Từ 72 đồng cho 5 miệng ăn...
Xưa lúc còn thiếu niên, bố tôi chỉ có một ước ao được đi học đại học. Cũng chẳng phải ham mê học hành gì, ông cụ bảo lúc ấy người ta học đại học ra thì mới mới được mức lương 65 đồng, vợ chồng ăn một tháng hết 20 đồng là quá lắm, đứa con cứ cho là 5 đồng, thuê nhà 5 đồng, quần áo 3 đồng thì vẫn xông xênh có chút ít giắt lưng tiết kiệm. Tính toán như thế thì cố làm vài năm hưởng lương thực tập cũng gọi là gọ gẵng ổn thỏa. Nhưng từ sau năm 73, thời thế đã thay đổi theo cách bố tôi chẳng ngờ tới.
Bao gạo xương máu sau mười mấy tiếng đồng hồ chờ đợi để đem về cho gia đình (Ảnh: John Ramsden).
Nhà nào cũng sàn sàn ba 3 đứa con, nhiều thì 7 đến 10 đứa cũng là chuyện bình thường thế nên cán bộ còn đói đến rã họng chứ đừng nói đến nhân dân. Mẹ tôi làm giáo viên hệ 7 cộng 2, tức là mới tốt nghiệp lớp 7 và học thêm 2 năm nữa thì được đi làm cô nuôi dạy trẻ, lương chỉ có 32 đồng một tháng. Bố tôi thì khá hơn, nhưng cũng chỉ được 40 đồng. Hai vợ chồng với 3 đứa con, tổng thu nhập cả gia đình chỉ 72 đồng một tháng, tháng nào mua thịt thì nhịn mua mỡ, mà có mua thịt cũng chỉ được 3 lạng một tháng mà thôi. Dầu hỏa 4 lít, cân rưỡi muối, lít rưỡi nước mắm nên tôi với anh Vinh, anh Phúc trông cứ dài nhẳng như cái bơm, đứa nào đứa nấy da bọc xương đen nhẻm trông đến là tội.
Mẹ tôi cũng như các bà mẹ thời ấy: chân chất, mộc mạc và tằn tiện vô cùng (Ảnh: Internet).
"Tiền ăn còn không đủ thì hai chữ dành dụm thực sự quá xa vời." - Mẹ tôi thở dài nghĩ ngợi. Bởi vậy nên mới có những câu ca đi vào hàng kinh điển thế này: "Ăn nhanh, nói chậm, hay cười / Tìm mua đồ cũ là người Việt Nam" hay “chẳng có hào nào găm ở đít”, “canh toàn quốc, nước chấm đại dương” là đủ hiểu về những tháng ngày đói kém đến cùng cực. Thủ kho to hơn thủ trưởng, mậu dịch là số một cũng vì cái cớ này mà ra cả.
Phố phường đìu hiu trong những tháng ngày đói kém (Ảnh: John Ramsden).
Đến cảnh giật gấu vá sống qua ngày
Đầu đường đại úy bơm xe
Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen.
Câu thơ lục bát tưởng hài mà chẳng hài chút nào đã phản ánh chính xác thực trạng xã hội thời của bố mẹ tôi. Thiếu đói từ đồ ăn, thức dùng đến manh áo, tấm chăn... không làm thêm thì biết lấy gì mà sống khi mà giá trị của đồng lương cứ thế đi xuống. Lương những năm 80 so với đợt 70 thì chỉ còn non nửa, thế nên chi tiêu trong gia đình chỉ được một tuần là hết veo. Mẹ tôi nhận quấn thuốc lá, ôm hơn trăm điếu về chia cho 3 đứa con thi nhau quấn. Bố tôi cứ hết ngày lại lôi đồ nghề ra gốc cây si đầu phố ngồi bơm vá kiếm chác.
Từ thịt...
Nói chẳng ngoa chứ thời khó khăn, tất cả mọi người chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Chẳng riêng gì bố mẹ tôi, cứ cái gì ra tiền là người ta làm: buôn bán vặt, đổi gạo thuê, dạy học thêm, làm ca đêm, nhận may quần áo, nhận bơm bút mực...
đến đường, chất đốt, vải, muối... tất cả đều nằm trong diện phân phối, cấp phát (Ảnh: Internet).
Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô để dành
Bộ ba anh em tôi với cái Loan, thằng Bình boong, Định còi và cái Thoa nghêu ngao gào thét những câu này không biết bao nhiêu năm tháng. Biết là chẳng có đâu nhưng cứ ngậu ngã thành đàn cho quên đi cái bụng réo ọc ọc. Trong khu tập thể, bố mẹ chúng tôi cứ chạy qua chạy lại vay nhau từ điếu thuốc, thìa mỡ đến ít muối, củ nghệ. Hồi đó không thể có câu "như cơm bữa" vì cơm hẳn là thứ xa xỉ. Cơm ngày ấy nghĩa là ba phần gạo, bốn phần bo bo, còn lại là khoai sắn.
Những nghề như quấn thuốc lá, bơm mực vào ruột bút bi vô cùng phổ biến ở thời bố mẹ tôi (Ảnh: Ảnh: Philip Jones Griffiths).
Bảy yêu có sắn gạc nai
Tám yêu nước mắm cả chai ăn dần
Chín yêu anh rất chuyên cần
Mười yêu anh chỉ để phần cho em.
Giờ nhìn các con các cháu loay hoay trăn trở trong chuyện học gì, làm gì, thương ai... mà lứa như tôi cũng thấy ngậm ngùi. Mỗi thời mỗi cảnh, cho đến giờ bố mẹ tôi vẫn còn giữ nếp nghĩ tiết kiệm, tằn tiện từ thưở xưa lơ xưa lắc. Cái thời mà khi trời vừa chập choạng là anh Phúc gánh đôi xô ra cái vòi bé xíu ở đầu đường hứng nước phân phối; bố thì phồng miệng thổi lửa vá xăm cho khách còn tôi, anh Vinh và mẹ thì quấn thuốc lá ở nhà...
Giữa vòng quay bộn bề của cuộc sống, đôi khi khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ và con cái xa nhau. Đã bao lâu rồi chúng ta chưa ngồi bên bố mẹ để tỉ tê về những chuyện xưa cũ, về những niềm vui và nỗi buồn đã qua?
Chuỗi bài viết Chuyện xưa kể lại đem đến một góc nhìn vừa quen vừa lạ về tình yêu, cuộc sống hôn nhân & gia đình những năm 70, 80 của thế kỷ trước – Thời của đói kém, khó khăn nhưng cũng không thiếu những nguồn vui!
Hãy chậm rãi tận hưởng những con chữ để thêm yêu và thấu hiểu những con người của một thời đã xa chị em nhé.