Các chính sách không rõ ràng

Khi mở cửa hòn đảo Bali cho các du khách quốc tế vào tháng 10 sau gần hai năm đóng cửa chống dịch, nhiều người dân Indonesia đã hình dung về một sự hồi sinh tức thì: Những dòng người đổ về nườm nượp, mang lại sức sống tràn trề cho hòn đảo được xem là đẹp nhất của quốc gia vạn đảo. Tuy nhiên, một tháng sau khi mở cửa, Bali vẫn chưa thể lấy lại sự sôi động vốn có. Nhiều nhà hàng, cửa hàng cửa hiệu vẫn đóng cửa và hầu như không thể quan sát thấy bóng dáng của các du khách quốc tế trên những con phố vắng lặng.

 - Ảnh 1.

Bãi biển Nusa Dua vắng khách du lịch. Nguồn: Nikkei Asia

Chưa có chuyến bay từ nước ngoài nào hạ cánh xuống sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai trên đảo Bali. Đây là một sự thất vọng sâu sắc với những người làm du lịch trên hòn đảo và gây ra nỗi lo sợ rằng Bali sẽ thất thế trước những đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Họ đổ lỗi cho quá trình xin visa mất quá nhiều thời gian và mong muốn chính phủ làm nhiều hơn để giúp ngành du lịch hồi sinh trở lại.

Lo ngại về nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 mới, chính phủ Indonesia hiện vẫn buộc du khách phải cách ly. Thời gian cách ly đã được giảm từ 8 ngày xuống 5 ngày, sau đó giảm tiếp xuống còn 3 ngày, tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, như thế vẫn là quá dài và bất tiện, chưa kể quy định có phần mơ hồ. Cách ly 3 ngày là 3 ngày và 3 đêm, hay 3 ngày và 2 đêm là đủ? Dường như ngay cả chính quyền địa phương cũng không thể trả lời rõ ràng câu hỏi này. Sự không rõ ràng và không thống nhất đã khiến tất cả các chuyến bay quốc tế được lên lịch đến Bali đều bị hủy bỏ vào phút chót hoặc chuyển hướng sang thủ đô Jakarta.

 - Ảnh 2.

Sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai không bóng người. Nguồn: Nikkei Asia

Ông Richard Phelps, một khách du lịch người Mỹ cách ly tại khách sạn Novotel Tangerang ở Jakarta viết trên Facebook.

"Người giám sát cách ly của tôi nói rằng chính phủ đã giảm thời gian cách ly xuống còn 2 đêm và tôi có thể được đi lại tự do từ ngày mai."

"Thế nhưng khách sạn The Mandarin vẫn khăng khăng rằng tôi phải cách ly 4 ngày và 3 đêm", một người khách du lịch từ Hà Lan có tên Wouter van der Sluis trả lời.

Thu nhập của những người làm du lịch giảm mạnh

Trước khi Indonesia ngừng tiếp nhận du khách nước ngoài, anh David Lin, thành viên Hiệp hội Hướng dẫn viên Du lịch Indonesia đón khoảng 2.000 khách từ Trung Quốc và kiếm được 1.500 đô la mỗi tháng, mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung. Thế nhưng bây giờ anh chỉ kiếm được trên dưới 200 đô la, mà cũng không phải từ công việc hướng dẫn viên. David Lin đã chuyển sang bán sườn lợn Bali đông lạnh qua Instagram để kiếm sống. Những đồng nghiệp của anh thì rời Bali hoàn toàn. Lin cho biết số lượng hướng dẫn viên du lịch đăng ký theo bộ phận nói tiếng Quan Thoại của hiệp hội đã giảm xuống còn khoảng 100 người từ 1.500 người trước đây.

Khu nghỉ dưỡng Nusa Dua ở phía Nam Bali từng là thỏi nam châm hút khách du lịch nước ngoài. Nhưng khi phóng viên của tờ Nikkei Asia đến thăm vào giữa tháng 11, bãi biển chính của nó trống rỗng theo tầm mắt, không có ai đắm mình trong ánh nắng chói chang hay ngâm mình trong làn nước biển màu ngọc lam. Các cửa hàng và nhà hàng nhắm đến du khách nước ngoài đã bị đóng cửa. "Chúng tôi đang chuẩn bị một cái gì đó đẹp đẽ", nội dung của một bảng hiệu trên công trường, nơi dường như không có ai đang làm việc.

Một người phụ nữ từng làm nghề massage và bán đồ lưu niệm cho khách du lịch cho biết hiện tại không có khách nào đến Nusa Dua.

"Trước đại dịch, chỉ có một ngày hãn hữu là tôi không đón tiếp bất kỳ khách nào", cô nói. "Trên bãi biển lúc nào cũng đầy khách du lịch đến từ các nước châu Á."

Các vấn đề tồn tại

Để chuẩn bị cho việc mở cửa, Indonesia đã tập trung tiêm chủng cho mọi người dân trên đảo Bali, đặc biệt là những người hoạt động trong ngành du lịch. Nhờ đó, gần 70% dân số trên đảo hiện đã được tiêm phòng đầy đủ - một trong những tỷ lệ cao nhất cả nước.

 - Ảnh 3.

Một cửa hàng massage chân trên đảo Bali vẫn đang đóng cửa. Nguồn: Nikkei Asia

Tuy nhiên, những bước đó đã không giúp ích gì nhiều cho việc khởi động ngành du lịch. "Sau khi khu du lịch quốc tế của Bali khai trương vào ngày 14 tháng 10 năm 2021, cho đến nay vẫn chưa có chuyến bay thẳng nào bằng máy bay thương mại trực tiếp đến Bali", một quan chức tại Angkasa Pura I, công ty nhà nước quản lý sân bay cho biết. .

Dữ liệu từ cơ quan thống kê quốc gia cho thấy chỉ có 35 du khách nước ngoài đến sân bay trong chín tháng đầu năm, một con số dường như không thay đổi nhiều trong vài tuần qua do thiếu các chuyến bay quốc tế. Điều đó hoàn toàn trái ngược với Phuket ở Thái Lan, nơi đã chào đón hơn 200 khách du lịch nước ngoài được tiêm phòng chỉ trong một ngày khi nó mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 7.

Các thủ tục xin visa của Indonesia được xem là quá phức tạp khiến nhiều người có ý định đến đây cuối cùng đã phải từ bỏ ý định, chưa kể phí xin visa đã tăng lên đến 3,5 triệu rupiah, tương đương 250 đô la.

Tác động tiêu cực đến nền kinh tế

Sự vắng bóng của khách du lịch quốc tế đã tàn phá nền kinh tế của Bali. Tổng thu nhập trên đảo Bali đã giảm 9,3% vào năm 2020, mức giảm sâu nhất trong số 34 tỉnh của Indonesia. Trong quý 3 năm nay, nền kinh tế của hòn đảo này tiếp tục giảm 2,97% so với cùng kỳ một năm trước, trong khi GDP của cả nước Indonesia tăng 3,51%.

Không nơi nào chứng kiến sự suy thoái kinh tế rõ ràng hơn ở Kuta, một trung tâm du lịch khác trên đảo Bali, trước đây đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Hết cửa hàng này đến cửa hàng khác đã đóng cửa vì lực lượng mua sắm chính là khách du lịch quốc tế thường đi thành từng nhóm trên những chiếc xe máy đã biến mất từ lâu. "Bạn có muốn thuê bất động sản này không?" một người đàn ông hỏi khi Nikkei Asia đi qua. "Bạn biết đấy, trước COVID-19, tòa nhà này có giá 500 triệu rupiah. Bây giờ tôi có thể cho bạn thuê với giá 200 triệu."

Trên bãi biển của Kuta, những chiếc ghế nhựa nơi du khách dùng để thư giãn vẫn còn trống. Chỉ có lác đác vài khách du lịch nội địa, với số lượng còn ít hơn cả những người bán đồ lưu niệm và đồ uống vây quanh họ.

 - Ảnh 4.

Đảo Bali với vẻ đẹp hoang sơ

Nuryati, một phụ nữ ở độ tuổi 50, là một trong những người bán hàng rong không có việc gì làm. Gần đây, cô đã trở về Kuta từ quê nhà sau khi chính phủ thông báo Bali mở cửa trở lại. Cô cho biết không ai mua vòng tay "I Love Bali" của cô, vốn thường được bán với giá 10.000 rupiah. "Phần lớn khách du lịch địa phương mua các phụ kiện làm quà lưu niệm tại các cửa hàng đại lý, vì vậy, mặc dù khách du lịch địa phương ngày càng tăng nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho thu nhập của tôi", cô nói.

Đảo Bali đang tích cực vận động chính quyền trung ương giúp đỡ ngành du lịch, với các đề xuất bao gồm loại bỏ quy trình cấp thị thực rườm rà, cũng như giảm thời gian tự cách ly bắt buộc xuống còn một ngày so với thời hạn hiện tại. Văn phòng du lịch Bali cho biết họ muốn thực hiện các chính sách tương tự như các địa điểm hút khách nổi tiếng khác tại châu Á, những nơi không áp dụng chính sách cách ly bắt buộc đối với những du khách đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.

Chính quyền Bali cũng đang yêu cầu Jakarta bổ sung thêm Australia, Mỹ, Anh, Nga và Đức vào danh sách các quốc gia được phép nhập cảnh. Những quốc gia này chiếm khoảng 34% lượng du khách nước ngoài đến Bali trước đại dịch 2019.

"Rất khó để khách du lịch địa phương có thể thay thế thị trường khách nước ngoài", Dani, chủ một doanh nghiệp cho thuê ván lướt sóng trên bãi biển của Kuta, cho biết. "Các hoạt động họ thực hiện ở Bali hoàn toàn khác nhau. Người nước ngoài như người Australia thích lướt sóng ở Kuta, trong khi khách du lịch địa phương chỉ thích ngắm cảnh trên bãi biển. Du khách nước ngoài là nguồn thu không thể thay thế được".