Cuộc sống hôn nhân luôn ẩn chứa vô số những thách thức và khó khăn, không chỉ giữa hai người bạn đời mà còn giữa họ với những thành viên trong gia đình lớn hơn. Trong đó, mối quan hệ với mẹ chồng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất, đầy rẫy những cảm xúc và hiểu lầm.
Ai cũng hiểu rằng càng ở gần nhau, càng tiếp xúc nhiều thì lại càng dễ nảy sinh mâu thuẫn nhưng khổ nỗi vợ chồng mới cưới chưa nói đến vấn đề kinh tế thì đã có quá nhiều lý do cản trở việc ra ở riêng rồi. Hoàn cảnh của tôi hiện tại cũng chẳng khá khẩm hơn được là bao.
Vợ chồng tôi không đến nỗi khó khăn kinh tế nhưng cũng không phải diện quá khá giả. Hiện tại 2 đứa vẫn trong giai đoạn cố gắng tích lũy để mua cho mình 1 tổ ấm riêng. Thế nhưng lý do chính khiến vợ chồng tôi chưa thể ra ở riêng là vì mẹ chồng luôn luôn có phản ứng tiêu cực với vấn đề này.
Tôi hiểu khi ở chung sẽ có bảy bảy bốn chín các loại vấn đề cực kỳ khó giải quyết, nhưng điều khiến tôi lo ngại nhất là các mâu thuẫn liên quan đến vấn đề kinh tế. Và tất nhiên rồi, nó đã xảy ra còn tôi thì chẳng biết làm thế nào để xử lý nó.
Mỗi tháng, tôi đưa mẹ chồng 15 triệu tiền ăn. Nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng và con trai 5 tuổi. Mặc dù ai cũng nói rằng 15 triệu tiền ăn là quá nhiều nhưng tôi vẫn đưa số tiền đó đều đặn hàng tháng với mong muốn rằng số tiền ấy sẽ giúp bà thêm phần thoải mái trong việc chuẩn bị những bữa ăn ngon cho gia đình. Đó là cách tôi thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với người đã sinh ra và nuôi dưỡng người bạn đời của mình.
Nhưng rồi, cuộc sống không diễn ra theo cách tôi mong đợi. Có lẽ khi mình càng biết điều thì thứ mình nhận lại được từ nhà chồng không phải là sự trân trọng, yêu thương mà là những ngày tháng nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng với họ vẫn chẳng có gì đáng để tâm hết.
Hiện tại nhà có 7 người, bố mẹ chồng, vợ chồng tôi, vợ chồng cô út và con trai nhỏ của tôi. Nhà cô út ở tạm đây 1 thời gian vì đang xây dở nhà cửa, em chồng tôi cũng có ý lắm, từ lúc 2 vợ chồng nó về đây ở, đều đặn mỗi tháng đều đưa cho mẹ 7 triệu tiền ăn, mà chỉ ăn mỗi bữa tối. Điện nước và các khoản sinh hoạt phí nó đều chủ động xin tôi đóng góp nhưng tôi toàn lờ đi, có mấy đồng bạc bắt nó chia ra thì còn ra thể thống gì.
Như vậy, khoảng nửa năm gần đây thì mỗi tháng mẹ chồng tôi nhận được 22 triệu tiền ăn, còn lại các chi phí khác đều là vợ chồng tôi chi trả. Thế nhưng, cứ đến mỗi bữa cơm đều khiến tôi cảm thấy thất vọng. Đồ ăn lèo tèo, thiếu thốn, cả nhà ăn lúc nào cũng bị đói, tối phải ra ngoài ăn thêm nếu không thì đói không ngủ nổi. Tôi đâu có đòi hỏi cao lương mỹ vị gì cơ chứ, tôi chỉ cần đủ ăn và no bụng chứ đi làm cả ngày rồi, có bữa cơm tối để nạp vào năng lượng mà cũng không đủ ăn thì sao mà chúng tôi lao động kiếm tiền được? Đấy là còn chưa nói con tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, không đủ dinh dưỡng thì phát triển sao được?
Kể cả với tôi, ngày nào cũng thịt lợn, thịt gà cũng được nhưng phải đủ số lượng, đằng này mẹ chồng tôi mỗi sáng dậy đi chợ hôm thì mua 5 lạng thịt lợn, hôm thì mua 10 quả trứng gà công nghiệp. Có hôm bà đi chợ mua 3 cái cánh gà cho gia đình 7 người ăn hẳn 2 bữa.
Vì đồ ăn quá ít nên bà cố tình nấu rất mặn để ăn được nhiều cơm hơn. Tức là mẹ chồng tôi biết thừa lượng thức ăn đấy không đủ cho cả nhà nhưng thay vì mua thêm thì bà tằn tiện bằng cách nấu mặn chát để cả nhà ăn nhiều cơm cho đỡ tốn thức ăn.
Tôi đã ý nhị hỏi rằng tiền tôi và em chồng đưa bà có đủ không nhưng lần nào bà cũng lờ đi không thèm trả lời. Thế là tôi lại phải thẳng thắn "nhờ" bà mua thêm đồ ăn nhưng lúc nào bà cũng "ờ" nhưng không bao giờ mua thêm cái gì, thậm chí còn dằn mặt tôi bằng cách mua ít hơn cả bình thường.
Mỗi lần tôi đề cập đến vấn đề này một cách nghiêm túc, mẹ chồng lại cảm thấy tự ái, bà coi đó là sự xúc phạm đến khả năng chi tiêu và quản lý gia đình của mình. Bà trở nên ầm ĩ, cáu kỉnh, và không ít lần, những cuộc cãi vã đã bắt đầu từ chính những thắc mắc của tôi.
Có lẽ trong mắt bà, tôi không chỉ đặt nghi vấn về cách bà sử dụng tiền bạc mà còn đánh giá thấp nghĩa vụ và trách nhiệm của bà đối với gia đình. Nhưng quả thật là chuyện quản lý chi tiêu của bà rất có vấn đề!
Tôi chợt nhận ra rằng, đôi khi, việc giữ kín những lo lắng và những thắc mắc có thể là cách tốt nhất để duy trì hòa khí trong gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi nên chấp nhận một tình trạng không hợp lý. Tôi cần tìm một cách khéo léo hơn để đưa ra những quan ngại của mình mà không làm tổn thương đến lòng tự ái của bà.
Phải chăng tôi nên tự mình tham gia vào việc nấu ăn, hay đề xuất tổ chức những buổi mua sắm chung để hiểu hơn về cách bà quản lý tiền bạc? Hoặc có lẽ tôi nên mở một cuộc trò chuyện chân thành và cởi mở, không chỉ để trình bày về những quan ngại của mình, mà còn để lắng nghe điều mẹ chồng tôi muốn nói.
Nhưng dù thử tất cả mọi cách đều không ăn thua, mẹ chồng tôi luôn bảo thủ như vậy, cứ hễ động vào là bà lại nhảy dựng lên. Chẳng lẽ bây giờ tôi phải nhịn bà rồi để cả nhà nhịn đói như thế này mãi à?
Cuối cùng, tôi nhận ra rằng đôi khi, sự im lặng và kiên nhẫn chẳng mang lại lợi ích gì khi đối phương là người cố tình không tiếp thu, không hợp tác. Thế là tôi quyết định mình sẽ là người đi chợ mua thực phẩm hàng tuần. Mỗi tháng thay vì đưa mẹ chồng 15 triệu tiền ăn, tôi chỉ biếu bà 3 triệu, còn lại ăn uống tôi tự chủ động hết.
Tháng đầu mẹ chồng tôi khó chịu ra mặt, đến tháng thứ 2 thì bà yêu cầu chúng tôi đưa tiền như trước còn không thì "mời" ra ngoài tự thuê nhà mà ở. Có lẽ mẹ chồng tôi nghĩ chúng tôi sẽ sợ và xuống nước, ai ngờ con trai bà là người đồng ý nhanh như chớp. Hiện tại vợ chồng tôi đang chuyển nhà sắp xong rồi, còn mẹ chồng thì ngày nào cũng chửi đổng. Tôi kệ, sống sao cho vừa lòng người khác mãi được.