Các nhà chức trách ở Úc hiện nỗ lực tìm kiếm một viên nang nhỏ chứa phóng xạ, thứ mà họ tin rằng đã rơi ra từ một chiếc xe tải trong hành trình từ một khu mỏ trên sa mạc đến một cơ sở lưu trữ ở thành phố Perth ở Tây Úc.

Vấn đề là viên nang chỉ có đường kính 6 mm và cao 8 mm, trong khi con đường cần phải tìm kiếm kéo dài 1.400 km. Để dễ hình dung thì đó gần bằng khoảng cách của chiều dài nước ta từ Bắc tới Nam, 1.648 km.

Theo Google Maps, tuyến đường này mất hơn 12 giờ lái xe. Còn nếu phải tìm kiếm thứ gì nho nhỏ thì nhiều khả năng bạn sẽ phải đi bộ, với tốc độ khá chậm và theo tính toán sẽ mất khoảng 233 giờ.

'Mò kim đáy biển': Chính quyền Úc đang tìm một viên nang chứa phóng xạ siêu nhỏ bị thất lạc trên sa mạc - Ảnh 1.

Mô tả về viên nang chứa phóng xạ của chính quyền Úc.

Viên nang nói trên là một thành phần thường được sử dụng trong các máy đo trong công việc khai thác mỏ. Nó đang được vận chuyển an toàn bên trong một chiếc xe tải, nhưng các quan chức tại công ty khai thác mỏ Rio Tinto Iron Ore tin rằng những rung động từ chiếc xe có thể đã nới lỏng các vít giữ nó. Sau đó, người ta cho rằng viên nang đã rơi qua một lỗ trên sàn xe tải và rơi xuống đường.

Mặc dù vụ việc được cho là xảy ra vào ngày 10/1, các thông tin khẩn cấp chỉ được thông báo vào giữa tuần trước, và công bố tới công chúng hồi cuối tuần trước.

Và vì chứa phóng xạ, nó nguy tới mức cảnh báo nói rằng bất kỳ ai đi ngang qua (trong trường hợp họ có thể nhìn thấy nó) đều phải cố gắng tránh xa nó ít nhất 5 mét. Các nhà chức trách cho biết việc tiếp xúc gần có thể dẫn đến tổn thương da, bỏng và bệnh phóng xạ, bao gồm các tác động xấu đến hệ thống miễn dịch, trong khi tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư.

“Chúng tôi nhận ra điều này rõ ràng là rất đáng lo ngại và rất tiếc vì nó đã gây ra báo động cho cộng đồng khu vực Tây Úc”, CEO của Rio Tinto Iron Ore, Simon Trott, cho biết. “Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra để tìm hiểu nguyên nhân viên nang bị thất lạc trong quá trình vận chuyển.”

Có lo ngại rằng viên nang có thể đã bị kẹt trong lốp của những chiếc ô tô khác và được vận chuyển ra xa tuyến đường hiện đang được các nhà chức trách tìm kiếm.

Nhận xét về những nỗ lực miệt mài để truy tìm viên nang, giám đốc sở cảnh sát địa phương Darryl Ray cho biết: “Chúng tôi đang không cố gắng tìm một thiết bị nhỏ bé bằng mắt thường. Chúng tôi đang sử dụng máy dò bức xạ để xác định vị trí của tia gamma.”

Tham khảo digitaltrends