6h30 sáng nay, nhiều người trong chúng ta còn chưa tỉnh giấc, thì một vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại ngõ 250 Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội). Chiếc ô tô Toyota Camry do một nữ tài xế cầm lái, trong lúc lùi xe đã húc trúng một xe máy khiến người phụ nữ trung niên bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Lại một vụ tai nạn nữa liên quan đến ô tô mà chúng ta gọi là "xe điên", và lại thêm một nạn nhân nữa ra đi quá đột ngột. Trước đó 9 ngày, 2 người phụ nữ 43 tuổi tử nạn bởi một kẻ say rượu, chỉ chục ngày sau khi cô lao công Lê Thị Thu Hà bị đâm chết trên đường Láng, cũng bởi một tài xế mà khi bị người dân bắt giữ còn đang rất "phê pha".

Nghĩa là chưa đến một tháng, những cái chết cứ nối tiếp xuất hiện, trong vòng luẩn quẩn của sự đau đớn và giằng xé.

Mỗi ngày ra đường là một cuộc chiến: Chiến đấu để sống sót trở về trước những chiếc xe điên, những tài xế say rượu lao đến trong vô thức... - Ảnh 1.

Vụ tai nạn sáng 10/5 khiến một phụ nữ tử vong thương tâm.

Có ai đó từng nói, ở Việt Nam, khi tham gia giao thông thì phải biết chấp nhận rủi ro rình rập. Không thể trách ai, vì bản thân chúng ta nhiều lúc cũng đi ẩu. Phải chăng bây giờ ra đường là cả một cuộc chiến và không ai biết liệu bản thân có thể trở về nhà một cách an toàn không? Dù là đi trong ngõ, đi bộ, đi cẩn thận, đi bất cứ đâu, vẫn rất dễ trở thành nạn nhân của một chiếc xe "điên" nào đó!

Xe "điên" bản chất không "điên", nói như vậy là oan cho xe, vì bản thân cái xe đâu có tội. Nếu muốn, cần gọi chính xác hơn là "xe-có-tài-xế-điên", bất kể phương tiện nào. Họ không thể kiểm soát chân ga, chân phanh. Họ say xỉn. Họ ngáo đá. Rồi họ gây hoạ cho người khác và chính bản thân mình.

Mỗi ngày ra đường là một cuộc chiến: Chiến đấu để sống sót trở về trước những chiếc xe điên, những tài xế say rượu lao đến trong vô thức... - Ảnh 2.

Ai trong số chúng ta, một ngày nào đó khi ra đường, dù đã cầu nguyện trở về nhà an toàn thì vẫn có thể trở thành nạn nhân của bất cứ chiếc xe nào.

Chúng ta sợ mình sẽ là một phiên bản khác của chị lao công Lê Thị Thu Hà, cả một đời tần tảo, sống khổ, đến cái chết cũng khổ. Kể từ hôm đó, tiếng chổi tre của chị Hà để lại, ngày hôm sau đành phó thác cho người cõi tạm. Chị ra đi khiến người ở lại giật mình thảng thốt, uống rượu khi lái xe thì không khác gì cố ý cầm dao đi giết người.

Chúng ta sợ mình sẽ là một phiên bản khác của chị Quỳnh, chị Yến, những người phụ nữ xinh đẹp, sôi nổi, bỗng một ngày nằm xuống không kịp nửa lời trăng trối. Rượu, đương nhiên không đâu rẻ và dễ uống như ở Việt Nam. Nhưng cũng chẳng ở đâu, cái chết do rượu, bia gây ra lại kinh khủng như ở Việt Nam.

Chúng ta sợ mình sẽ là một phiên khác của nữ nạn nhân sáng hôm nay. Đi xe máy trong ngõ nhà mình, nhưng tử thần cũng không mảy may buông tha. Lúc xảy ra tai nạn, nạn nhân đang trên đường đi mua thịt về, ý định xong việc sẽ đi nhận lương. Ngỡ đâu mọi công việc hàng ngày vẫn làm, nhưng lại phải chết tức tưởi dưới bánh xe ô tô, chờ ngày nằm lạnh lẽo dưới 3 tấc đất.

Chúng ta sợ mình sẽ là một phiên bản khác của 2 người phụ nữ đi bộ trên vỉa hè, nhưng cũng bị xe "điên" tông tử vong vào năm 2017.

Vậy, còn loại phương tiện nào, địa điểm nào, đủ an toàn cho chúng ta? Mỗi ngày ra đường không còn là một ngày vui, một ngày hớn hở dõi theo ánh mặt trời, mà thay vào đó là một cuộc chiến không bao giờ có hồi kết.

Sau chị Hà, chị Yến, chị Quỳnh, lại có thêm một nạn nhân nữa ra đi do tai nạn giao thông.

Từng nạn nhân nằm xuống do tai nạn dù già hay trẻ, vẫn còn nhiều năm cuộc đời phía trước, còn cả gia đình phải chăm sóc, yêu thương. Bởi lẽ có những nỗi đau mà không ngôn từ nào có thể tả xiết, nhất là sự chia ly. Một người vĩnh viễn ra đi, trăm người ở lại đau đáu khôn nguôi. Oan nghiệt một điều, tính mạng là của chúng ta, nhưng quyền định đoạt sống-chết lại rơi vào tay kẻ khác.

Có những người là mẹ, là bố trẻ con. Có cả những thanh niên còn cả tương lai rộng mở phía trước. Cái chết ập đến bất ngờ, kẻ gây ra hậu hoạ có muốn hối hận cũng không đủ để "trả" hết nợ đời.

Mỗi ngày ra đường là một cuộc chiến: Chiến đấu để sống sót trở về trước những chiếc xe điên, những tài xế say rượu lao đến trong vô thức... - Ảnh 4.

"Buổi sáng còn chào mẹ đi làm, còn thưa ba đi học mà không ai nghĩ đó là lời chào cuối cùng".

"Người vợ còn bảo tối anh về ăn cơm, em mua thịt bò làm món anh thích, nhưng anh đi mãi không về".

"Mẹ hứa con đỗ cấp 3 sẽ mua xe, mà đêm đó mẹ đi làm miết. Mẹ hoá thành hư vô, còn con bỗng biến thành đứa trẻ mồ côi".

"Mẹ ơi, sao mẹ bỏ con đi vội vàng. Con đau, con gào thét, giờ con phải làm thế nào...".

Mỗi ngày ra đường là một cuộc chiến: Chiến đấu để sống sót trở về trước những chiếc xe điên, những tài xế say rượu lao đến trong vô thức... - Ảnh 5.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong ba tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 814 tài xế ô tô.

Đừng nói bia rượu hay ma tuý là nguyên nhân của mọi tai nạn. Uống bia rượu không có lỗi, lỗi chính là ở ý thức con người. Nếu bạn xác định mình uống bia rượu thì làm ơn bắt một cái taxi về nhà. Nhiều người lái xe tinh vi lắm, "uốn éo" lắm, nhưng đến lúc gây hậu quả thì cũng chỉ biết khóc, hoảng sợ, bỏ trốn khỏi hiện trường vì việc đã rồi. Kể cả khi nhiều tiền hay không có tiền, thì chỉ giỏi tiếc mấy chục nghìn, nhiều nhất là trăm nghìn tiền bắt xe về nhà, mà không biết rằng lúc xảy ra việc thì họ tốn cả tỷ đồng để đền bù và bản án lương tâm chẳng bao giờ quên được.

Mỗi ngày ra đường là một cuộc chiến: Chiến đấu để sống sót trở về trước những chiếc xe điên, những tài xế say rượu lao đến trong vô thức... - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, theo cơ quan chức năng, "hiện tượng xe điên" còn xuất phát từ chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe và công tác kiểm soát tài xế uống rượu bia, sử dụng ma túy. Bộ GTVT vẫn đang hứa hẹn sẽ triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này.

Bao giờ người ta hết nhầm lẫn giữa chân ga và chân phanh? Bao giờ người ta hết sử dụng ma tuý, chất kích thích khi tham gia giao thông? Bao giờ người ta hết coi uống nhiều rượu bia là bản lĩnh, là niềm vui, là hết lòng với đối tác, bạn bè?

Bao giờ người ta coi trọng mạng sống chính mình và người khác thì lúc đấy, tai nạn giao thông mới không còn là nỗi ám ảnh...