Áp dụng chế độ ăn lành mạnh đem lại rất nhiều lợi ích, từ việc giảm cân, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh đến cải thiện sức khỏe tổng thể. Không những vậy, một loạt các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tiêu thụ thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tâm trạng.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cell vào năm 2015, hơn 90% hormone "hạnh phúc" serotonin đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh tâm trạng, đều đến từ đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa thể tìm ra một chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện cảm xúc con người. Monica Auslander Moreno, nhà tư vấn dinh dưỡng tại Hãng RSP Nutrition giải thích: "Chúng tôi đang tìm hiểu tác dụng của một số chất dinh dưỡng, bao gồm axit béo omega-3, vitamin D và thực phẩm lên men, tới khả năng nhận thức, cảm xúc và thái độ ứng xử. Tuy nhiên, kết quá của nghiên cứu vẫn còn quá sớm để đưa ra khuyến nghị về một chế độ ăn giúp tăng cường tâm trạng".
Mọi người không nên quá "ảo tưởng" về tác dụng của thực phẩm đối với tâm trạng. Chuyên gia Moreno cũng nhấn mạnh, tiêu thụ một số loại thức ăn hoặc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh không thể điều trị vấn đề sức khỏe tâm lý. Việc làm này chỉ tạo cho bạn cảm giác vui vẻ và có cái nhìn tích cực trong cuộc sống.
Dưới đây là những tác động tích cực lẫn tiêu cực của thực phẩm đối với tâm trạng:
Giảm triệu chứng trầm cảm
Theo một nghiên cứu được công bố Tạp chí PLoS ONE, thay đổi chế độ ăn lành mạnh hơn trong một khoảng thời gian ngắn sẽ hạn chế các triệu chứng trầm cảm.
Sau 3 tuần thử nghiệm, những người tiêu thụ nhiều trái cây, rau, cá và dầu ô-liu thay cho thực phẩm đã qua chế biến ít gặp phải suy nghĩ tiêu cực hơn trước. Trong khi đó, số người còn lại vẫn áp dụng chế độ ăn như trước đây không có dấu hiệu cải thiện tâm trạng.
Ngăn ngừa lo âu
Một nghiên cứu vào 1/2017 được công bố trên Tạp chí BMC Medicine đã chỉ ra, chế độ ăn giàu sản phẩm đến từ thực vật như chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải, giúp giảm lo âu đáng kể.
Trong suốt 12 tuần, 33 người tham gia nghiên cứu đã đưa nhiều ngũ cốc, cá, các loại hạt và rau vào khẩu phần ăn mỗi ngày. Kết quả cho thấy, những triệu chứng trầm cảm và lo lắng đã cải thiện rõ rệt mà không cần tới sự can thiệp của thuốc.
Có thể tạo cảm giác hạnh phúc
Một nghiên cứu trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ vào năm 2016 với sự tham gia của hơn 12000 người Úc đã phát hiện thấy, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả tăng cường sự thỏa mãn, hạnh phúc trong công việc lẫn cuộc sống. Trên thực tế, tăng khẩu phần rau củ quả sử dụng mỗi ngày tạo nên cảm giác vui vẻ tương đương với việc trúng tuyển vào công ty sau khi bạn thất nghiệp.
Ngoài ra, bạn không phải tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh trong thời gian dài để gặt hái tất cả lợi ích. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những tác động tích cực trở nên rõ ràng trong vòng hai năm khi áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, lựa chọn không đúng thực phẩm cũng có thể khiến cho tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
Như đã đề cập, thực phẩm và tâm trạng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, nếu không quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, tâm trạng của bạn sẽ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn. Eliza Savage, bác sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa tại trung tâm Middleberg Nutrition cho biết, rất nhiều người coi tiêu thụ thực phẩm kém lành mạnh, chứa nhiều đường và đã qua chế biến như một cách để giải tỏa cảm xúc khó chịu.
Kết quả nghiên cứu đến từ Tạp chí Appetite đã chỉ ra, những người càng hấp thụ nhiều calo, chất béo bão hòa và natri thì tâm trạng của họ càng có xu hướng trở nên tiêu cực trong hai ngày sau đó.
(Nguồn: Livestrong)