Những người phụ nữ đã trải qua thời kì mãn kinh sớm có thể bị lão hóa nhanh hơn so với những chị em khác. Theo các nhà khoa học, điều này có liên quan tới số lượng trứng của họ.
Số lượng trứng của một người phụ nữ không chỉ cho thấy khả năng sinh sản của họ mà còn có ảnh hưởng đến tuổi thọ. Cụ thể, nó có thể là "đầu mối" dự đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim. Thông tin này được đưa trên tạp chí New Scientist.
Những nghiên cứu trước đây cho rằng những người phụ nữ thường có 300.000 tế bào trứng từ khi sinh ra. Thời kì mãn kinh xảy ra ở độ tuổi 45-55 được coi là bình thường nhưng nếu nó trải qua trước khi 40 tuổi thì được coi là mãn kinh sớm.
Một nghiên cứu của trường Đại học Alabama (Mỹ) nhận thấy những phụ nữ trải qua một thời kì mãn kinh sớm sẽ có nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong cuộc sống sau này cao gấp đôi so với những phụ nữ khác mãn kinh đúng thời điểm.
Buồng trứng có nhiệm vụ sản sinh các hormone estrogen, các hormone điều chỉnh chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ. Vì vậy, khi buồng trứng ngừng hoạt động, mức độ estrogen giảm xuống, dẫn đến quá trình mãn kinh.
Tuy nhiên estrogen cũng có tác dụng bảo vệ tim - vì vậy sau khi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên. Phụ nữ sau mãn kinh thường bị tăng cân, đặc biệt mỡ xung quanh vùng bụng tăng lên, điều này càng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là tim mạch.
Nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y học sinh sản ở Hawaii, cho rằng quá trình mãn kinh còn có ảnh hưởng xa hơn là dẫn đến lão hóa sớm.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu xem những phụ nữ mãn kinh sớm có bị lão hóa nhanh hơn bình thường hay không.
Số lượng trứng của một người phụ nữ không chỉ cho thấy khả năng sinh sản của họ mà còn có ảnh hưởng đến tuổi thọ và nguy cơ mắc bệnh tim. Ảnh minh họa
"Có lẽ những người phụ nữ trải qua thời kì mãn kinh sớm có tốc độ lão hóa khác nhau", nhà nghiên cứu, giáo sư Marcelle Cedars, thuộc trường Đại học California, San Francisco, nói với New Scientist.
Cô và nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của hơn 1.000 phụ nữ tuổi từ 25-45 cho mức độ sự trữ buồng trứng (anti-Müllerian hormone - số lượng trứng còn trong buồng trứng). Số lượng trứng còn lại có thể được xác định bằng cách siêu âm và độ tuổi sinh học của mỗi người được ước tính bằng cách đánh giá telomere. Telomere là những cấu trúc nhỏ xíu có nhiệm vụ bảo vệ DNA khỏi bị hư hại và là một chỉ số về sức khỏe.
Khi chúng ta già, lão hóa, telomere sẽ ngắn đi, dẫn đến DNA trở nên hư hại và nâng cao tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tuổi như Alzheimer, tiểu đường và bệnh tim.
Telomere ngắn hơn so với trung bình được xem là một dấu hiệu của nhiều bệnh tật và tử vong sớm.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy phụ nữ có số lượng trứng thấp hơn thì có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Tuy nhiên họ cũng có telomere ngắn hơn - có nghĩa là họ có nguy cơ cao với các bệnh như Alzheimer và tiểu đường.
Giáo sư Cedars cho biết: "Chúng tôi cho rằng buồng trứng có thể nhạy cảm hơn với các quá trình lão hóa và số lượng trứng có thể góp phần làm cho quá trình lão hóa diễn ra nhanh hay chậm".
(Theo DailyMail)