Khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, chị Mai Nhi vào viện khám và được bác sĩ thông báo sắp sinh, yêu cầu nhập viện ngay lập tức. Tuy nhiên, vì tốc độ chuyển dạ khá chậm nên chị Nhi được bác sĩ truyền thuốc kích sinh. Trong thời gian truyền thuốc, chị bắt đầu lên cơn co nhưng vẫn chậm. Bệnh viện có riêng một y tá ngồi cạnh để massage tinh dầu ở phần hông, giúp chị đỡ đau hơn.
Chị Đặng Mai Nhi từng đạt giải Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu người Việt tại Nhật qua ảnh.
"Mình nghĩ y tá chỉ xoa khoảng 30 phút đến 1 tiếng thôi nhưng người ta ngồi xoa cho mình hơn 6 tiếng.
Khi mình sinh thì có 2 y tá và 1 bác sĩ đỡ đẻ. Chồng mình cũng được vào phòng và ở bên cạnh vợ lúc sinh. Trong phòng sinh có sẵn máy quay của bệnh viện để ghi lại khoảnh khắc lúc con ra đời. Em bé vừa chui ra thì bác sĩ đặt ngay lên bụng mình và chồng mình cắt rốn. Sau khi lau và đo các chỉ số cho em bé cũng như khâu tầng sinh môn cho mình xong thì bác sĩ cho em bé da kề da với mẹ và nằm cạnh mẹ trong 3 tiếng đồng hồ" – chị Nhi kể.
Cơ sở vật chất của bệnh viện khiến nhiều người choáng ngợp.
Mẹ một con xinh đẹp cho biết, bệnh viện rất cẩn thận, lúc nào cũng có y tá riêng để hỗ trợ, theo dõi chi tiết các chỉ số sức khỏe, ăn ngủ nghỉ của cả mẹ và bé. Bệnh viện có đủ cơ sở vật chất hỗ trợ sản phụ cũng như gia đình, tất cả đều sạch sẽ, gọn gàng, hiện đại, từ sảnh chờ, phòng nghỉ, phòng ăn cho người nhà, phòng của sản phụ, phòng massage, phòng vệ sinh, đo tiêu chuẩn đến các phòng chăm sóc bé sau sinh.
Đặc biệt là các bữa ăn cho mẹ sau khi sinh rất ngon và nhiều chất dinh dưỡng.
"Ở Nhật không kiêng nhiều, đồ ăn, các món rất phong phú, đầy đủ chất. Cơm ngon đến nỗi mình chẳng muốn xuất viện về nhà. Mỗi bữa đều thay đổi thực đơn khác nhau và rất ngon nên mình cảm giác như được đi du lịch nghỉ dưỡng chứ không phải vừa trải qua ca sinh nở vất vả" – bà mẹ 9x nói thêm.
Thực đơn cơm cữ của chị Mai Nhi cho bữa sáng, trưa, chiều, tối.
Nói về nhiều món ăn trong thực đơn ăn uống mà ở Việt Nam, các sản phụ cần phải kiêng, chị Mai Nhi cho hay: "Bệnh viện ở Nhật họ vẫn nấu hải sản và không kiêng nhiều như ở Việt Nam. Mình nghĩ ăn nhiều có thể không tốt nhưng ăn lượng vừa phải thì cơ thể mới đủ chất".
Năm ngày ở bệnh viện với vợ chồng chị Mai Nhi như một kỳ nghỉ dưỡng:
- Ngày đầu tiên sau khi sinh: Sáng khám tổng quát cho mẹ và bé. Nghỉ ngơi. Trưa được hướng dẫn cách cho bú, kích sữa về. Y tá sẽ hướng dẫn mình cách massage để mau có sữa.
- Ngày thứ 2: Sáng khám tổng quát cho mẹ và bé. Chiều bệnh viện có trị liệu massage mặt và cơ thể để làm đẹp, phục hồi, thư giãn. Sau đó mình nghỉ ngơi và chơi với con là chủ yếu.
- Ngày thứ 3: Khám thính lực, thị giác cho bé. Bác sĩ theo dõi xem lượng ăn và sữa của mẹ có tốt không.
- Ngày thứ 4: Khám tổng quát cho mẹ. Bệnh viện có bữa tối để chúc mừng ngày vợ chồng (22/11) và chúc mừng sau khi sinh.
- Ngày thứ 5: Sáng khám tổng quát cho mẹ và bé lần cuối. Phổ biến lịch khám định kì trong các tháng tới cho bé và xuất viện về nhà.
Ông xã của Mai Nhi được theo vợ vào tận phòng sinh.
Đặc biệt, toàn bộ chi phí sinh con mình được nhận hỗ trợ từ nhà nước, chỉ phải trả thêm một khoản nhỏ. Sau khi sinh 5 ngày, mẹ và bé được theo dõi đầy đủ, không có dấu hiệu hậu sản, em bé ăn ngủ tốt thì được xuất viện.
Điều chị ưng ý nhất trong những ngày ở sinh con chính là sự chăm sóc chu đáo cũng như sự nhiệt tình của các y, bác sĩ: "Sau khi sinh 2 ngày thì bệnh viện có cả liệu trình massage mặt và cơ thể cho mẹ để phục hồi, thư giãn và làm đẹp sau sinh, tất cả đều được miễn phí.
Bác sĩ cũng hướng dẫn cách ăn uống để cơ thể mình khỏe lại nhanh nhất. Bệnh viện mình sinh là bệnh viện tư nên các dịch vụ và cơ sở vật chất có thể tốt hơn các bệnh viện công. Bác sĩ và y tá lúc nào cũng nhẹ nhàng và nhiệt tình".
Con trai dễ thương, kháu khỉnh của vợ chồng Mai Nhi.