Nghiên cứu cho thấy mỗi người dành 1/3 thời gian trong đời chỉ để ngủ, điều này phần nào chứng minh giấc ngủ có vai trò quan trọng như thế nào đối với cuộc sống và sức khỏe. Ngủ giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, giúp cải thiện sức khỏe tâm thần, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư...
Tuy vậy, không phải ngủ lúc nào cũng là tốt. Người Trung Quốc xưa có câu: "Ngủ 3 thời điểm này, mạng mỏng hơn giấy", câu này ý muốn nhấn mạnh đến 3 kiểu ngủ mà con người không nên phạm phải. Ngủ như vậy không chỉ không tốt cho quá trình giải độc mà còn gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến tuổi thọ. Vậy thì 3 thời điểm không nên đi ngủ đó là gì?.
3 thời điểm nguy hiểm không nên đi ngủ
1. Ngủ ngày, thức đêm
Trong xã hội ngày nay, có nhiều người vì yêu cầu công việc nên phải chấp nhận ngủ ban ngày, thức ban đêm để làm việc, điều này về lâu dài không tốt cho sức khỏe. Người ngủ ngày, thức đêm sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ dù ban ngày đã ngủ rất nhiều, đồng thời họ sẽ lão hóa rất nhanh, tăng nguy cơ mắc ung thư.
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã xếp thói quen thức đêm vào danh sách "có thể gây ung thư cho con người" để nhắc nhở mọi người về những nguy cơ tiềm ẩn của việc làm việc ban đêm.
Vào tháng 3 năm 2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Washington tại Mỹ đã công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng việc thức đêm sẽ làm hại DNA, ảnh hưởng đến việc sửa chữa tế bào, đồng thời tăng nguy cơ ung thư.
2. Ngủ ngay sau khi ăn
Thời điểm thứ hai mà một người không nên ngủ là ngay sau khi ăn. Giấc ngủ sẽ khiến cho toàn bộ cơ thể giảm công suất hoạt động, cũng vì thế mà thức ăn sẽ không tiêu hóa hết được. Sau một đêm "đọng" lại trong bụng, thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây hại dạ dày và ruột.
Nguy hiểm hơn, thói quen đi ngủ ngay sau khi ăn sẽ gây ra cảm giác nóng rát trong miệng và cổ họng, lâu dài có thể hình thành nên các bệnh về đường tiêu hóa.
3. Khi đói bụng
Bỏ bữa tối để giảm cân là thói quen mà nhiều cô gái đang có. Đi ngủ trong trạng thái đói bụng sẽ làm cơ thể bị suy kiệt, gây đau dạ dày, đồng thời cũng làm hại cho não bộ.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota (Mỹ) cũng chứng minh được nhiều tác hại của việc nhịn ăn tối như kiệt sức, suy nhược và trầm cảm. Bởi khi thức dậy, cơ thể không có năng lượng thì tâm trạng cũng trở nên chán chường và không muốn làm gì. Ngoài ra họ cũng khuyên rằng, giảm cân cần phải có một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý chứ không phải nhịn ăn là được.
Khi cảm thấy đói bụng, bạn nên uống một cốc nước ấm, ăn sữa chua hay ăn một vài miếng trái cây... rồi mới nghĩ đến việc đi ngủ.
Tiêu chuẩn cho một giấc ngủ ngon là gì?
Nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là ngủ ngon, cứ nghĩ rằng hễ cứ lúc nào buồn ngủ thì lên giường ngủ là được. Trên thực tế, có 3 tiêu chí để đánh giá giấc ngủ của bạn có đủ chất lượng hay không, bao gồm:
- Thời gian chìm vào giấc ngủ trong vòng nửa tiếng.
- Bạn không bị tỉnh giấc giữa đêm trong khi ngủ.
- Bạn có thể ngủ 85% thời gian trên giường thay vì dùng điện thoại hay làm những việc khác.
Nếu giấc ngủ của bạn có thể đáp ứng các điều kiện này, điều đó có nghĩa là chất lượng giấc ngủ của bạn rất tốt, cơ thể bạn cũng rất khỏe mạnh, và nó cũng giúp kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, nếu chưa đạt đủ tiêu chuẩn thì bạn phải chú ý điều chỉnh lại giấc ngủ của mình.
Theo aboluowang, Sina