Hôm nay, 10-11, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), chính thức được trình Quốc hội. Nhiều chuyên gia pháp lý kỳ vọng, đây sẽ là tiền đề để Thủ đô tháo những "điểm nghẽn", tăng tốc, phát triển.
Vẫn còn những "điểm nghẽn"
Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, thời gian qua, Bộ Chính trị các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (Luật) được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013) đã mang lại những hiệu quả và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Song, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, bên cạnh những kết quả, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, công trình kiến trúc cổ và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị chưa theo kịp sự phát triển của Thủ đô.
Về kinh tế, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước với sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung tăng trưởng chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng của một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế.
Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều. Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng, đặc biệt là vùng ven đô còn nhiều khó khăn. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.
Một số quy định của Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Việc này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành...
Trước thực trạng trên, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết, một mặt nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mặt khác tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Khi đã có “chiếc áo cơ chế” đủ rộng, Hà Nội sẽ có điều kiện thuận lợi để phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Chính sách phải rõ ràng, bảo đảm tính khả thi
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho rằng, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, một trong những nội dung rất quan trọng tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là vấn đề phân cấp, phân quyền.
Theo đó, dự thảo luật cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay. Những nội dung cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.
Với vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài đang nhận được sự quan tâm của người dân, dự thảo đã đưa ra các “đòn bẩy”, nhằm tạo “cú hích” trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Đó là các chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.
Cùng với đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để thu hút và giữ chân được người tài, cần lưu ý đến một số điều kiện bảo đảm khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó họ được bộc lộ năng lực sở trường, được trọng dụng là điều quan trọng hơn cả; thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, phải có quy định đặc thù về công tác quy hoạch.
Ông Lê Trung Hiếu phân tích, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Sau 12 năm thực hiện, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông). Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-3-2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 519/QĐ-TTg) đặt mục tiêu thành phố Hà Nội phải ưu tiên phát triển vận tải đường sắt đô thị đến 2030 chiếm 25%-30% và sau 2030 là từ 35%-40% ở khu vực đô thị trung tâm. Từ yêu cầu này, một giải pháp chính sách của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Dự án TOD).
Ông Lê Trung Hiếu cho hay, đưa nội dung TOD và Luật Thủ đô là rất cần thiết, đặc biệt dành cho đường sắt đô thị. Đây được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để nhà nước có thể thu hồi giá trị thặng dư từ đất và dùng chính nguồn này để đầu tư các công trình giao thông khối lượng lớn.
Cùng góp ý vào dự án Luật, TS Lê Đình Vinh, Giám đốc công ty Luật Vietthink nhấn mạnh, quy hoạch là linh hồn của một đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị đó văn minh, hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển, tạo tiền đề thu hút nguồn lực phát triển. Nếu quy hoạch không tốt sẽ khó tạo ra giá trị thặng dư, kìm hãm sự phát triển trong tương lai.
Theo TS Lê Đình Vinh, chúng ta đã làm hai tuyến đường sắt đô thị nhưng không gắn chặt với quy hoạch, chỉnh trang, tái thiết đô thị mà chỉ mới giải quyết nhu cầu trước mắt là vấn đề đi lại nên chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, trong việc phát triển TOD tới đây, cần lưu ý tới quy hoạch. Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này hoàn toàn có thể đưa ra các tiêu chí có liên quan đến công tác quy hoạch về dự án TOD như: Phải có sự quy hoạch đồng bộ của các dự án thành phần; quy hoạch đồng bộ các không gian liên quan; bố trí được nguồn lực để triển khai đồng bộ các dự án thành phần; lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong dự án TOD; các nhà đầu tư cam kết triển khai đồng bộ các dự án này...
"Nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tôi hy vọng giải pháp pháp lý này cùng với các giải pháp khác về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội sẽ giúp cho Hà Nội có thể đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội”, TS Lê Đình Vinh nhấn mạnh.