắng gượng dần qua từng đợt ốm nghén, kiểm tra thai kỳ để mong đón con chào đời khỏe mạnh. Thế nhưng, bắt đầu từ tuần thứ 30, chị đã phải nhập viện, cố giữ con đến tuần thứ 34 thì bác sỹ chỉ định mổ vì sợ thai gặp nguy hiểm. Hai em bé sinh non yếu ớt phải nuôi trong lồng kính, mẹ về nhà trước mà không có con, buồn vô hạn.
Hai em bé của chị Oanh chào đời vào ngày 8/8/2018 và hiện vẫn đang được nuôi trong lồng kính vì sinh non, chưa đủ cân nặng tiêu chuẩn.
Chưa kịp vui vì bác sỹ nói mang thai đôi đã phải đối mặt với ốm nghén trường kỳ
Chị Oanh kể lại ngày phát hiện mình mang thai đôi: "Con gái đầu của mình đã 8 tuổi, đến lúc cần có em nên vợ chồng mình quyết định "thả". Rất nhanh sau, mình phát hiện có thai. Vào bệnh viện khám bác sỹ nói có 2 tim thai, mình không tin nổi, còn nghĩ bác sỹ nói đùa. Ngờ đâu bác sỹ đưa kết quả siêu âm cho xem, lúc đó mình mới tin là sự thật. Về nhà, mình cứ cười suốt ngày vì vui lắm. Nhưng rồi mình cũng bắt đầu lo lắng vì mang thai đôi phải cẩn thận trong mọi chuyện".
Và quả thật, hành trình mang thai đôi khiến chị Oanh nhiều lần như muốn kiệt sức vì ốm nghén trường kỳ từ đầu cho đến cuối. Chị kể lại, người chị lúc nào cũng lâng lâng cảm giác như trên mây, chỉ cần nghe mùi gì nặng một chút là nôn, ói ra hết. Tâm lý chị cũng thay đổi nhiều, lúc nào cũng cáu gắt với chồng, cảm giác bị tủi thân rất nhiều giống như không ai thèm quan tâm đến mình vậy. Trong suốt thai kỳ, chị tăng 18kg, bàn chân phù nề, sưng rất to, đi lại luôn cảm giác nặng nề, khó khăn.
Chị Oanh và con gái đầu tận hưởng niềm vui sắp có thêm thành viên mới trong gia đình.
Chị Oanh khi bầu khoảng 6 tháng.
"Mình còn bị tiểu đường thai kỳ nữa nên kiêng đủ thứ đồ ăn. Mà mình có bầu lại thèm ăn kem vô cùng, nhưng không được ăn nên cảm thấy uất ức lắm. Tần suất đi khám thai cũng liên tục, mỗi tuần gặp bác sỹ 2-3 lần vì bác sỹ bảo mang thai đôi nên cần theo dõi cẩn thận. Mình cũng phải làm đủ các loại xét nghiệm, kiểm tra để xem có điều gì bất thường không. Ví dụ như xem 2 bé có tách rời nhau không, tay chân phải đếm từng ngón, rồi lại xem xem tim phổi, não của bé có bình thường không... Mình nhớ khi xét nghiệm triệu chứng bệnh down, bác sỹ lấy 2 cây kim dài chọc vào bụng để lấy xét nghiệm, lúc đó vừa đau đớn vừa lo, vì chỉ một sơ suất nhỏ là em bé có thể nguy hiểm tính mạng trong bụng".
Hai em bé của chị Oanh vốn là sinh đôi cùng trứng nên mọi thứ đều giống nhau, nếu như em bé A bị gì thì em bé B sẽ bị như vậy. Và thêm một điều khá đặc biệt là dù vốn cùng nhau thai nhưng em bé A lại hấp thu nhiều hơn nên lớn hơn em bé B, đó cũng là điều mà bác sỹ phải theo dõi rất sát sao.
Sinh mổ chủ động vào tuần 34, "con bé xíu như chuột con"
Căng thẳng lớn nhất là vào khoảng tuần thứ 30 của thai kỳ, chị Oanh phải nhập viện sớm theo chỉ định của bác sỹ. "Bác sỹ nói rằng mình phải sinh sớm vì máu không lưu thông được vào em bé B nên phải cho em bé ra sớm để giữ bé được an toàn. Lúc đó mình buồn lắm nhưng vẫn phải cố gắng gượng lên. Sau 32 tuần, bác sỹ nói em bé vẫn đang tạm ổn, có thể duy trì lên được 34 tuần mới sinh mổ. Vậy là chờ tới 34 tuần, mình sinh bé".
Ca mổ được thực hiện ở tuần 34 thai kỳ, diễn ra thuận lợi.
Ngày 8/8/2018, hai bé gái Kate (1,9kg) và Meghan (gần 1,4kg) chào đời theo phương pháp sinh mổ khi mới chỉ ở trong bụng mẹ được 34 tuần. Và bởi vì em bé sinh thiếu tháng, chưa đủ cân nặng (ở Mỹ quy định em bé phải 2,5kg mới được coi là đủ cân nặng) nên phải nằm lồng kính để được theo dõi thêm. "Nhìn con bé như chuột con, nằm yếu ớt thiu thiu ngủ trong lồng kính, lòng mẹ xót xa, lạnh lẽo lắm nhưng vẫn phải cố chịu để đảm bảo điều tốt nhất cho con", chị Oanh tâm sự.
Bé được ăn sữa mẹ qua đường xông trực tiếp xuống dạ dày.
Hai bé gái đáng yêu khi được 2 ngày tuổi.
Bố mẹ sẽ được đến thăm bé vào các giờ quy định.
Hai bé được ấp trong lồng kính.
Bé phải bịt mắt để bảo vệ mắt không bị tổn thương.
Hai em bé được bịt mắt để tránh hại mắt, chiếu ánh sáng xanh giúp tránh nguy cơ vàng da và giữ ấm với nhiệt độ thích hợp. Chị Oanh nằm ở phòng hậu sản, mỗi ngày 4-5 tiếng lại dậy vắt sữa đưa lên cho con một lần. Cũng trong thời gian này, chị được trải nghiệm dịch vụ tuyệt vời ở bệnh viện của Mỹ, được phục vụ tận tâm từ A đến Z: "Bác sỹ vào thăm khám mỗi 15 phút một lần. Bạn chỉ cần bấm chuông là y tá tới chăm sóc ngay lập tức. Thế nên có thể nói là bạn không cần chồng hay người nhà cũng được. Ăn uống mỗi bữa từ sáng, chiều, tối đều được bưng đến tận nơi. Đêm khuya, cứ 20 phút một lần lại có người tới thăm mình..."
Những điều kiện sinh nở ở nước Mỹ rất tuyệt vời khiến chị Oanh luôn cảm thấy an tâm, ấm áp.
Cũng theo lời kể của chị Oanh, thậm chí khi chị về nhà trước (em bé vẫn được nuôi trong lồng kính ở bệnh viện), bác sỹ còn gọi điện hỏi thăm, tư vấn vì sợ sản phụ bị trầm cảm sau sinh. Vậy nên chị luôn cảm thấy rất ấm áp, vững tin đợi đến ngày được đón 2 con về nhà. Bác sỹ cũng thông báo khoảng đến ngày 19/9 là ngày dự sinh hoặc có thể sớm hơn, nếu sức khỏe ổn định, hai bé gái của chị Oanh sẽ được về nhà với mẹ. Thời gian này, chị Oanh dù rất buồn khi chưa được đón con về bên cạnh, nhưng chị cũng đã thở phào nhẹ nhõm vì thời gian nguy hiểm nhất đã tạm qua đi.