Đó là trường hợp của bé gái con sản phụ L.T.N.M (quê Sóc Trăng).
Theo bệnh sử, bé được sinh vào ngày 20/3 tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) khi thai đạt 35 tuần tuổi. Ngay khi chào đời bé đã có hình thù quái dị, vùng cùng cụt xuất hiện một khối bướu khổng lồ căng như quả bóng. Khối bướu khiến trọng lượng của bé khi sinh lên đến 5.2kg.
Trước đó, sản phụ đã phát hiện thai nhi bất thường khi 21 tuần tuổi nhưng vẫn theo dõi cho đến lúc lâm bồn.
Bé gái mang khối bướu quái "khổng lồ" vùng cùng cụt.
Sau sinh, bé được chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Tại đây sau khi thăm khám, các bác sĩ ghi nhận bé tỉnh, môi hồng, các chi ấm, mạch quay rõ. Bé có khối bướu vùng cùng cụt kích thước lên đến 30x30x20 cm.
Tiến hành siêu âm vùng cùng cụt, kíp điều trị phát hiện khối echo hỗn hợp kích thước rất to phát triển từ mặt trước xương cùng cụt gồm mô đặc, nang và vôi.
Từ các xét nghiệm và cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán mang u quái cùng cụt khổng lồ type I.
Bác sĩ Huỳnh Kim Quỳnh, khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, u quái vùng cùng cụt được chia làm 4 type và 3 nhóm để tiên lượng dựa vào vị trí của khối u.
Với những trường hợp type I, gần như 100 % khối u là lành tính.
U quái cùng cụt khổng lồ type I thường lành tính.
U quái cùng cụt "khổng lồ" có đường kính >10 cm (như bệnh nhi trên) rất hiếm gặp, có tỉ lệ tử vong cao. Nếu không xử lý kịp thời dễ dân đến nguy cơ tăng sinh mạch máu nhiều trong bướu, suy tim cung lượng cao, phù nhau thai.
Thông thường nếu phát hiện sớm sẽ phải chấm dứt thai kỳ trước 30 tuần.
Trước tình hình này, cuộc phẫu thuật cho bệnh nhi được tiến hành khẩn trương vào 9 giờ sáng ngày 21/3 và kết thúc trong 2 giờ đồng hồ.
Bác sĩ chăm sóc cho bé sau mổ.
Hậu phẫu, bé được cắt trọn u, mất 15 ml máu, được truyền 30 ml HCL trước và trong mổ. Khối bướu bóc ra nặng 3.1 kg, nặng hơn bệnh nhi đến 1 kg.
Khối bướu cắt ra nặng 3.1 kg.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khối bướu quá khổng lồ nên trước khi mổ bé không thể nằm sấp dẫn đến nguy cơ chèn ép đường hô hấp rất lớn.
Do đó trong quá trình phẫu thuật, bé vừa phải gây mê đồng thời phải kiểm soát vấn đề hô hấp, kiểm soát tình trạng mất máu nhiều.
Bé hiện còn nằm hồi sức tại khoa Sơ sinh.
U quái cùng cụt là loại u phát triển từ vùng cùng cụt, thường gặp ở trẻ sơ sinh với tần suất 1/40.000 trẻ sinh sống. Bệnh thường gặp ở bé gái với tỉ lệ nam/nữ mắc bệnh là 1/3.
Vì nguy cơ tử vong cao, do đó việc can thiệp sớm và có kế hoạch quản lý từ tiền sản đến sau sinh sẽ cho tiên lượng tốt hơn.