Tháng 8/2023, bé trai 11 tuổi Đông Đông đã đến phòng khám để điều trị viêm tuyến giáp. Được biết, trước đó Đông Đông đã điều trị căn bệnh này suốt 4 năm. Tuy nhiên, do bố mẹ phát hiện cổ của cậu bé đã to hơn trước rất nhiều nên lập tức đưa đến bệnh viện.
Qua nhiều bước thăm khám chuyên khoa, các bác sĩ nghi ngờ cậu bé mắc ung thư tuyến giáp và phẫu thuật là phương pháp điều trị được ưu tiên. Sau khi được sự đồng thuận từ ba mẹ, Đông Đông đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thành công. Nhờ quá trình điều trị tích cực sau đó, cả về sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của cậu bé dần phục hồi và đã được xuất viện.
Dù Đông Đông đạt được kết quả điều trị tốt nhưng so với người lớn, việc điều trị ung thư tuyến giáp ở trẻ em khó khăn hơn bởi những điểm sau:
- Ung thư tuyến giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên có tính xâm lấn cũng như tốc độ tiến triển cao hơn người trưởng thành. Nếu phẫu thuật không triệt để và chuẩn xác, khối u không những vẫn tồn tại mà còn ảnh hưởng tới dây thần kinh thanh quản, tuyến cận giáp … dẫn đến khàn giọng, tê bì chân tay, chuột rút và thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Vì vậy, phẫu thuật ung thư tuyến giáp ở trẻ gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn.
- Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, cần phải dùng thuốc để điều trị nội tiết, bổ sung thyroxine để giảm mức độ thyrotropin, từ đó ức chế tái phát khối u. Hormone tuyến giáp cũng là một loại hormone quan trọng để duy trì sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
- Phẫu thuật ung thư tuyến giáp chắc chắn sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt thyroxine trong cơ thể và cần bổ sung thêm thyroxine để đảm bảo cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Vì vậy, lượng thyroxine đường uống cần được điều chỉnh ở mức cân bằng để có thể ức chế tái phát khối u một cách hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.
- Về mặt lâm sàng, khi chẩn đoán ở nhiều trẻ em, khối u đã phá vỡ bao tuyến giáp, thậm chí đã xâm lấn vào dây thần kinh thanh quản quặt ngược, khí quản và thực quản lân cận, gây di căn hạch cổ lan rộng. Ung thư tuyến giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên rất dễ bị bỏ sót trên lâm sàng hoặc bị chẩn đoán nhầm là bệnh hạch cổ nên cha mẹ cần lưu ý.
Tại sao mắc ung thư tuyến giáp khi còn trẻ?
- Ảnh hưởng của bức xạ ion hóa ở thời thơ ấu, bao gồm việc đeo một số đồng hồ huỳnh quang và tiếp xúc lâu dài với tia X là những yếu tố nguy cơ rõ ràng, trực tiếp nhất.
- Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp lâu ngày như viêm tuyến giáp, viêm miễn dịch ở tuyến giáp… có thể làm tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư.
- Thừa cân, béo phì cũng có thể liên quan đến sự xuất hiện của ung thư tuyến giáp ở trẻ, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp ở tuổi trưởng thành.
- Thiếu iốt hoặc hấp thụ quá nhiều khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc xuất hiện các bệnh về tuyến giáp và tăng khả năng xuất hiện ung thư tuyến giáp ở một mức độ nhất định.
- Ngoài ra, ung thư tuyến giáp ở trẻ em còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường và dinh dưỡng khác như kim loại nặng, phụ gia thực phẩm, các chất gây ung thư trong môi trường.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư tuyến giáp ở trẻ em?
- Cố gắng tránh tác động của tia X và bức xạ ion hóa lên đầu và cổ của trẻ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng i ốt, không nên ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng iốt cao như hải sản, tảo bẹ, đồ muối chua…
- Tránh sử dụng estrogen cho trẻ em vì dễ gây ung thư tuyến giáp
- Tích cực tập thể dục, nâng cao khả năng miễn dịch và khả năng kháng bệnh, giữ tinh thần vui vẻ cũng là những khía cạnh quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật.
Ung thư tuyến giáp ở trẻ em thường xuất hiện dưới dạng khối u không đau ở cổ. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra xem trẻ có khối u ở cổ không. Khi phát hiện trẻ có nhân tuyến giáp, cần xác định nguyên nhân để chẩn đoán và điều trị sớm.
Nguồn: sohu