Đà Nẵng: Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngập nặng trong ngày 13/10. Các tuyến đường ở trung tâm thành phố như Nguyễn Văn Linh, Quang Trung, Hà Huy Tập, Đống Đa… biến thành sông khiến xe cộ đi lại khó khăn. Nhiều đoạn giao thông ùn ứ, hỗn loạn vì không thể qua. Anh Nguyễn Đình Vũ (quận Hải Châu), lo lắng: “Tôi đi làm về thấy nhiều đường ngập nên rất lo. Giờ phải khẩn trương dọn nhà, đưa xe đi gửi ở nơi cao ráo”.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, đi lại khó khăn, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường, trung tâm thông báo cho học sinh, học viên THPT, THCS và tiểu học không học bán trú trên toàn thành phố nghỉ học buổi chiều. Riêng đối với các trường tổ chức học bán trú, trẻ học lớp mầm non và học sinh vẫn học buổi chiều. Nhà trường chủ động sắp xếp thời gian, thông báo phụ huynh đón con sớm.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, từ ngày 13-15/10, Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo quận, huyện, các đơn vị chức năng chỉ đạo triển khai phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là sẵn sàng phương án sơ tán nhân dân.
Kon Tum: Chiều 13/10/2023, mưa lớn từ lúc 14 giờ khiến đường Tỉnh lộ 675 huyện Sa Thầy về thành phố Kon Tum (Kon Tum) bị chia cắt nhiều giờ, hàng trăm người và phương tiện bị kẹt không lưu thông
Quảng Nam: Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 13/10, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, địa phương đã lên phương án sẵn sàng sơ tán 5.000 dân trong vùng sạt lở. Cùng với đó, địa phương chủ động dự trữ lương thực đề phòng trường hợp mưa lớn gây cô lập; bố trí lực lượng túc trực, hỗ trợ người dân di dời, phối hợp thông đường khi xảy ra sạt lở gây ách tắc giao thông.
Chiều 13/10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho hay, trong 24 giờ qua (từ 15h ngày 12/10 - 15h ngày 13/10) các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: Đại Hiệp lượng mưa đạt 158.6mm, Cù Lao Chàm 150.0mm, hồ Phú Lộc 149.6mm, Duy Trung 147.6mm, đập Hà Thanh 145.6mm, cầu Vĩnh Điện 134.6mm, Hội An 134.6mm, Điện Ngọc 133.8mm…
Trong ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có công điện ứng phó mưa lũ trên địa bàn, yêu cầu các địa phương: Chủ động phương án phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét;
Rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...
Thừa Thiên - Huế: Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước các sông suối dâng cao, từ trưa 13/10, Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế phát thông báo khẩn yêu cầu tất cả các trường học trên toàn địa bàn dừng mọi hoạt động dạy học, cho học sinh nghỉ học kể từ chiều cùng ngày nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Trước đó, vào sáng 13/10, đã có 13/60 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT thuộc các xã vùng trũng Phong Hòa, Phong Bình, Phong Hiền, Phong Chương… (huyện Phong Điền) cho học sinh nghỉ học do trường ngập, đường sá đi lại bị mưa lũ chia cắt.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lớn kéo dài trong những ngày tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế đã phát công văn khẩn gửi Công ty CP thủy điện Hương Điền về việc vận hành hồ thủy điện Hương Điền (thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) nhằm tăng dung tích chứa, chuẩn bị sẵn sàng đón các trận lũ.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cũng yêu cầu Công ty CP thủy điện Hương Điền tổ chức thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du, theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc, trên sông Hương tại trạm Kim Long và thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo Ban Chỉ huy để có sự chỉ đạo kịp thời.
Các địa phương thuộc hạ du hồ chứa thủy điện Hương Điền nghiêm cấm mọi hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá… trên sông, hói (trừ trường hợp đặc biệt và có ý kiến chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền), thông báo đến người dân để chủ động phòng tránh.
Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh TT-Huế tổ chức trực ban vận hành hệ thống cửa đập, cống đảm bảo khả năng thoát lũ cho vùng hạ du thủy điện Hương Điền.
Hà Tĩnh: Ngày 13/10, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 60 đến 120mm, có nơi hơn 120mm. Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở huyện Kỳ Anh bị sạt lở, nhiều cầu dân sinh bị ngập sâu đến 1m, chia cắt một số vùng và cô lập nhiều hộ dân.
Ông Võ Tiến Sửu - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) cho biết, mưa lớn khiến hàng trăm m3 đất đá, cây cối sạt lở xuống mặt đường tuyến Tỉnh lộ 551. Đoạn đường sạt lở dài khoảng 50m, gây chia cắt tuyến đường qua thôn Nam Phong (xã Kỳ Phong) với thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh), khiến các phương tiện không thể lưu thông qua đoạn đường này.
Mưa lớn cũng khiến nước ở các sông lên cao, làm ngập một số tuyến đường và 7 cầu trên địa bàn huyện Kỳ Anh, gồm: cầu Lạc Trung, cầu Xuân Tiến, cầu cây Ổi (Kỳ Lạc); cầu Khe Nhơi, cầu Cao Su (Kỳ Sơn); cầu Khe Nhạ, cầu Nhà Cộ (Kỳ Thượng) và 5 tràn bị ngập: Lòi Tròn, Đất đỏ, Trại Cộ (Kỳ Trung); Khe Nhạ, Khe Rửa (Kỳ Tây). Chính quyền địa phương đã lập rào chắn, bố trí người gác trực, ngăn người dân và phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm. Các tuyến đường khác không ngập cũng được địa phương hướng dẫn cho người dân qua lại.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh thống kê trên địa bàn hiện có hơn 2.000 hộ dân với hơn 7.000 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở, tập trung nhiều ở các địa phương như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, Can Lộc...
Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ ứng phó, trong đó tổ chức rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu. Các địa phương phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.