Nhà nước chi cho giáo dục đại học chỉ từ 0,25%-0,27% GDP. Đây là con số đáng chú ý trong Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị về Tự chủ đại học.
Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho giáo dục ĐH cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam: Thái Lan 0,6 - 1%. Ngân sách Nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên. Nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo còn hạn chế".
Hiện hàng năm Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên. Trong khi đó: Đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường đến từ học phí với tỉ lệ 70-80%.
PGS - TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: "Không tăng học phí, áp lực với nhà trường, làm thế nào giữ chân giảng viên là áp lực khó khăn rất lớn với nhà trường đặc biệt với những trường tự chủ nhưng phải chi thường xuyên vẫn phải áp dụng Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước".
Với Nghị định mới của Chính phủ về học phí, các trường ĐH tự chủ được phép thu tối đa gấp từ 2 - 2,5 lần trường chưa tự chủ. Thực tế trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều trường ĐH tăng từ 30 - 70%.
Theo PGS.Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: "Muốn nâng cao chất lượng thì cần phải tăng chi phí đủ mà nếu đủ chỉ nghĩ trên đầu sinh viên thì sẽ tăng rất cao".
Rõ ràng việc tăng học phí sẽ là một gánh nặng lớn với sinh viên nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo. Vì thế dù mục đích tự chủ ĐH là nâng cao chất lượng nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập.