Anh Trần Văn Sùng tại công ty TNHH Tuấn Thành do anh gầy dựng
Không kiểm soát được mình trong phút chốc, Trần Văn Sùng (SN 1982) tham gia băng nhóm buôn tiền giả và phải lĩnh án 7 năm tù. Đó là kết cục đau lòng của chàng sinh viên nghèo.
Sùng sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, đông anh em ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Tuy gia đình khó khăn nhưng cha mẹ Sùng vẫn cố gắng hết sức để cho Sùng được học tập.
Trong cuộc sống ai cũng có ước mơ, với Sùng trở thành một kỹ sư nông nghiệp giúp bà con nông dân quê hương mình thoát nghèo là động lực cho anh phấn đấu. Nỗ lực ấy được đền đáp, khi Sùng thi đậu vào ĐH Nông nghiệp I (Hà Nội) với 24,5 điểm. Thấm thoắt đã gần 4 năm, chàng kỹ sư tương lai chỉ còn vài tháng là có thể thực hiện giấc mơ của mình. Nhưng bao ấp ủ, hoài bão và dự định tan biến trong chốc lát khi Sùng tham gia băng nhóm buôn tiền giả và bị bắt.
Sùng kể, ngày đó, đang học năm thứ 4 ĐH Nông nghiệp I (Hà Nội), Sùng gia nhập vào băng nhóm buôn tiền giả. Cùng với 3 người trong nhóm, Sùng thực hiện phi vụ đầu tiên của mình. Cứ tưởng là sẽ trót lọt, sau khi vượt biên trái phép ở cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) sang thị trấn Bằng Tường, huyện Pò Chài (Trung Quốc) trở về.
Ngày 29/6/2006, Sùng và đồng bọn mang tiền giả đi tiêu thụ tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), bị lực lượng công an bắt quả tang. Với số lượng tiền giả 50 triệu đồng, Sùng bị kết án 7 năm tù và chấp hành án ở trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình).
Vượt mặc cảm, làm lại từ đầu
Những ngày tháng mới vào tù, Sùng chán nản không thiết sống. Nhờ vào tình yêu thương của cha mẹ, động viên của người thân, anh đã lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Chỉ sau 4 năm cải tạo, Sùng đã được đặc xá trở về với cộng đồng, gia đình.
Hơn bao giờ hết anh tự nhận ra, nếu không tự cứu mình thì không còn ai có thể cứu mình. Sau khi ra tù, Sùng đã vào Nam kiếm việc làm nuôi bản thân. Tại đây, chỉ trong vài tháng anh phát hiện ra nghề đá ốp lát được học ở trong trại giam giờ có điều kiện phát triển.
Nghĩ là làm, cuối năm 2010 Sùng quyết định trở về quê với dự định làm lại cuộc đời dẫu biết rằng sẽ không dễ dàng khi bản thân mình từng lầm lỗi “Khi mới bắt đầu khởi nghiệp khó khăn lắm, vốn không có, đi vay không được vì không ai tin tưởng đưa tiền cho kẻ mới ra tù như tôi”, Sùng kể.
Trong hành trình hoàn lương, Sùng không đơn độc. Ngoài cha mẹ, người thân luôn bên cạnh anh, thì tình yêu của cô nữ sinh Trương Thị Tuyết (SN 1988) đã tăng thêm sức mạnh, niềm tin giúp anh trở lại con đường hoàn lương. Sau khi ra tù, trong một lần đến thăm người bạn ở thị trấn Nga Sơn, Sùng tình cờ gặp cô sinh viên năm đầu trường ĐH Hồng Đức có khuôn mặt rất thân thiện đang về nghỉ hè giúp bố mẹ bán hàng. Cuộc gặp gỡ ấy khiến cả Sùng và Tuyết lưu luyến, quý mến nhau.
Khi nghe về quá khứ và những dự định của mình, cứ tưởng biết chuyện, Tuyết sẽ rời xa anh. Nhưng khi hiểu chuyện, Tuyết càng thấy cảm phục ý chí và nghị lực làm lại cuộc đời của anh. Ngoài giờ trên giảng đường, Tuyết lại cùng Sùng đi đến các huyện vùng núi tìm kiếm các mặt hàng đá, phục vụ cho công việc kinh doanh của Sùng.
“Mặc dù, biết quá khứ lỗi lầm của anh, nhưng nhận thấy sự chân thành trong tình cảm của chúng tôi, nên bố mẹ tôi đồng ý tác hợp cho hai đứa. Năm 2011, chúng tôi kết hôn và nay đã có một con trai kháu khỉnh gần 2 tuổi”, chị Trương Thị Tuyết cho biết
Khi hỏi về mối tình với anh, chị Tuyết tâm sự: “Khi mới quen nhau, biết quá khứ và những nỗ lực của anh tôi càng thương anh nhiều hơn”. Không kể nhiều về câu chuyện tình yêu giữa hai người, nhưng xóm giềng, người thân cho hay người phụ nữ trẻ ấy đã vượt qua bao điều tiếng khi yêu gã trai từng tù tội để vun đắp một mái ấm gia đình".
Không phụ lòng yêu thương, quan tâm giúp đỡ của người thân và các tổ chức địa phương, Sùng quyết tâm làm lại cuộc đời. Với sự ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, tổ hợp đá ốp lát đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Sau 4 năm, từ tổ hợp sản xuất, anh thành lập Công ty TNHH xây dựng Tuấn Thành với hai cơ sở chuyên về lĩnh vực đá ốp lát và thầu các công trình xây dựng. Hiện tổng vốn lưu động của công ty đã hơn 6 tỷ đồng và thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 11 người với mức lương 4,5 - 7 triệu đồng/tháng. Trong đó, có 5 công nhân là những người từng phạm tội cải tạo tốt được ra tù trở về địa phương.
Ngoài người bạn đời luôn bên cạnh giúp đỡ mình, anh Sùng còn được “Quỹ an ninh doanh nghiệp” do Công an huyện Nga Sơn phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho những người lầm lỡ có điều kiện phát triển kinh tế, hòa nhập lại cộng đồng.
Bằng số vốn ban đầu được vay 10 triệu đồng từ “Quỹ an ninh doanh nghiệp”, Sùng đã đi mua 200 m2 đá ốp lát. Một thời gian sau, Công an huyện Nga Sơn bảo lãnh cho anh vay ngân hàng thêm 30 triệu đồng để mở rộng cơ sở.