Dựa trên nguyên tắc "quỹ quản lý tài chính 6 cái hũ" của JARS. Chúng ta thử "biến tấu" cho phù hợp với cách tiết kiệm của chị em Việt Nam. Chia nhỏ các khoản vào "phong bì", mỗi "phong bì" tích lũy một khoản.
1. Quỹ phí sinh hoạt: 50%
Chỉ cần ghi chép các chi phí của gia đình trong một hoặc hai tháng, chị em sẽ có thể định mức được quỹ dành cho sinh hoạt phí. Thông thường sinh hoạt phí không chiếm quá 50% tổng thu nhập của cả vợ và chồng. Nếu hiện nay chi phí đó quá cao, bạn cần tăng thu nhập, hoặc cắt giảm bớt chi tiêu.
Tỉ lệ thu nhập dành cho việc học hành của con cái nên là 10% - (Ảnh minh họa)
2. Quỹ đào tạo: 10%
Quỹ đào tạo sẽ bao gồm tiền học cố định của con cái, tiền học thêm, một số môn năng khiếu, chi phí mua sách vở, đồ dùng học tập của con. Quỹ này chiếm khoảng 10% thu nhập của gia đình. Cha mẹ cũng cần phải có kế hoạch đào tạo cá nhân. Nếu cơ quan nơi bạn hoặc chồng công tác không sẵn sàng chi trả cho chi phí học nâng cao, bạn cần có một khoản tiền sẵn sàng để đầu tư cho tương lai của mình.
3. Quỹ tiết kiệm dài hạn: 10%
Tối thiểu 10% thu nhập hàng tháng cần phải được dành ra cho quỹ tiết kiệm dài hạn. Bạn có thể tham gia các chương trình tiết kiệm gửi góp của các ngân hàng, hoặc đơn giản là để lại số tiền này trong tài khoản, gom đến một con số nhất định rồi mang ra ngân hàng gửi thành sổ tiết kiệm dài hạn.
4. Quỹ đầu tư: 10%
Quỹ đầu tư có thể chiếm 10% tổng thu nhập của bạn.
5. Quỹ tiền mặt dự phòng: 10%
Để dự phòng những tình huống phát sinh như: đám hiếu hỉ, sinh nhật, thăm người ốm,... bạn cần dành ra khoảng 10% tổng thu nhập hàng tháng. Nếu trong tháng không tiêu hết quỹ này, bạn có thể để dành nó cho những kế hoạch lớn về sau.
6. Quỹ tích lũy cá nhân: 10%
Mục tiêu của quỹ này là đề phòng những bất trắc lớn trong cuộc sống mà người bạn đời không thể cùng bạn chia sẻ. Mỗi tháng, hãy lặng lẽ chuyển 10% thu nhập của mình vào quỹ tích lũy cá nhân. Bạn sẽ luôn cảm thấy tự tin và an toàn với khoản tiền “phòng thân” như kho báu chỉ mình bạn biết vậy.
Thay vì đau đầu tính toán, hãy có kế hoạch chi tiêu hợp lý với mẹo "6 phong bì" - (Ảnh minh họa)
Để thực hiện tốt mẹo "6 phong bì" này, chị em văn phòng vẫn rỉ tai nhau một số cách tăng thu giảm chi. Mai Trang (nhân viên văn phòng – 28 tuổi) chia sẻ: “Hàng ngày mình dậy sớm một chút ra chợ, vừa thay thể dục vừa chọn mua được thực phẩm tươi ngon, nấu bữa sáng cho cả nhà, bữa trưa cho mình và ông xã. Như vậy đã tiết kiệm được khoảng 20% chi phí ăn uống so với việc ăn hàng, vừa không yên tâm về chất lượng lại vừa đắt. Mà bữa sáng nhà mình vẫn đầy đủ cả hoa quả tráng miệng, sữa tươi,...”
Ngoài ra chị em có thể xem xét việc thay các bóng đèn tiết kiệm điện, nhắc nhở người nhà tiết kiệm điện nước, cả gia đình ra công viên chơi thay vì đến những khu vui chơi mất phí...
Chị Thu Hà, 32 tuổi đang làm việc tại một công ty tư nhân lại quan tâm hơn tới quỹ tiết kiệm dài hạn “Mỗi tháng mình dành 20% từ lương để chuyển vào quỹ tiết kiệm tại ngân hàng. Số tiền bỏ ra một lúc không nhiều nhưng qua 1 năm sẽ có thể gửi thành sổ chẵn, rất tiện dụng”
Tuy nhiên nhiều chị em cũng gặp khó khăn khi áp dụng việc phân bổ thu nhập và bảo toàn các quỹ khi thu nhập quá thấp. Mai Lan mới ra trường năm ngoái, dạy học tại trường cấp 3 dân lập có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, bạn tâm sự:
“Với thu nhập của em 10% chỉ có 500.000 đồng thì không đủ để đầu tư gì cả, nhiều khi chỉ muốn rút ra để tiêu việc khác. Nhưng em nghĩ em sẽ dồn vào thành một khoản, sau 1 năm sẽ mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên, đây cũng có thể coi là một hình thức đầu tư cho tương lai.
Em cũng đã liên hệ mối dạy gia sư tại nhà cho em một người bạn, còn thời gian em sẽ tổ chức dạy thêm tại nhà cho các học sinh có nhu cầu. Em tin quỹ đầu tư của mình sẽ có thể đủ lớn để mở một trung tâm đào tạo trong tương lai.”
Ngoài việc lên kế hoạch chi tiêu, nhiều chị em tìm việc làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập và ổn định tài chính - (Ảnh minh họa)
Bạn có thể linh hoạt thay thế “6 phong bì” thành 6 tài khoản ngân hàng, và cần nghiêm túc thực hiện ngay từ khi nhận được thu nhập, không chỉ từ lương mà còn từ các nguồn khác nữa. Và một nguyên tắc cực kỳ quan trọng cần ghi nhớ: cần chi tiêu phần còn lại sau khi trừ khoản tiết kiệm, chứ không phải tiết kiệm khoản còn lại sau khi chi tiêu.