Nếu rã đông thịt cá theo cách truyền thống, bạn sẽ mất khoảng 1-2 giờ, các mẹo dưới đây sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian đáng kể mà vẫn đảm bảo thực phẩm giữ được độ tươi ngon.
Mẹo rã đông thịt nhanh chóng
Rã đông thịt bằng đường
Đường không chỉ có tác dụng rã đông thịt nhanh mà còn giúp thịt mềm và giữ được vị ngon khi nấu.
Cách thực hiện như sau: Pha nước lạnh và nước sôi theo tỷ lệ 5:1 để tạo hỗn hợp nước ấm khoảng 40 độ. Cho khoảng 2 thìa đường vào hỗn hợp nước vừa pha rồi khuấy đều cho tan. Cho thịt đông cứng vào hỗn hợp trên. Chỉ sau khoảng 7 phút, thịt sẽ mềm.
Rã đông thịt bằng muối và giấm
Đây là nguyên liệu mà gia đình nào cũng có sẵn và dễ dàng áp dụng.
Cách thực hiện như sau: Chuẩn bị một chậu nước nhỏ, sau đó cho thìa muối với chút giấm vào. Khuấy thật đều để giấm và muối hòa tan hoàn toàn. Lúc này, hãy thả miếng thịt cần rã đông vào. Không nên cho thịt vào ngay từ đầu sẽ làm thịt bị nhạt. Đợi muối cùng giấm hòa toàn thì thịt cho vào mới tươi ngon, giữ được vị ngọt sau khi nấu.
Mẹo rã đông cá nhanh, không tanh, không nát
Rã đông cá bằng muối và chanh
Muối giúp thịt cá săn chắc, có tác dụng khử vi khuẩn và tăng vị đậm đà khi nấu. Chanh còn giúp khử mùi tanh, món ăn chế biến ra càng thơm ngon.
Cách thực hiện như sau: Đầu tiên, cho cá đông lạnh vào một chiếc hộp. Sau đó thêm vào 1-2 thìa muối ăn, 2 lát chanh. Cuối cùng đổ nước ngập mặt cá rồi đậy nắp hộp lại. Đợi khoảng 5-10 phút để rã đông, sau đó có thể lập tức đem cá đi chế biến.
Rã đông cá bằng giấm
Cách rã đông cá bằng giấm thực ra khá tương tự với cách rã đông bằng chanh. Tuy nhiên rã đông cá bằng giấm thường mất thời gian lâu hơn một chút.
Cách thực hiện như sau: Cá đông lạnh sau khi rửa sạch, cho vào một chiếc hộp, túi zip hoặc bát lớn. Đổ nước cho ngập mặt cá, sau đó cho thêm khoảng 50 ml giấm trắng. Giấm trắng có thể đẩy nhanh tốc độ rã đông của cá đông lạnh. Tuy nhiên phải mất tới khoảng 20 – 25 phút để chờ cá rã đông hoàn toàn.
Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng
Trong trường hợp cần rã đông nhanh, bạn có thể sử dụng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm, tan đông. Lưu ý khi rã đông, cần lột bỏ các bao bì không an toàn với lò vi sóng như hộp xốp, túi nilon, bìa carton, đặt thực phẩm trong hộp hoặc đĩa sâu có nắp hay màng bọc an toàn với lò vi sóng, tránh nước từ thực phẩm chảy ra ngoài.
Rã đông bằng lò vi sóng khá hiệu quả vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào.
Một điểm cần chú ý khi rã đông bằng lò vi sóng chính là thời gian và nhiệt độ. Nếu để nhiệt độ quá thấp thì thực phẩm sẽ rã đông chậm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Còn nếu để nhiệt độ quá cao thì bên lớp ngoài thực phẩm sẽ bị chín trong khi phần bên trong vẫn bị đông đá. Vì thế điều quan trọng là phải căn đúng thời gian và khối lượng thực phẩm để chọn nhiệt độ phù hợp.
Với phương pháp này, thực phẩm phải được chế biến ngay vì phần thịt có thể đã hơi chín. Ngoài ra thịt, cá đông lạnh có thể quay, nướng trong lò vi sóng mà không cần phải rã đông.
Những điều cần tránh khi rã đông thực phẩm
Để thực phẩm tự rã đông ở nhiệt độ phòng
Thực phẩm đông (đặc biệt là thịt) tiếp xúc với nhiệt độ bình thường sẽ rất dễ bị ôi thiu, vi khuẩn sinh sôi gấp nhiều lần so với trước khi rã đông. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc và tiêu chảy, nhất là đối với những người có hệ tiêu hóa kém.
Rã đông thực phẩm trong nước nóng
Nước nóng có thể giúp quá trình rã đông thực phẩm trở nên nhanh chóng hơn. Nhưng nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của thực phẩm rã đông. Nó còn giúp vi khuẩn phát triển nhanh và phá huỷ thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.
Tái đông lạnh thực phẩm đã rã đông
Một sai lầm mà nhiều người thường mắc là khi không dùng hết phần thịt đã rã đông lại cho vào tủ đông. Cách làm này thật sự không an toàn vì thịt sau khi rã đông rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, việc cho vào ngăn đông sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi, chất lượng thực phẩm giảm và khi dùng dễ bị ngộ độc.
Nấu thực phẩm đông lạnh lâu hơn bình thường
Rã đông bằng cách nấu lâu hơn sẽ làm mất đi dinh dưỡng của thực phẩm. Thực phẩm đông cứng như thịt khi nấu trực tiếp có thể không chín. Nếu nấu quá lâu, nấu lại nhiều lần thì thực phẩm có thể bị quá chín, mất chất và mất vị ngon vốn có.