Norman Shedlo, bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Eyecare, Maryland cho biết, mí mắt sưng khi ngủ dậy là tình trạng cơ thể đối phó với dị ứng hoặc nhiễm trùng. Lúc này, các tế bào trong mắt sẽ kích thích phản ứng miễn dịch và khiến mô mắt sưng lên.
Xác định chính xác nguyên nhân gây viêm mắt có thể giúp bạn kiểm soát được tình trạng sưng tấy và ngăn chặn vấn đề này quay trở lại. Dưới đây là 6 lý do phổ biến nhất làm mí mắt sưng khi ngủ dậy và lời khuyên đến từ chuyên gia:
Phản ứng dị ứng
Theo bác sĩ Norman, trong hầu hết trường hợp, tình trạng sưng tấy sẽ xảy ra do phản ứng dị ứng nhẹ với một thứ gì đó trong môi trường.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho biết, tiếp xúc với các chất như phấn hoa, bụi bẩn, cỏ phấn hương hoặc lông thú cưng có thể gây viêm mắt. Từ đó dẫn tới một loạt các triệu chứng như sưng mắt, đỏ mắt, ngứa rát và chảy nước mắt.
Một số người bị dị ứng còn phải đối mặt với những vấn đề khác như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa, phát ban.
Cách khắc phục tình trạng này là kiểm soát dị ứng, giảm viêm quanh mắt, thực hiện các biện pháp giúp làm dịu mắt. NIH đưa ra lời khuyên, bạn có thể chườm mát và dùng nước mắt nhân tạo để giữ nước cho bộ phận này. Sử dụng thuốc kháng histamin dạng uống hoặc dạng nhỏ mắt cũng đem lại hiệu quả đáng lưu ý.
Đau mắt đỏ
Bác sĩ Norman giải thích, đau mắt đỏ thường bắt đầu ở một bên mắt, gây ra triệu chứng đỏ mắt kèm theo một số cơn đau và sưng nhẹ ở mí mắt. Sau một vài ngày, hiện tượng tương tự cũng sẽ xuất hiện ở mắt thứ hai, thường không nghiêm trọng như mắt đầu tiên.
Hầu hết các trường hợp mắc đau mắt đỏ là do virus gây ra và bệnh sẽ khỏi trong vòng vài tuần điều trị. Theo Viện Mayo, trong thời gian chờ đợi, bạn có thể chườm ấm, dùng nước mắt nhân tạo để giảm bớt khó chịu. Nếu tình trạng này diễn ra lâu hơn, bạn đừng ngại ngần đến gặp bác sĩ nhãn khoa vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Muỗi cắn
Muỗi có thể đốt bạn ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, từ cánh tay, chân cho tới mí mắt. Vết muỗi đốt thường sở hữu hình dạng như một vết sưng nhỏ, màu đỏ hoặc hồng, gây ngứa nhưng không đau.
Viện Mayo cho biết, bạn có thể giảm ngứa và sưng bằng cách chườm mát. Mặc dù các loại thuốc chứa hydrocortisone hoặc calamine thường được khuyên dùng để trị vết bọ cắn, mọi người không nên sử dụng chúng vì bôi gần mắt có khả năng gây ra rủi ro.
Lẹo mắt
Lẹo là những vết sưng tấy đỏ, có mủ, gây đau đớn, hình thành ở bên ngoài mí mắt khi các tuyến sản xuất dầu ở khu vực này bị tắc nghẽn và nhiễm trùng. Dù thường không gây sưng toàn bộ mắt, lẹo mắt có thể khiến vùng da xung quanh hơi nhô lên.
Bạn có thể thực hiện một số biện pháp điều trị tại nhà như chườm ấm mí mắt trong 10-15 phút, 3-5 lần mỗi ngày để giảm sưng. Học viện nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) cho biết, sử dụng các ngón tay sạch nhẹ nhàng massage khu vực sau khi chườm để giảm tắc nghẽn. Mọi người cũng nên lưu ý không bao giờ được bóp hoặc nặn lẹo mắt vì việc làm này có thể khiến nhiễm trùng lan rộng.
Bệnh Zona
Bệnh Zona thường gây ra các triệu chứng đặc trưng như phát ban đỏ, đau đớn. Trong một số trường hợp, chúng có thể tác động đến các dây thần kinh trong đầu và làm ảnh hưởng tới bộ phận của mắt, gây sưng đau, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và mờ mắt.
Mọi người nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ bệnh zona ảnh hưởng đến mắt. Theo Viện Mayo, thuốc kháng virus dù không chữa khỏi bệnh nhưng có thể thúc đẩy quá trình hồi phục, giảm nguy cơ biến chứng, hạn chế tổn thương mắt và để lại sẹo có khả năng dẫn tới mù lòa.
Nhiễm trùng nghiêm trọng
Mặc dù hiếm gặp, nhiễm trùng nghiêm trọng do tổn thương mắt, bọ cắn hoặc lẹo mắt gây ra có thể khiến mí mắt sưng đỏ và đau đớn. Không những vậy, theo bác sĩ Norman, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây cũng có thể lây lan từ các mô hoặc mạch máu sang những khu vực mí mắt lân cận.
Khi gặp phải tình trạng này, mọi người nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Các bệnh nhiễm trùng mắt nghiêm trọng thường cần dùng tới kháng sinh và người mắc thậm chí phải nhập viện.
(Nguồn: Livestrong)