Lặn lội sau bao nhiêu năm tìm kiếm, cuối cùng, Thủy cũng gặp được cô em gái bị thất lạc. Nhìn Linh sống trong ngôi nhà tạm bợ, rách nát, mái ngói thủng lỗ chỗ Thủy xót xa. Đau lòng hơn khi nhìn thấy cô em gái cùng cha mẹ sinh ra đứng sững sờ trước mắt mình, đen đúa, lam lũ, Thủy thấy sao lại khác mình đến thế?! Trong khi cô được ăn sung, mặc sướng, được sống hạnh phúc bên người chồng và đứa con thơ xinh xắn thì Linh phải chịu cơ cực, lầm lũi và đơn độc. Nước mắt cứ thế không cầm được, lăn xối xả xuống đôi gò má xương xương, Thủy ôm chầm lấy cô em gái xa cách gần 25 năm mà khóc rưng rức.

25 năm, một con số không nhỏ hai chị em Thủy xa nhau, khoảng cách trong suy nghĩ, lối sống và hơn hết là sự mặc cảm của bản thân khiến sự vồ vập của Thủy làm Linh luống cuống. Cô không biết mình nên đón nhận, nên để thõng tay cho người phụ nữ tự xưng là chị mình ôm, hay vòng tay lên để siết chặt lấy tấm thân mảnh khảnh, thơm nức mùi nước hoa ấy. 25 năm kể từ ngày Linh bị bà nội lén mang đi cho người đàn bà làm thuê, không chồng con sau khi mẹ của hai chị em rời bỏ bố mà đi biệt tích. Thủy còn quá nhỏ để cảm thấy sự mất mát, bố Thủy vì đau khổ, lạnh lùng nên cũng không phản ứng gì khi mất con. Và như thế, Linh và Thủy bị đẩy xa ra hai thái cực, hai gia đình, hai môi trường nuôi dưỡng và giáo dục khác nhau, bặt vô âm tín...
 

Khi Thủy đủ lớn, đủ để nhận thức được thế nào là tình thân, là máu mủ, là chị em gái thì thông tin về Linh quá mịt mờ vì người duy nhất biết về người phụ nữ kia, biết nơi Linh sống là bà nội thì đã mất. Thủy dò tìm, hỏi thăm, cất công ngược xuôi Nam – Bắc, ngay cả khi trước ngày cưới, cô vẫn canh cánh hy vọng cô em gái của mình sẽ xuất hiện. Rồi khi Thủy bụng bầu vượt mặt, có người báo cho cô một người có hoàn cảnh tương tự như người nhận nuôi cô em gái, Thủy lại lặn lội xe đò, tìm đến để rồi ra về với sự hẫng hụt...

Cho đến giờ đây, khi ôm trọn cô em gái trong vòng tay, bao nhiêu tủi hờn, mệt mỏi, mong đợi... Thủy gửi trọn vào dòng nước mắt. Cô chỉ biết khóc... Không nỡ để cô em gái bao nhiêu năm trời phải chịu đựng khổ sở sống trong cảnh cơ cực này thêm một giây phút nào nữa, Thủy nhất quyết lôi kéo bằng được Linh trở về đoàn tụ. Cô muốn bù đắp, muốn cả nhà phải bù đắp lại những năm tháng khốn khổ cho Linh dù bằng giá nào đi chăng nữa. Mặc cho Linh đắn đo, nhất quyết từ chối, Thủy kéo tuột cô em gái ra ga tàu, hai chị em lên tàu, tiếng còi tàu và tiếng khóc nức nở của hai chị em xé toạc màn đêm...

Thủy không ngờ, khi đưa được Linh về lại với gia đình, không khí trong ngôi nhà lại hững hờ, lãnh đạm đến như vậy. Không một lời hoan hỉ, không một sự vui mừng... đáp lại chỉ là những cái liếc xéo, tiếng thở dài và cả những lời bóng gió tuyệt tình từ các cô, các chú và đau đớn là từ người đã sinh ra Linh:“Ở chơi vài hôm rồi về. Đừng có đi đâu, xin xỏ, cầu cạnh gì ai”... Nhìn sắc mặt Linh, Thủy biết Linh đang sốc, choáng váng và kinh ngạc xen lẫn tủi hờn, nhục nhã bởi thái độ của những người được gọi là máu mủ, ruột rà. Linh toan quay bước để rời khỏi ngôi nhà ấy, rời xa những con người máu lạnh ấy nhưng Thủy đã nhanh tay kéo cô lại. Thủy trừng mắt, hét lên: “Các người thật tàn nhẫn, xấu xa. Các người có phải là con người không?”. Nói dứt lời, Thủy lôi tuột Linh ra khỏi nhà.
 

Ngồi trên xe taxi, sau một hồi lâu im lặng, khuôn mặt căng như dây đàn, thái độ giận dữ vẫn còn hằn trên khóe mắt, Thủy quay sang nhìn Linh van vỉ: “Chị xin lỗi em! Xin lỗi em! Chị không ngờ... không ngờ... hu... hu...”. Linh vẫn ngồi như chết lặng, không nói không rằng, mặc kệ bên cạnh Thủy vừa khóc lóc, giải thích, năn nỉ.

Chiếc xe đỗ xịch trước cổng một ngôi nhà bốn tầng khang trang, Thủy sưng húp mắt, mệt mỏi đứng bấm chuông, một tay giữ chặt lấy cổ tay Linh như sợ cô sẽ chạy đi mất. Quý ra mở cửa, ánh đèn đường mờ mờ khiến quý không kịp định hình bộ dạng của vợ. Anh vẫn vui vẻ: “Đây chắc chắn là dì Linh rồi! Sao hai chị em lại về đột ngột thế? Em bảo anh mai mới đưa dì ấy về mà...”. Không đáp lời chồng, Thủy lách qua người Quý, kéo theo Linh lật đật ở phía sau.

Dọn dẹp phòng ngủ cho Linh xong xuôi, Thủy rũ rượi về phòng, lúc này cô mới ôm lấy chồng mà khóc cho thỏa. Cô khóc vì thương Linh, khóc vì hận người cha lạnh lùng, vì oán trách những người họ hàng cạn nghĩa tình. Kể cho chồng nghe, rồi bàn với chồng về kế hoạch sẽ để Linh ở lại nhà hai vợ chồng, Thủy sẽ dạy Linh cách buôn bán, trông coi, phụ giúp việc kinh doanh của hai vợ chồng. Thủy không cam tâm để đứa em gái bị cả gia đình phản bội, giờ còn mỗi người chị gái để bấu víu lại phải khốn khổ thêm.

Những ngày đầu, Linh lầm lũi giữa căn nhà rộng lớn, cô đứng hàng giờ trước ban công nhìn ra con đường tấp nập người qua lại. Cô đã luôn mơ về ngày được đoàn tụ với gia đình thực của mình. Nhưng khốn khổ thay, giấc mơ của cô đã tan thành như bóng xà phòng chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ... Bây giờ thì Linh lờ mờ hiểu rằng tại sao ngày ấy, mình lại là đứa trẻ lạc vào ngôi nhà của người đàn bà chuyên cắt cỏ và làm thuê ấy.
 

Sống cùng gia đình Thủy, sự chăm sóc chu đáo, ân cần để níu kéo, để xua đi ấn tượng bị người thân hắt hủi trong lòng Linh của Thủy cũng không thể khiến Linh nguôi ngoai. Cho dù cô cố gắng thích ứng, cố gắng để phán xét công bằng rằng chị gái mình không có lỗi nhưng cô vẫn không xua tan được mặc cảm về mình. Bởi vậy ngoài lúc giúp anh chị trông coi cửa hàng thì Linh hoàn toàn khép mình, đối đáp lấy lệ với vợ chồng Thủy.

Cho đến một năm sau đó, khi Thủy kết thúc chuyến công tác dài ngày trở về nhà, gõ cửa phòng Linh, không có tiếng trả lời, Thủy đẩy cửa bước vào. Một phong thư để ngay ngắn trên bàn. Thủy vội vàng mở phong thư, dòng chữ nghuệch ngoạc như nhảy múa trước mắt Thủy: “Chị! Em biết chị thương em! Em xin lỗi chị! Em phải ra đi bởi vì em không thể gạt được lòng căm hận của em đối với gia đình mình. Em đã lợi dụng lòng tốt của anh chị, em đã lợi dụng lúc anh say rượu, không đủ tỉnh táo để có một đứa con. Chị đừng trách anh bởi vì lỗi là do em, em chỉ muốn mình có được một người thực sự ruột thịt với mình mà em không oán hận để em có thể thương yêu, không phải đau khổ nữa!... Chị đừng tìm em!...”.
 
Lá thư trên tay Thủy rơi xuống, cô khuỵu ngã, ngồi bệt xuống nền nhà, đau đớn, căm ghét, hận cái hoàn cảnh gia đình đã xô đẩy chị em cô vào tình huống trớ trêu. Hận người đã sinh ra hai chị em rồi gieo rắc oan nghiệt, thảm cảnh cho hai chị em... Thủy ôm đầu thảng thốt: "Trời ơi! Em tôi... Khốn khổ em tôi...".