Mới: Phát hiện trẻ bị tự kỷ chỉ qua một sợi tóc - Ảnh 1.

Trẻ bị tự kỷ có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, biểu đạt suy nghĩ hoặc cảm nhận, dễ lo lắng và khó chịu trước những tình huống và sự kiện xã hội không quen thuộc. Bệnh có thể ảnh hưởng cả đời - Ảnh: GETTY

Đột phá trong chẩn đoán bệnh tự kỷ

Phương pháp mới phát hiện bệnh tự kỷ của các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm LinusBio (New York, Mỹ) được công bố trên Tạp chí y học lâm sàng cuối tháng 12-2022 và được giới khoa học thế giới đánh giá là "một bước tiến đột phá" đối với tình trạng tự kỷ.

Phương pháp này bao gồm nhiều quy trình hiện đại, đáng chú ý nhất là việc phân tích mẫu tóc của 486 trẻ sơ sinh từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển... để tìm mức độ kim loại như chì và nhôm trong đó. Đối với trẻ bị tự kỷ thì mẫu kim loại trong tóc cao hơn rất nhiều so với trẻ bình thường.

Hiện tại, toàn bộ quy trình phát hiện bệnh tự kỷ này đang được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ theo dõi và sẽ sớm áp dụng trong các bệnh viện.

Tự kỷ là một tình trạng sức khỏe rất khó chẩn đoán. Do không có xét nghiệm tiêu chuẩn cho tình trạng này nên các bác sĩ phải dựa vào lịch sử phát triển và hành vi của trẻ. Hầu hết thường chỉ được chẩn đoán chính thức khi trẻ bước vào tuổi lên 3 hoặc 4.

Phương pháp mới phát hiện tự kỷ ra sao?

Phương pháp mới sử dụng tia laser để loại bỏ lớp bề mặt của sợi tóc. Sau đó, một tia laser mạnh hơn quét dọc theo sợi tóc, thực hiện các phép đo ở 650 điểm cho mỗi xentimet và biến sợi tóc thành plasma.

Tiếp đó, bằng các quy trình đặc biệt khác, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra các chất kim loại liên quan đến bệnh tự kỷ có trong sợi tóc như chì, cadmium, asen, kẽm, đồng và những chất khác.

Theo các nhà nghiên cứu, so với các phương pháp kiểm tra bệnh tự kỷ khác thì phương pháp mới này được chứng minh là dự đoán bệnh tự kỷ chính xác 81%, chỉ cần 1cm tóc của trẻ sơ sinh.

Việc phát hiện trẻ bị tự kỷ từ rất sớm, ngay trong giai đoạn sơ sinh, sẽ rút ngắn được thời gian theo dõi chẩn đoán bệnh của trẻ. Điều quan trọng nhất là não bộ của trẻ sơ sinh khác với trẻ lên 4 tuổi, việc phát hiện sớm sẽ mang hy vọng rất lớn để tìm ra phương pháp can thiệp điều trị sớm cho trẻ.

Tự kỷ là một tình trạng sức khỏe não bộ. Nó khác hoàn toàn với các tình trạng sức khỏe khác như ốm, đau, hay tổn thương cơ bắp. Bộ não của trẻ bị tự kỷ hoạt động không giống như những trẻ bình thường khác.

Trẻ bị tự kỷ có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, biểu đạt suy nghĩ hoặc cảm nhận, dễ lo lắng và khó chịu trước những tình huống và sự kiện xã hội không quen thuộc. Bệnh có thể ảnh hưởng cả đời, tạo thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, khoa học chưa tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra bệnh tự kỷ nhưng bệnh được cho là có sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền và môi trường.