Choáng váng vì lạm dụng miếng dán chống say

Chị Vân Anh (phường Ngọc Trạo – Tp Thanh Hóa) là người rất sợ mỗi khi đi tàu xe vì chị có tiền sử bị tiền đình. Vì thế, mỗi lần có dịp phải đi xe ô tô hay tàu, chị thường sử dụng miếng dán chống say vì cho rằng nó có hiệu quả hơn thuốc uống. Tuy nhiên trong đợt đi nghỉ mát vừa qua cùng cơ quan, sau khi chị dán hai miếng say xe ở hai bên tai khoảng 2 tiếng sau chị có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, bủn rủn chân tay… Vậy là trong suốt đợt nghỉ mát, chị luôn trong trạng thái mệt mỏi, choáng váng. 

Hay như trường hợp của chị Hà Anh còn nguy hiểm hơn. Vốn mắc bệnh “nhìn thấy ô tô là say”, chị Hà Anh quyết định dùng 2 miếng dán chống say cùng lúc cho chuyến đi dài bằng ô tô từ Hà Nội đến Cửa Lò. Trong lần đi chị thấy rất hiệu quả nên tiếp tục áp dụng cho cả lần về. Nhưng chỉ được nửa chặng đường chị đã thấy nhức đầu, rồi có biểu hiện rối loạn hành vi, ăn gì nôn ra hết, choáng váng... Về đến thành phố, chị nhanh chóng được đưa vào viện thì bác sĩ cho biết chị quá làm dụng vào việc dùng dán miếng say tàu xe nên dẫn đến hậu quả trên.

 Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, những trường hợp sau khi dùng miếng dán say tàu xe dẫn đến những tác phụ như trên không phải là hiếm. Miếng dán say xe là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Khi dán trên da, các dược chất sẽ thấm qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu. Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.

Nếu dùng quá liều, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ tác động đến hệ thần kinh, khiến người dùng bị khô miệng, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn hành vi, ảo giác... Do vậy, không được dán cao ở nơi da bị kích thích hay trầy xước, như thế sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất và có thể gây ngộ độc; không được dán lên mắt, niêm mạc, vùng da bị trầy xước, vùng da nổi mụn...

Miếng dán chống say tàu xe tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ 1
Miếng dán chống say tàu xe được coi là người bạn đồng hành hữu ích của người hay bị say tàu xe nhưng nó cũng tiềm ẩn những nguy hiểm đến sức khỏe. Ảnh minh họa

Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8 - 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán.  Những người có tiền sử bệnh tim mạch, tiền đình… nên hỏi ý kiến bác sĩ trước sử dụng. Nhiều người thường nghĩ rằng dán miếng chống say càng lâu thì càng không bị say xe. Đây là cách nghĩ sai lầm, bởi mỗi loại miếng dán đều có thời gian chỉ định, vậy không nên dán quá lâu gây quá liều. 

Tuy nhiên miếng dán say tàu xe có ưu điểm là tiện sử dụng, không có sự biến đổi hấp thu và bị chuyển hóa bởi gan như thuốc uống, có thể cung cấp được chất một cách liên tục, không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày, khi muốn ngưng điều trị, chỉ cần bóc bỏ miếng dán ra khỏi da là được. 

Thận trọng khi sử dụng miếng dán chống say

Để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng miếng dán say tàu xe. Thì chúng ta nên miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi lên tàu xe bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. 

Cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. 

Tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, rất dễ đến tai biến, ngộ độc.

Một điểm nữa cần lưu ý là khi bóc miếng dán chống say xe thì cần phải rửa tay cho thật sạch để thuốc không dính vào đồ ăn, uống, nhất là đồ ăn của trẻ để tránh những phản ứng phụ có hại cho sức khỏe.

Khi đang dán miếng dán chống say xe cảm thấy có triệu chứng bất thường  thì phải ngưng ngay bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da. Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám bác sĩ. 

Để hạn chế trong việc say tàu xe bạn nên tìm chỗ ngồi nơi thoáng mát, ngoài trời. Nếu phải di chuyển trong thời gian lâu thì nên tìm chỗ ngồi phía giữa thân tàu vì chỗ này ít bị chòng chành nhất. Trên máy bay thì tốt nhất nên chọn chỗ ngồi giữa hoặc trên cánh, tránh ngồi phần đuôi máy bay. Trên ô tô, xe lửa thì nhìn phong cảnh trước mặt, không nên nhìn sang hai bên. Ngồi cạnh cửa sổ, mở cửa kính để có gió.