img

Hàng trăm triệu người dân tại Ấn Độ và Pakistan đang phải đối mặt với thực tế đáng sợ: những đợt nắng nóng mùa hè đến sớm hơn bình thường, đẩy khả năng chịu đựng của con người đến giới hạn, đồng thời gây áp lực nặng nề lên nguồn cung năng lượng, cây trồng thiết yếu và sinh kế.

Thông thường, cả hai quốc gia đều trải qua các đợt nắng nóng trong những tháng hè như tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, năm nay, mùa nắng nóng đã đến sớm hơn dự kiến và được dự báo sẽ kéo dài hơn.

Nắng nóng kỷ lục

Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở cả hai nước trong tuần này dự kiến sẽ tăng lên mức nguy hiểm. Theo Cục Khí tượng Pakistan, từ ngày 14 đến 18/4, một số vùng của nước này có thể ghi nhận mức nhiệt cao hơn trung bình đến 8 độ C. Tại tỉnh Balochistan, phía tây nam đất nước, nhiệt độ có thể lên tới 49 độ C.

Mức nhiệt này gần như tương đương với Thung lũng Chết - nơi được mệnh danh là vùng đất nóng và khô cằn nhất ở Bắc Mỹ, với nền nhiệt ban ngày trong mùa hè thường xuyên đạt mức tương tự.

Mới tháng 4 nhưng nắng nóng đã vượt ngưỡng chịu đựng: Thai phụ mất con, công nhân ngất xỉu, mất điện kéo dài 16 tiếng mỗi ngày- Ảnh 1.

Một tình nguyện viên dội nước lên đầu người đi bộ để làm mát trong ngày hè oi bức trên một con phố ở Karachi (Pakistan) vào ngày 05/04/2025

Mới tháng 4 nhưng nắng nóng đã vượt ngưỡng chịu đựng: Thai phụ mất con, công nhân ngất xỉu, mất điện kéo dài 16 tiếng mỗi ngày- Ảnh 2.

Du khách bất chấp nắng nóng, đi dạo tại Kartvya Path trong một buổi chiều hè oi ả khi nhiệt độ tăng cao tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 10/04/2025

Mới tháng 4 nhưng nắng nóng đã vượt ngưỡng chịu đựng: Thai phụ mất con, công nhân ngất xỉu, mất điện kéo dài 16 tiếng mỗi ngày- Ảnh 3.

Người dân uống nước từ máy phát nước công cộng để giải nhiệt giữa lúc cảnh báo nắng nóng được ban hành tại Kolkata (Ấn Độ) ngày 09/04/2025

Ayoub Khosa, một người dân sống tại thành phố Dera Murad Jamali (Pakistan), cho biết đợt nắng nóng lần này "ập đến với cường độ khiến nhiều người trở tay không kịp", gây ra nhiều khó khăn nghiêm trọng cho cư dân nơi đây.

"Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng mất điện kéo dài," Khosa chia sẻ rằng tình trạng cắt điện có thể kéo dài tới 16 tiếng mỗi ngày. "Điều này càng làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của nắng nóng, khiến người dân rất khó chống chọi”.

Ấn Độ cũng đang trải qua đợt nắng nóng dữ dội đến sớm hơn thường lệ. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã cảnh báo người dân tại nhiều khu vực cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với "số ngày nắng nóng vượt mức trung bình" trong tháng 4.

Tại thủ đô New Delhi - thành phố hơn 16 triệu dân - nhiệt độ tối đa đã vượt mốc 40 độ C ít nhất 3 lần trong tháng này, cao hơn trung bình mùa khoảng 5 độ C, theo dữ liệu từ cơ quan khí tượng.

Nắng nóng gay gắt cũng đang bao trùm nhiều bang lân cận như Rajasthan ở phía tây bắc, nơi người lao động và nông dân đang vật lộn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và nhiều ca bệnh đã bắt đầu được ghi nhận. Nhiệt độ tối đa tại một số khu vực của bang Rajasthan hôm 14/4 đã lên tới 44 độ C.

Anita Soni, đại diện nhóm phụ nữ Thar Mahila Sansthan, cho biết nắng nóng năm nay tồi tệ hơn hẳn mọi năm và bà lo ngại về ảnh hưởng đối với phụ nữ và trẻ em trong bang. “Khi người lao động hoặc nông dân ra đồng, tình trạng thiếu nước uống xảy ra ngay lập tức. Nhiều người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt hoặc đổ bệnh”, bà nói.

Nông dân Balu Lal cũng chia sẻ rằng người dân đã bắt đầu đổ bệnh vì phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. “Chúng tôi thậm chí không thể đứng ngoài trời để làm việc. Khi ra ngoài, tôi có cảm giác như mọi người có thể bị thiêu đốt bởi sức nóng”.

Lal cho biết ông lo lắng về công việc và thu nhập để nuôi sống gia đình. “Chúng tôi không còn nơi nào khác để đi”, ông thở dài.

Giới hạn chịu đựng bị thử thách

Các chuyên gia cảnh báo, nhiệt độ ngày càng tăng đang đẩy khả năng chịu đựng của con người đến giới hạn.

Trong vài thập kỷ gần đây, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở Ấn Độ và Pakistan. Các chuyên gia khí hậu dự báo rằng đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên mà nhiệt độ vượt qua ngưỡng con người có thể sống sót.

Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, phụ nữ mang thai và thai nhi là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. “Chúng tôi ghi nhận những ca mất thai không rõ nguyên nhân và nhiều trường hợp sinh non”, Neha Mankani, cố vấn của Liên đoàn Quốc tế các Nữ hộ sinh tại Karachi (Pakistan), cho biết.

“Vào mùa hè, có tới 80% trẻ sơ sinh chào đời sớm với các vấn đề hô hấp do thời tiết. Chúng tôi cũng thấy tỷ lệ tăng huyết áp thai kỳ tăng cao. Tình trạng này có thể dẫn đến tiền sản giật, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ”.

Với sự chênh lệch rõ rệt trong mức độ phát triển, cả Ấn Độ và Pakistan được dự báo sẽ nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ khủng hoảng khí hậu với hơn 1 tỷ người tại tiểu lục địa có nguy cơ bị tác động trực tiếp.

Mới tháng 4 nhưng nắng nóng đã vượt ngưỡng chịu đựng: Thai phụ mất con, công nhân ngất xỉu, mất điện kéo dài 16 tiếng mỗi ngày- Ảnh 4.

Một người đi bộ che mặt bằng khăn choàng khi di chuyển trên đường trong ngày hè oi ả tại Chennai (Ấn Độ), ngày 08/04/2025

Theo chuyên gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững Mehrunissa Malik, đến từ thủ đô Islamabad (Pakistan), các tác động dây chuyền từ tình trạng nắng nóng sẽ vô cùng thảm khốc, từ thiếu lương thực, hạn hán đến lũ quét do băng tan nhanh.

Malik cho biết, những cộng đồng không được tiếp cận với các biện pháp làm mát, thiếu nhà ở kiên cố hoặc sống dựa vào thiên nhiên để mưu sinh sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.

“Với người nông dân, thời tiết ngày càng thất thường và khó đoán. Vấn đề lớn nhất là nhiệt độ tăng cao vào thời điểm cây trồng chưa sẵn sàng để thu hoạch. Cây phát triển sớm hơn, sản lượng giảm, và trong thời tiết khô nóng này, chúng cần nhiều nước hơn... Nếu cây còn non, nắng nóng cực đoan khiến chúng hầu như không có cơ hội sống sót”.

Tofiq Pasha - một nông dân kiêm nhà hoạt động môi trường tại Karachi (Pakistan) chia sẻ rằng mùa hè hiện nay bắt đầu sớm hơn nhiều so với trước. Tỉnh Sindh quê ông, cùng với Balochistan, là những khu vực từng ghi nhận mức nhiệt cao nhất toàn cầu trong những năm gần đây. Ông cho biết mùa đông vừa qua, khu vực này đã trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa ít khiến tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng.

“Đây sẽ là một vấn đề sinh kế nghiêm trọng đối với nông dân. Cây ra hoa không đậu trái, hoa rụng, quả rụng, sâu bệnh tấn công và phá hủy mùa màng. Nhiệt độ đôi khi quá cao khiến mọi chu kỳ bị rối loạn. Việc sản xuất lương thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Pasha chia sẻ.

Trong quá khứ, các đợt nắng nóng từng khiến nhu cầu điện tăng vọt, dẫn đến tình trạng thiếu than và khiến hàng triệu người sống trong cảnh mất điện. Một số chuyến tàu bị hủy để tiết kiệm năng lượng, trường học phải đóng cửa, làm gián đoạn việc học của học sinh.

Nguồn: CNN