Vùng đất Tây Nam Bộ trù phú, nổi tiếng với những sản vật tươi ngon, đa dạng từ các loại trái cây, củ quả, thực vật, động vật… Chẳng những vậy, con người nơi đây còn được ngưỡng mộ bởi sức sáng tạo không biên giới.

Đơn cử về ẩm thực, dường như bất cứ loại trái cây nào, người miền Tây cũng có thể đem đi trộn gỏi. Mà chỉ cần khéo léo kết hợp các nguyên liệu một chút là đã tạo ra những đĩa gỏi thơm mát, thậm chí gây bão trong mùa hè. 

Minh chứng rõ nhất, chính là món gỏi gà măng cụt đang làm mưa làm gió khắp “cõi mạng”. Món gỏi này vốn được coi là đặc sản đến từ “vựa” măng cụt - Lái Thiêu (Bình Dương). Thế nhưng, nó lại rất phổ biến ở các tỉnh Tây Nam Bộ và được người ta sáng tạo, gia giảm cho hợp khẩu vị miền sông nước. 

Người miền Tây còn những món gỏi từ trái cây đặc sắc chẳng kém gỏi gà măng cụt , thử một lần là ghiền ngay - Ảnh 1.

Món gỏi gà măng cụt tạo "cơn sốt" mỗi mùa hè. Ảnh: Lorca

Không dừng lại ở món gỏi với măng cụt, các loại hoa trái, tưởng chừng rất bình dị cũng được người miền Tây làm thành món gỏi.

Gỏi gà mãng cầu xiêm

Mãng cầu xiêm - “cặp bài trùng” của măng cụt hè năm nay, ngoài làm món trà hot hit thì cũng có thể trộn gỏi. Tuy nhiên, không phải chọn loại xanh non như măng cụt mà ở món này, người ta sẽ chọn trái mãng cầu già, đã chín nhưng vẫn còn cứng. Sau khi gọt vỏ, sẽ cắt thành những miếng vừa ăn và ngâm với nước đá để giữ độ giòn rồi mới mang đi trộn với thịt gà xé.

Ngoài ra, muốn món gỏi gà mãng cầu xiêm thêm phần đậm đà, dậy vị, nhiều người còn ép mãng cầu lấy nước pha với phần nước trộn gỏi. 

Miền Tây có những món gỏi từ hoa trái đặc sắc chẳng kém gỏi gà măng cụt - Ảnh 2.

Ảnh: Bachhoaxanh

Gỏi gà dâu da

Hòa chung không khí của “trend” gỏi gà, người ta còn phát hiện ra một món nữa là gỏi gà dâu da. Thật ra, công thức gia vị và cách trộn vẫn như vậy, chỉ là thay bằng loại trái cây khác. Những ngày này, dâu da đã bắt đầu chín rộ, lắc líu khắp xứ miệt vườn. Người ta có thể dùng cả hai loại dâu da chín vỏ vàng và xanh. Sau khi tách lớp bỏ bên ngoài, những múi nhỏ xinh, căng bóng sẽ lộ ra. Và nếu trộn gỏi dâu da thì bạn không cần nêm nếm quá nhiều gia vị chua bởi loại quả này đã có sẵn vị chua ngọt, giúp giải ngấy trong mâm cơm ngày hè.

Ảnh chụp màn hình

Ngoài gà luộc xé hay tôm thịt, một số gia đình còn chọn làm gỏi dâu da gà nướng, trộn thêm với ngò rí và hạt điều rang thay cho lạc. 

Thế nhưng, theo quan niệm dân gian, dù là nguồn trái cây cung cấp nhiều vitamin nhưng cũng không nên ăn quá nhiều dâu da, nhất là với những người thường có bệnh ho.  

Gỏi bưởi tôm thịt

Vào mùa bưởi, người ta cũng không thể bỏ qua món gỏi với loại quả có vị chua chua, ngọt thanh, chứa nhiều vitamin này được. Bưởi luôn sẵn có, đôi khi cả tép cũng chỉ cần quăng lưới là có một mẻ tươi ngon. Ra chợ mua thêm miếng thịt, hái thêm chút rau thơm, ớt, chanh ở ngay vườn nhà, rang một nắm lạc, xắt chút ớt. Chỉ cần tốn chừng 30 phút tách múi bưởi, chuẩn bị các nguyên liệu và vài phút thời gian nhào nhào, trộn trộn sao cho tất cả đều ngấm gia vị, vậy là có đã có một đĩa gỏi bưởi ngon lành. 

Ảnh: My Kitchies, Đặc sản miền sông nước

Món gỏi bưởi tuy làm không cầu kỳ nhưng lại có rất nhiều cách trình bày ấn tượng, đẹp mắt. Có người khéo léo ngay từ bước tách múi bưởi sẽ làm sao giữ nguyên được phần quả, để sau đó tận dụng làm bát đựng gỏi. Những tép bưởi căng mọng nằm xen kẽ cùng con tép đỏ au, miếng thịt thơm phức, điểm xuyết bằng rau răm, ớt và lạc rang, đựng trong quả bưởi xanh, người ta cứ ngẩn ngơ ngắm mãi. 

Để ăn gỏi bưởi tôm thịt đúng điệu miền Tây, ngoài chén nước mắm chua ngọt, nhất định phải có thêm đĩa bánh phồng tôm và khô cá lóc nướng trộn rau thơm. 

Ảnh chụp màn hình: Đặc sản miền sông nước

Gỏi mận 

Ở ngoài Bắc có một loại quả, người ta thường gọi là quả roi đỏ. Song, cũng hình dáng như vậy, trong Nam thường gọi là trái mận. Tùy theo giống cây nhưng trái mận miền Tây Nam Bộ thường rất được lòng bởi phần thịt xốp và mọng nước, vị ngọt nhiều hơn vị chát. 

Người miền Tây còn những món gỏi từ trái cây đặc sắc chẳng kém gỏi gà măng cụt , thử một lần là ghiền ngay - Ảnh 4.

Ảnh chụp màn hình

Và ít ai ngờ được, với loại trái cây này, người miền Tây cũng dùng để làm gỏi. Đơn giản nhất có lẽ là món gỏi mận chà bông, đúng như cái tên, chỉ cần 2 nguyên liệu chính là mận thái lát dọc theo mình trái, đem đi trộn với chà bông đậm đà.

Cầu kỳ hơn, người ta có thể đem mận trộn với tôm đồng, cùng thịt ba chỉ và một số gia giảm quen thuộc. Khi bày ra đĩa, màu của tôm, thịt, của mận, kết hợp cùng rau thơm, lạc rang, dường như hương vị của ruộng đồng và sông nước đã được hòa quyện vào đây. 

Hai cách ăn gỏi mận phổ biến ở miền Tây. Ảnh chụp màn hình: Đặc sản miền Tây sông nước, Feedy

Gỏi ốc đu đủ

Gỏi trộn trái cây với tôm, tép hay thịt đã không còn gì xa lạ. Nhưng còn trộn với ốc, hẳn nhiều người chưa từng nghĩ tới. Vậy mà, người miền Tây còn có một món là gỏi ốc đu đủ. Món này được cho là biến tấu của món gỏi đu đủ trong ẩm thực của người Khmer ở Sóc Trăng. 

Nghe tên thì lạ nhưng thực chất cách làm cũng không tốn nhiều thời gian. Người ta có thể tùy chọn một trái đu đủ xanh đem đi bào thành những sợi mỏng, chủng loại tùy thích, thường sẽ dùng loại ruột đỏ để có màu sắc bắt mắt. Còn ốc, có thể là ốc giác, nhưng cũng có thể là loại ốc đắng, song, cần ngâm và làm sạch một cách kỹ lưỡng, trước khi đem đi luộc chín với sả, gừng và khều lấy phần nhân.

Ảnh chụp màn hình: Tan Fishing, Toàn Miền Tây

So với các công thức khác, ngoài dùng rau răm thì nên có thêm rau húng quế để tăng hương vị và ăn kèm với cá lòng tong chiên bột. Gỏi ốc đu đủ thường có vị thanh mát đặc trưng, không bị chua quá, không ngọt quá mà ăn lại giòn giòn, vui miệng. 

Ngoài các loại quả thì một số loại hoa đặc trưng của sông nước miệt vườn cũng được người dân tận dụng để trộn gỏi.

Gỏi hoa bần tôm thịt

Bần - một trong những loại cây “đa-zi-năng” và phổ biến nhất ở vùng sông nước. Chúng thường tụ thành rặng ở hai bên bờ sông, giúp giữ phù sa, ngăn sạt lở. Trái bần đem đi nấu canh, nấu lẩu, làm mứt, còn hoa bần lại góp phần quan trọng làm ra món gỏi. 

Hoa bần thường nở vào mùa mưa, khoảng từ tháng 5-6 âm lịch đổ ra. Người ta sẽ hái nụ bần, mang về tách đài xanh ra rồi lấy phần nhụy và cánh màu trắng hồng bên trong, ngâm với nước muối loãng. 

Ảnh: Báo Bạc Liêu, Một Thoáng Quê Hương

Một số người thích trộn với thịt gà, tai heo khìa nước dừa, cá sặc nhưng phần lớn thích tôm thịt hơn. Tôm đem đi nướng, thịt ba chỉ thái mỏng, khế cắt lát, trộn cùng với cánh hoa bần, cũng thêm lạc, ớt và nêm nếm vừa miệng. Sự kết hợp của các nguyên liệu cho ra một món gỏi với màu sắc đẹp mắt, nước trộn chua ngọt sẽ giúp giảm vị chát của cánh hoa bần. 

Gỏi bông điên điển

Không mang sắc tím dịu nhẹ như hoa bần, bông điên điển hút mọi ánh nhìn bởi màu vàng chói lóa, rực rỡ cả một góc trời. Vào mùa nước nổi, người miền Tây thường kết hợp 2 sản vật đặc trưng là bông điên điển và tép rong xào khô, thêm chút hành tây để làm ra món gỏi thơm mát, mang vị ngọt phù sa. 

Ảnh: Vinhlongtourist

Gỏi hoa huệ chua ngọt

Ở “xứ sở” hoa huệ - Lai Vung (Đồng Tháp), người ta chế biến ra nhiều món ăn độc đáo từ loại hoa thuần khiết, vốn tưởng chỉ để cúng kiếng này. Chế biến đơn giản nhất chắc hẳn là gỏi hoa huệ chua ngọt, cầu kỳ hơn thì có gỏi hoa huệ trộn tôm.  

Hoa làm gỏi sẽ được tách cuống, trụng nước sôi rồi bỏ ra ngâm đá cho giòn. Pha phần nước chấm có tỏi băm, ớt, tiêu, nước mắm, đường và chanh. Theo mô tả của nhiều người, hoa huệ trộn gỏi có vị ngọt, thơm mát, giòn giòn, ngấm gia vị chua ngọt, kích thích vị giác.

Ảnh: Blog cây cảnh, kienthuc.net

Trước sức sáng tạo của người dân miền sông nước, chắc hẳn vẫn còn những món gỏi với trái cây khác chưa được nhắc tên ở trên đây. Vậy, bạn có biết những món gỏi nào của người miền Tây nữa không?