Cô Jewel Shuping (sống ở Bắc Carolin, Mỹ) sinh ra không có bất thường về thể chất nhưng lại bị ám ảnh về việc bị mù từ khi còn nhỏ. Từ năm Jewel lên 3 tuổi, mẹ cô bắt đầu bắt gặp con gái đi lang thang trong phòng khách vào ban đêm. Lên 6 tuổi, cô bé cực kỳ hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến việc mình bị mù.
Bước vào tuổi thiếu niên, Jewel Shuping bắt đầu học chữ nổi, loại chữ dành riêng cho người mù. Năm 20 tuổi, cô đã sử dụng thành thạo bảng chữ nổi.
Vào một ngày định mệnh, sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý, Jewel Shuping yêu cầu ông đổ chất lỏng thông cống vào mắt cô để thực hiện mơ ước cả đời. Vị chuyên gia tâm lý này phản đối, nhưng cuối cùng cũng bất lực đồng ý vì hiểu rõ tình trạng bệnh của Jewel Shuping.
Sau khi chất thông tắc đường ống bị đổ vào mắt, Jewel Shuping cực kỳ đau đớn nhưng vẫn không chịu đến bệnh viện ngay. Cô cố gắng trò hoãn đến 30 phút mới cho phép người khác đưa mình đi cấp cứu. Các bác sỹ cố gắng cứu đôi mắt của Jewel Shuping nhưng cô gái vẫn dần mất đi thị lực trong 6 tháng sau đó. Hiện, ở tuổi 38, cô gần như bị mù hoàn toàn.
Thế nhưng, tình trạng mất khả năng nhìn, chỉ còn lại bóng tối vây quanh lại đem đến cho Jewel Shuping cảm giác mãn nguyện. Cô thoải mái cho biết: "Tôi rất hạnh phúc, tôi cảm thấy đây mới chính là con người thật của mình".
Người phụ nữ bộc bạch: "Tôi thực sự cảm thấy lẽ ra mình phải bị mù từ khi mới sinh ra. Khi xung quanh bạn không ai có cùng cảm nhận như vậy, bạn bắt đầu nghĩ rằng mình bị điên. Nhưng đừng nghĩ tôi điên, tôi chỉ bị rối loạn thôi".
Theo các chuyên gia tâm lý, Jewel Shuping mắc hội chứng "Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID)", một căn bệnh hiếm gặp khiến bệnh nhân tin rằng cơ quan, bộ phận cơ thể nào đó (đang rất khỏe mạnh) không thuộc về mình, cần bị bỏ đi hoặc vô hiệu hóa. Họ thường tưởng tượng hoặc thực sự ra tay loại bỏ, phá hủy cơ quan này để đạt sự thỏa mãn về mặt tâm lý.
Về phần Jewel Shuping, khi được hỏi, cô nói không hối hận về quyết định của mình. Dù vậy, cô vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể điều trị được căn bệnh phức tạp này.
"Đừng mù như cách tôi đã làm. Tôi biết việc mình làm là cần thiết với mình, nhưng có lẽ một ngày nào đó sẽ có cách điều trị hội chứng BIID. Người mắc BIID có thể khiến tàu chạy qua chân, chân bị đông cứng hoặc ngã từ vách đá để cố gắng làm mình bị liệt. Điều đó rất nguy hiểm. Và họ cần sự giúp đỡ của chuyên gia", Jewel nói.