Chiều 28/4, ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết: Sau gần 5 tháng diễn tiến với hơn 252 ca nhiễm cúm, tính đến hôm nay cúm A/H1N1 đã tạm lắng, thay vào đó dịch sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa.
 
Trước đó, trong tháng 3 bệnh viện vẫn tiếp nhận 70 ca đến khám, 56 ca nhập viện do dương tính với cúm A/H1N1, trong đó 13 ca là phụ nữ đang mang thai (Hà Nội 44 ca, các tỉnh khác 12 ca). Sang đến đầu tháng 4 số ca đến khám và nhập viện chỉ dưới 10 ca, và tính đến thời điểm này dịch cúm A/H1N1 đã tạm lắng.
 
 
Dịch sốt phát ban vào mùa (ảnh minh hoạ: Internet)
 
Bên cạnh đó, dịch sốt phát ban đang có xu hướng giảm, trong tháng 3 viện tiếp nhận 2.060 ca đến khám, 558 ca mắc dịch, 116 ca nặng phải nhập viện (Hà Nội 92 ca, các tỉnh khác có 24 ca) thì sang tháng 4 tổng số bệnh nhân đến khám còn 1.552 ca, trong đó chỉ có 56 ca phải nhập viện, giảm 50% so với tháng 4.

Cũng theo BS. Lâm, đây là thời điểm sốt xuất huyết vào mùa, những ngày gần đây mỗi ngày  bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 ca đến khám do nghi sốt xuất huyết. Nhưng chỉ những trường hợp rất nặng mới được nhập viện (khoảng 10 ca), số còn lại điều trị ngoại trú hoặc kê đơn thuốc về nhà.

Theo cảnh báo của ThS. Nguyễn Tiến Lâm, mùa hè là thời điểm xuất hiện bệnh viêm não nhật bản (VNNB), đây là loại bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng. Nguyên nhân dẫn đến bệnh VNNB là do xuất hiện những loài muỗi thích hút máu gia súc (ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và người) và từ đó truyền bệnh sang người. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng loại muỗi này sẽ sinh sôi, phát triển mạnh hơn nên bệnh VNNB có thể tăng hơn mọi năm.

Đề phòng bệnh VNNB cần tránh để chuồng chim, chuồng lợn, chuồng trâu bò,… gần nhà. Cần tạo điều kiện sống thông thoáng, sạch sẽ, diệt muỗi,... tiêm vắc-xin phòng bệnh.