Mẹ tôi nói rằng: “Đàn ông ly hôn thì đã sao, người ta vẫn trẻ lại còn giàu nữa, mẹ thấy cũng được đấy chứ".
Bà bảo tôi năm nay 28 tuổi rồi mà vẫn không có bạn trai, hàng xóm nói ra nói vào, nhỡ sau này lớn tuổi rồi thì sinh con sẽ rất khó khăn. Tôi rất khó chịu, hàng xóm thích nói gì thì mặc kệ cho người ta nói đi, cuộc sống của tôi đâu có cần họ sống hộ, sinh con cũng là quyền tự chọn của người phụ nữ chứ đâu phải nghĩa vụ bắt buộc.
Khác biệt thế hệ
Suy nghĩ của tôi và mẹ khác nhau, có lẽ là do khác biệt tư tưởng thời đại. Tôi sinh ra ở vùng nông thôn, 18 tuổi thì vào thành phố học đại học, tốt nghiệp xong cũng không về quê mà ở lại thành phố làm việc, cứ thế 10 năm xa quê.
Mẹ tôi theo quan niệm truyền thống, bà muốn tôi học xong thì về quê tìm một công việc ổn định, sớm lấy chồng sinh con. Còn tôi, tiếp xúc với cuộc sống mới, tôi lại muốn trở thành một người phụ nữ độc lập, có bản lĩnh, có sự nghiệp cho riêng mình. Mẹ tôi cứ mở miệng ra là giục tôi con gái phải thế này thế kia, sinh con là quan trọng nhất, muốn tôi mau chóng ổn định cuộc sống, thi công chức như chị họ, làm giáo viên như em họ, như thế thì cuộc sống mới hạnh phúc.
Tôi lại chỉ thích nghe và tìm hiểu những câu chuyện về những người phụ nữ làm chủ, có thể tự mình làm nên nghiệp lớn, gia đình không phải nơi quay về duy nhất của một người phụ nữ. Tư tưởng lạc hậu của mẹ tôi nên sớm được cắt bỏ đi mới phải. Thế nên, những cuộc nói chuyện của tôi và mẹ không bao giờ kết thúc trong sự tốt đẹp. Giống như việc hai mẹ con tôi cùng ở trong một cái giếng, nhưng có một ngày tôi bám được vào dây thừng, leo ra khỏi giếng, được ngắm nhìn bầu trời rực rỡ sắc màu bên ngoài. Còn mẹ tôi vẫn ở lại trong giếng, mẹ bảo tôi ở đây thoải mái lắm, con quay về đi. Đầu óc tôi có vấn đề đâu mà quay trở lại cái giếng, quay lại giếng thì công mẹ nuôi tôi ăn học chừng ấy năm trở thành công cốc hết rồi.
Nếu như tôi chỉ tốt nghiệp cấp 1, ở quê làm công nhân thì có lẽ tôi sẽ sống theo ý muốn của mẹ. Nhưng không, lúc còn nhỏ mẹ nói với tôi phải học hành chăm chỉ, thi đỗ đại học mới vẻ vang được. Bây giờ đang đúng lúc vẻ vang, mẹ lại bảo tôi quay về cuộc sống như trước kia, làm sao tôi nghe theo được? Mẹ nói học hành thay đổi số phận, giờ tôi đang thay đổi, mẹ lại ngáng chân tôi, sao có thể thế được?
Người mẹ tự hạ thấp con gái mình, giới thiệu cho con những người một lần đò
Lúc học đại học, tôi có người yêu. Tốt nghiệp xong, chúng tôi ở lại thành phố làm việc, thuê một căn phòng để ở chung. Lúc mẹ biết tôi sống chung với bạn trai, mẹ mắng tôi một trận té tát, còn bắt tôi chuyển ra ngoài ở một mình. Tất nhiên là tôi không đồng ý, thế nhưng không lâu sau đó, bạn trai đề nghị chia tay, khiến tôi đến bây giờ vẫn nghi ngờ rằng chính mẹ là người ép bạn trai tôi phải làm vậy.
Lúc chia tay, tôi mơ mơ màng màng không hiểu chuyện gì xảy ra, bạn trai tôi chỉ nói anh mệt rồi, không muốn tiếp tục nữa. Tôi về nhà hỏi mẹ, mẹ không khẳng định cũng chẳng phủ định, chỉ bảo sống chung cùng bạn trai thì không có tương lai, chia tay rồi thì tốt. Thực ra, “không có tương lai” trong mắt mẹ tôi chính là điều kiện gia đình hai chúng tôi tương đương nhau, sau này kết hôn nhà trai không mua nổi nhà trong thành phố.
Càng nực cười hơn là mẹ sau khi quyết tâm chia rẽ chúng tôi xong thì ngày nào cũng khuyên tôi mau chóng lấy chồng. Sau này tôi nghĩ thông, có lẽ mẹ tôi đã có kế hoạch rõ ràng, muốn tôi về quê sống như ý bà, nhưng nửa đường lại nhảy ra một anh bạn trai, thế nên bà phải chia rẽ uyên ương, rồi nhét đối tượng mà bà thích vào để hoàn thành kế hoạch của mình.
Có 3 lần liên tiếp tôi về nhà, mẹ không nói không rằng mà dẫn người lạ về ăn cơm, tôi liếc qua là biết mẹ đang cố gán ghép tôi với người đó. Bực hơn là mẹ dẫn về 3 người đàn ông thì có 2 người tuy không quá lớn tuổi nhưng đều có một đời vợ, còn người thứ 3 thì có cả con rồi. Lần thứ nhất thì tôi còn nhịn, nhưng thái độ cũng lạnh lùng, khiến cho mọi người tan rã không mấy vui vẻ. Lần thứ 2 và thứ 3 tôi không thèm nhịn nữa mà đuổi người ta về luôn. Từ lần đó, có kì nghỉ nào mà không quá quan trọng thì tôi nhất quyết không về nhà.
Ở quê hương không tìm được tiếng nói chung
Chắc trong số những người con xa quê chỉ có mình tôi là không thấy nhớ nhà. Bởi chỉ cần tôi về quê, ra đường gặp họ hàng hay hàng xóm láng giềng, câu hỏi đầu tiên lúc nào cũng liên quan đến chuyện cưới hỏi. Chẳng có ai quan tâm tôi đi làm có vất vả không, mệt mỏi không, ở thành phố một mình có gặp chuyện gì không vui không. Họ chỉ nói tôi năm nay 28 tuổi rồi, sắp già rồi, phải lấy chồng đi thôi.
Trong mắt họ, một cô gái 28 tuổi chưa lập gia đình như tôi cứ như mắc tội gì đó lớn lắm. Không chỉ thế, kể cả những người bạn cũ ngày xưa của tôi giờ đi làm ở quê cũng vậy, chúng tôi thật sự không có chủ đề chung để nói. Có những người bạn cùng tôi thắt bím tóc, chơi nhảy dây, chơi đồ hàng từ bé, Tết đến hẹn nhau ăn một bữa cơm, nhưng họ chỉ toàn nói đến chuyện đi xem mắt, cưới chồng mà thôi.
Tôi có một cô bạn cực kì thân thiết, năm ngoái mẹ cô ấy cũng giới thiệu một người cho con gái. Ban đầu cô ấy không thích, thế nhưng nghe họ hàng khuyên nhủ, cô ấy lại quyết định cưới người đàn ông đó. Tôi hỏi cô ấy đây là chuyện liên quan cả đời người, sao cậu lại dễ dàng thoả hiệp như thế? Cô ấy nói, cũng nên để tâm đến cảm nhận của bố mẹ một chút, dù gì thì kết hôn cũng không phải chuyện của một mình cô ấy, con gái lấy chồng sớm cũng tốt hơn. Tôi cạn lời luôn, người bạn thân thiết hồi nhỏ của tôi giờ lại giống hệt mẹ tôi. Lúc đó tôi ý thức được rằng, nếu vẫn còn muốn tiếp tục sống theo sở thích của mình, tôi nhất định không được về quê, nếu không, dưới sức ép của người thân xung quanh, tôi sẽ dần bị "tẩy não" lúc nào không biết.
Không sợ hãi hôn nhân, không vội vã lên xe hoa
Thực ra tôi không phải người theo chủ nghĩa độc thân không kết hôn. Tôi cũng có hy vọng vào hôn nhân, thế nhưng tôi sẽ không mù quáng kết hôn, cũng tuyệt đối không chấp nhận cuộc hôn nhân mà mẹ sắp xếp cho tôi. Bố mẹ hay khuyên tôi sớm lấy chồng là bởi họ nghĩ rằng sau khi kết hôn cuộc sống sẽ ngày càng tốt lên.
Tôi cũng chẳng hiểu họ lấy đâu ra tự tin để nói câu đó, bởi chính cuộc hôn nhân của họ cũng đâu ra làm sao. Hai người tính cách khác biệt quá lớn, từ bé đến lớn không ít lần tôi nghe bố mẹ tranh cãi, họ có thể cãi nhau vài tiếng đồng hồ chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt như ai rửa bát, ai giặt quần áo. Bố mẹ cãi nhau quá nhiều cũng không tốt cho con nhỏ, có thể tạo bóng ma tâm lý cho con cái sau này, khiến chúng sợ hãi hôn nhân. Tôi muốn một người chồng mà chúng tôi có thể thấu hiểu, bao dung lẫn nhau, chứ không phải sớm tối cãi cọ. Nếu không tìm được, cả đời này tôi không kết hôn cũng không thành vấn đề. Tôi thà sống cảnh cô đơn về già còn hơn là chịu đựng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.