Thay đổi thời tiết, nhiều gia đình sống trong không gian bức bí thường có vấn đề với toilet và gặp tình trạng ẩm ướt, bốc mùi. Việc giữ toilet sạch sẽ, thơm tho không khó nhưng cũng không phải chuyện dễ.
Chị Cao Thanh Hà hiện đang sống tại Aalborg, Đan Mạch cho rằng, các gia đình phải thay đổi quan niệm chiếc toilet. Cả nhà phải luôn nghĩ rằng toilet nhà mình rất sạch sẽ thơm tho tiêu chuẩn 5 sao, khi đó sẽ có thái độ đúng khi sử dụng toilet.
"Đã có nhiều nghiên cứu về tâm lý con người trong việc hành xử. Nếu bạn giữ cho nhà gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ thì mọi người sẽ có xu hướng giữ gìn hơn. Nếu bạn bừa bãi ở bẩn thì tâm lý mọi người cũng có xu hướng bừa rồi thì cho bừa thêm, bẩn sẵn rồi thì khỏi vệ sinh.
Vậy nên nếu áp dụng nguyên tắc 30 giây, dọn luôn để không ai có cơ hội bày thêm thì không gian lúc nào cũng sạch. Bước tiếp theo là tìm ra nguyên nhân gây ra cái sự bẩn và ẩm ướt: Bao gồm lỗi kỹ thuật và lỗi sử dụng để xử lý chiếc toilet của gia đình", chị Thanh Hà chia sẻ.
1. Lỗi kỹ thuật
Muốn giữ toilet của gia đình sạch sẽ cần rất nhiều yếu tố.
Đây là một số lỗi gây ra: Do các mối nối nước thải bị hở nên nước tù đọng gây mùi hôi. Nước dột thấm từ tầng trên, gạch sàn nhà bị long và nước đọng gây mùi hôi. Mối nối nước không khít khiến nước nhỏ giọt ra sàn. Phễu thoát sàn không kín gây mùi hôi trào ngược từ cống lên. Hở gioăng giữa xí bệt và nền nhà, do vị trí vòi hoa sen làm nước lênh láng ra nguyên phòng tắm…
Cách khắc phục: Mời thợ về sửa. Bạn cũng cần suy nghĩ kỹ về thói quen sử dụng cũ, lập thói quen sử dụng mới và có thể sửa trang thiết bị phù hợp với thói quen sử dụng mới muốn thiết lập.
2. Lỗi ánh sáng và thông gió không đủ
- Không đủ sáng thì bạn sẽ không nhìn thấy vết bẩn để dọn. Ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ và ánh sáng trần nhà nên để sao cho dễ nhìn ra các vết bẩn ở mọi ngóc ngách và từ đó vệ sinh toàn diện hơn.
- Đối với vấn đề thông gió thì có thể kiểm tra từ cửa sổ hoặc từ quạt thông gió nếu thấy nó chậm và ồn hơn. Đặt bồn cầu cạnh/gần cửa sổ cũng làm cho không khí trong toilet trở lại trong lành nhanh chóng (nếu bạn nhớ mở cửa sổ).
3. Lỗi sử dụng
Do quá trình sử dụng bồn cầu không sạch sẽ, để ẩm ướt và bẩn, tường ướt mà không thông gió sau khi tắm hoặc do quần áo, khăn tắm ẩm,... Cách giải quyết: Mọi thành viên trong nhà cần có ý thức thay đổi. Cả nhà nên bàn bạc lại dựa trên các gợi ý chị Thanh Hà đã áp dụng và thành công dưới đây:
- Bỏ dép đi trong toilet
Hãy đối xử với toilet sạch sẽ như thể sàn phòng khách hay nhà bếp. Khi chân tiếp xúc trực tiếp với sàn thì càng cần có ý thức giữ sạch và khô tốt hơn. "Nếu có điều kiện thì bạn lắp sưởi ấm sàn, mùa đông dùng rất thích và tiện giữ phòng khô ráo. Buổi sáng mùa đông, nhiều khi trẻ con nhà mình nằm lăn ra sàn toilet lúc còn ngái ngủ vì sàn toilet nhà mình có sưởi và luôn giữ sạch", chị Thanh Hà chia sẻ.
- Giữ bồn cầu sạch
Đại tiện xong phải mở cửa sổ hoặc bật thông gió ngay. Sau đó đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước để tránh các hạt nước li ti bay từ trong ra ngoài, lây lan vi trùng.
- Tắm giặt cần lưu ý
Khăn tắm ẩm, quần áo ẩm, khăn lau nhà ướt… đồ chưa giặt ngay cần phơi khô trước khi cho vào thùng để quần áo bẩn để tránh bốc mùi. Cần mở cửa sổ hay quạt thông gió sau khi tắm. Dùng gạt nước gạt tường và sàn nhà cho khô sau khi tắm. Treo 1 khăn lau tay cạnh bồn rửa, thay tối thiểu 1 tuần/lần.
- Giảm thiểu các vật dụng, đồ đạc để trong toilet
"Nhà mình chỉ để mỗi người 1 khăn tắm x 4 người, 1 thùng rác nhỏ, một giỏ đựng quần áo bẩn, 1 tủ dưới bồn rửa có 2 ngăn kéo: Ngăn 1 đựng máy sấy tóc, lược, nước hoa, bàn chải đánh răng… Ngăn 2 đựng dao cạo râu/kem/kính áp tròng của chồng, quần lót, băng vệ sinh, giấy toilet. Ai tắm thì tự mang quần áo sạch theo chứ không để sẵn trong phòng tắm".
Chị Thanh Hà cũng giảm thiểu hoặc loại bỏ các loại chậu xô nhựa, cây lau nhà… "Mình dùng bồn rửa trong toilet làm bồn giặt khăn lau nhà, dùng xong lau chùi sạch sẽ. Mình lau nhà bằng tay nên không có cây lau nhà gì cả", chị Thanh Hà chia sẻ.
- Bàn chải đánh răng cất gọn gàng
Bàn chải đánh răng chỉ dùng 2 lần x 5 phút/ngày mà bày 24/24 trên bàn toilet rất bừa. Thế nên dùng xong, nhà chị Thanh Hà lau khô rồi cất vào ngăn kéo. Bàn toilet chỉ có sữa rửa tay, xà phòng rửa tay.
- Giữ sàn toilet luôn khô ráo và sạch
Nên để 1 khăn lau nhỏ trong phòng tắm để lau khô sàn, hút bụi thường xuyên nếu có thời gian.
- Dùng toilet treo nếu có diện tích
Cách làm này để việc lau chùi sàn nhà dễ dàng tiện lợi hơn, dễ lau bụi quanh toilet hơn. Các loại tủ bên dưới bồn rửa toilet cũng nên treo cho cùng mục đích.
Những thứ nào có thể cất vào ngăn kéo thì không nên để bên ngoài. Vừa giữ cho chúng sạch sẽ lại giúp không gian phòng tắm gọn hơn.
- Chọn loại bồn tắm phù hợp
Nếu có diện tích, hãy xây bồn tắm chìm để vừa tắm bồn, vừa tắm hoa sen cùng một chỗ, dùng rèm che lúc tắm, vừa khoanh vùng ẩm ướt, vừa dễ vệ sinh, lại tăng chất lượng sống. Nếu diện tích nhỏ thì bạn nên xây chân tường khu vực tắm hoa sen cao 30cm rồi quây xung quanh bằng rèm để hạn chế nước văng khắp phòng.
Nếu bạn không phải là người có nhiều thời gian dọn dẹp thì không nên dùng tấm kính chắn vì vết bẩn nhìn rất rõ và thường xuyên. Ngoài ra bạn có thể dùng gạt nước để tường và sàn chóng khô hơn.
- Nếu nhà có diện tích thì nên làm 2 toilet
Nhà chị Thanh Hà có 4 người nên dùng 1 toilet rất bất tiện, nhất là vào buổi sáng. Con gái chị đang tuổi mới lớn nên dành rất nhiều thời gian để ngắm nghía, spa…nên toilet lúc nào cũng bận. Nên lời khuyên của chị với những gia đình nào đông thành viên thì nên làm 2 toilet để vừa sạch vừa đảm bảo sự thoải mái.
Ảnh: NVCC