Vào một chiều thứ 7 yên ả ở Hà Nội, những người dân buôn bán tất bật giao hàng, người đi dạo phố, người tận huởng ngày cuối tuần bình lặng trôi qua. Rồi bỗng dưng vụ nổ lớn làm rung chuyển cả một khu đô thị ở Hà Đông, những mảnh gương vỡ bay khắp trời, khói lửa bốc lên cùng với hàng chục dãy nhà nứt vỡ, tan hoang. Cảnh tượng mà không ai nghĩ nó lại xảy ra trong thời bình. Và khi biết nguyên nhân gây ra thảm kịch kinh hoàng này, người ta lại càng đau đớn, tức giận hơn.

Trong đống đổ nát, hình ảnh hai mẹ con nằm sấp xuống mặt đường bên những vỉ trứng gà lăn lóc, ngổn ngang, lại khiến trái tim người dân một lần nữa thắt nghẹn. Khi khói lửa chưa tàn, báo cáo nhanh của chính quyền thành phố xác nhận thông tin đứa bé 8 tuổi cùng người mẹ đi giao trứng ngang qua khu vực này đã tử vong. Một người đàn ông đi đường cũng đã bỏ mạng cùng với hai mẹ con họ, rất nhiều người khác bị thuơng và đến thời điểm hiện tại vẫn còn nạn nhân đang chống chọi với tử thần.

 - Ảnh 1.
Người đàn ông khóc ngất tại hiện trường khi nhìn thấy thi thể con dâu và cháu nội của mình - (Ảnh: Facebook Đức Thuận).

Người thân của hai mẹ con đã chạy đến hiện trường, khóc ngất khi chia sẻ rằng bé gái chỉ mới học lớp 1, hôm ấy không đi học nên cùng mẹ đi giao trứng và gặp nạn.

Khi nguyên nhân được công bố rằng do một người đàn ông làm nghề thu mua phế liệu đã dùng đèn khò cắt một vật liệu chế tạo bom để lấy sắt đem bán, không ít người bàng hoàng xen lẫn phẫn nộ.

Họ phẫn nộ khi không hiểu sao một trái bom lại có thể "ngang nhiên" tồn tại giữa khu dân cư đông đúc như thế. Và rồi cái hành động dùng đèn khò để cưa cắt kim loại đem bán như mọi ngày của anh Cường, đã cướp đi sinh mạng của chính anh và bao người vô tội khác.

Họ bàng hoàng vì nghĩ rằng trong một khoảnh khắc nào đó, ở hoàn cảnh tương tự, với một hành vi không kiểm soát được của một cá nhân bất kì, họ cũng có thể giống như những con người đã nằm trong đống đổ nát ngoài kia.

Mỗi năm, Việt Nam có trên 1.500 người chết và trên 2.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại trong chiến tranh gây ra. Trong đó, có không ít người tìm kiếm và buôn bán vật liệu chưa nổ. Những vụ việc đau lòng đó hẳn tất cả đều đã từng nghe qua. Vậy mà tại sao...

"Mình vừa đi ngang khu vực này được 20 phút. Trời ơi, nếu nán lại một chút thôi mình cũng đã bỏ mạng rồi".

"Ngày nào tôi cũng đi làm ngang qua đây, đáng sợ quá!".

 - Ảnh 2.
Cách hiện trường vụ nổ lớn tại KĐT Văn Phú chiều ngày 19/3 khoảng 30 mét, 1 con thú bông mới tinh nằm lăn lóc ở vỉa hè khiến nhiều người rưng rưng bởi theo người dân thì rất có thể đây là món quà mà 1 cháu bé đã tử vong trong vụ tai nạn đang sở hữu. (Ảnh: Afamily/Trí thức trẻ)

Đó là những gì người dân đã thốt lên khi chứng kiến vụ nổ nghiêm trọng ở thành phố mình. Có lẽ chưa bao giờ nỗi sợ của người dân thủ đô lại trở nên ám ảnh đến thế, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, không thể đoán trước, không thể phòng thủ, không thể phản kháng. Mỗi ngày ra đường, tôi cũng như họ, cũng cầu mong mình sẽ... không chết.

Nhìn đứa bé 8 tuổi nằm cạnh mẹ của em bên hoang tàn khói lửa, tôi lại nhớ đến đoạn status đau lòng của một người mẹ khác - chị Nguyễn Thị Thi, mẹ của bé Trần Gia Hân, 7 tuổi, bé gái bỏ mạng vì tài xế xe Camry chạy ngược chiều tông thẳng vào em và ông nội ở phố Ái Mộ. Trên facebook, chị nói rằng đã rất hối hận vì đã không bảo vệ được con mình. Nhưng, cũng như em bé ở Văn Phú, chúng ta sẽ bảo vệ những người thân mình bằng cách nào trước những hiểm nguy ập đến không báo trước như thế?

 - Ảnh 3.
Người mẹ ôm quan tài con gái 7 tuổi chết trong vụ tai nạn xe Camry - (Ảnh: Vietnamnet).

"Phía trước tay lái là sự sống" - Một câu nói đã được dùng để tuyên truyền ý thức và cảnh tỉnh những người tài xế trên đường sau vụ xe Camry. Thế nhưng không chỉ tài xế, mà một người thu mua phế liệu hay một người tài công điều khiển sà lan trên sông, cũng có thể vô tình gây ra tội ác với người khác, chỉ vì sự bất cẩn và vô tình của chính mình.

Tôi rất sợ khi nghĩ rằng bằng những hành vi hết sức dễ dàng, một cú đạp nhầm chân ga, một lúc ngái ngủ khi cầm bánh lái, một hành vi thiếu hiểu biết hay một suy nghĩ ích kỷ chỉ vì hám lợi trước mắt, người ta có thể khiến cho một đứa bé mất mẹ, một người cha mất con và tương lai của một con người bị phá hủy.

Hãy làm sao đó để không chỉ những người lái xe cần phải ngồi sau vô lăng bằng cả lí trí và trái tim, những người buôn bán phế liệu hãy cố-gắng-biết-rõ hơn về thứ mình đang cưa cắt, mà bất cứ ai đó, sống giữa cộng đồng, cũng biết sống có ý thức hơn.

Để mỗi khi ra đường, mỗi người lại không phải thấp thỏm cầu mong hôm nay mình được an toàn để trở về nhà, mà không gặp phải một thứ tai bay vạ gió nào đó!